Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bình xét các danh hiệu văn hóa: Đi tìm con số thật

PV - 14:02, 02/07/2018

Dự thảo Nghị định quy định về “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” một lần nữa tiếp tục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lấy ý kiến. Dự thảo cũng đang gặp nhiều ý kiến trái chiều.

Giá trị văn hóa được bồi đắp thường xuyên bằng những hoạt động cụ thể nơi khu dân cư. (Ảnh minh họa) Giá trị văn hóa được bồi đắp thường xuyên bằng những hoạt động cụ thể nơi khu dân cư. (Ảnh minh họa)

 

Đằng sau danh hiệu văn hóa

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, 6 gia đình ở thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) đã tự nguyện giao ước thi đua xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Khởi nguồn từ đây, phong trào xây dựng gia đình văn hoá ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo niềm hứng khởi cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Nhưng do căn bệnh thành tích và những bất cập trong tiêu chí xét tặng, số lượng gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” tăng chóng mặt. Đến năm 2015, cả nước có đến 19 triệu gia đình trong tổng số 22 triệu gia đình trên cả nước đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm tỷ lệ 85,03%. Năm 2017, mặc dù đã “siết chặt” hơn trong việc chấm điểm và bình xét, nhưng số hộ “Gia đình văn hóa” vẫn đạt khoảng 17,8 triệu gia đình.

Ngoài danh hiệu “Gia đình văn hóa”, danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cũng được đặc biệt quan tâm, với mục tiêu xây dựng con người văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, năm 2017, số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký đạt chuẩn văn hóa là 68.269; số được công nhận là 57.800 (đạt 84,67%).

Nhưng đằng sau số lượng rất dồi dào đó là gì? Không quá khó để nhận thấy, tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường, đạo đức nghề nghiệp… đang ở mức báo động. Đặc biệt, đạo đức nghề nghiệp sa sút cả trong những lĩnh vực được xã hội tôn vinh như ngành Y, ngành Giáo dục…

Cùng với đó là văn hóa “chạy chọt”, gian lận, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội và trong cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng… Chỉ tính riêng trong gia đình, theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), kể từ năm 2012 đến nay, cả nước đã xảy ra khoảng 160 nghìn vụ bạo lực gia đình; mức độ các vụ việc ngày càng nghiêm trọng.

Đừng chạy theo… danh hão!

Vì độ “vênh” giữa số lượng danh hiệu văn hóa với thực tế văn hóa của xã hội hiện nay, nên khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, quy trình công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” ra lấy ý kiến đã nhận được rất nhiều ý kiến trên các diễn đàn.

Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn trong xây dựng gia đình văn hóa. Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn trong xây dựng gia đình văn hóa.

 

Một trong những tiêu chí được xây dựng trong Dự thảo đang là băn khoăn lớn của dư luận là: chỉ cần có trên 60% tổng số cử tri tại địa phương nhất trí tán thành, 40% còn lại không cần nhất trí thì các hộ gia đình vẫn được xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Điều này liệu sẽ là môi trường thuận lợi để tình trạng “bội thu” danh hiệu “Gia đình văn hóa” tiếp tục tái diễn?

Đây là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng, bởi lâu nay, dường như danh hiệu “Gia đình văn hóa” đã bị bình thường hóa; dẫu vẫn thường xuyên được xét tặng, công nhận nhưng rất ít gia đình lưu tâm đến danh hiệu này.

Nhiều ý kiến cho rằng, để danh hiệu “Gia đình văn hóa” phản ánh đúng giá trị của nó, thì không nhất thiết phải chạy theo số lượng. Bởi một lẽ đơn giản, tình trạng tràn lan như hiện nay thì từ một danh hiệu cao quý bỗng chốc trở nên quá đỗi tầm thường khi giá trị thực của danh hiệu không phản ánh đúng thực trạng văn hóa của một gia đình, một khu dân cư.

Đáng chú ý, để danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” lan tỏa giá trị của nó, thì công tác tuyên truyền phải được nâng cao hơn nữa. Một kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu gia đình và giới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) được đưa ra giữa năm 2017 đã đưa ra con số thống kê đáng giật mình. Đó là, chưa đến 1/3 số người được hỏi nói rằng, họ biết rõ về tiêu chí xây dựng “Gia đình văn hóa”, hơn một nửa “chỉ nghe nói” và hơn 15% “không biết gì”.

Khánh Thư