Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bình Tân (Vĩnh Long): Khuyến nông giúp người dân thoát nghèo

Như Ý - 12:13, 12/11/2020

Với mục tiêu hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, những năm gần đây, Trạm Khuyến nông huyện Bình Tân (Vĩnh Long) đã tập trung triển khai xây dựng các mô hình trình diễn khuyến nông. Theo đó, hàng năm, trên cơ sở kế hoạch của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và điều kiện cụ thể của địa phương, Trạm đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể. Hiệu quả thu được từ các mô hình đã giúp bà con nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Thu hoạch khoai lang ở Bình Tân
Thu hoạch khoai lang ở Bình Tân

Bình Tân với thế mạnh về nông nghiệp, hằng năm sản xuất trên 13.000 ha khoai lang các loại, gần 2.000ha hành lá, khoảng 9.000ha lúa và khoảng 4.000ha rau cải các loại. Tính đến nay, trên địa bàn có chăn nuôi các loại gia súc gia cầm như: heo (khoảng 5.000 con), bò (khoảng 800 con), trâu (10 con), gà (gần 85.000 con), vịt (106.000 con) và lĩnh vực thủy sản chủ yếu là thâm canh cá tra với 24 cơ sở, 96 ao chiếm diện tích khoảng 75 ha. Qua đó, nhận thấy việc triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao được xem là nhiệm vụ hàng đầu của hệ thống khuyến nông từ huyện đến cơ sở.

Cụ thể như, trên cơ sở hiệu quả của mô hình tưới phun tiết kiệm nước cho cây rau màu và qua các cuộc trao đổi trong sinh hoạt thường lệ của Câu lạc bộ Khuyến nông xã Tân Hưng, Trạm Khuyến nông huyện Bình Tân đã kết hợp với ông Bùi Văn Hải tiến hành thí nghiệm lắp đặt hệ thống tưới phun cho cây khoai lang trên diện tích 1ha, với sự hỗ trợ kỹ thuật và 30% chi phí vật tư của công ty Nguyễn Tân. Mô hình thí điểm được triển khai vào cuối năm 2017 và qua giai đoạn khắc phục lỗi kỹ thuật thì đến nay đã có hiệu quả rõ rệt về kinh tế cũng như hiệu quả xã hội và môi trường.

Theo lãnh đạo Trạm Khuyến nông Bình Tân, việc áp dụng hệ thống tưới phun góp phần tăng năng suất sản phẩm (từ 5-10%) do tiết kiệm diện tích đất để sử dụng làm mương tưới (trung bình 1ha giảm được 10% diện tích mương tưới), đồng thời, lượng nước cung cấp đều và đủ hơn so với phương pháp tưới truyền thống. Hệ thống này còn góp phần giảm chi phí và sức lao động của nông dân. 

Cụ thể, nếu tính trên diện tích 1ha thì cần 2 nhân công áp dụng phương pháp tưới thủ công trong 90 ngày, mỗi ngày cần 4 giờ lao động. Như vậy tổng công lao động tưới nước cho khoai lang trong cả vụ là 720 giờ và chi phí thuê lao động trung bình là 180.000đồng/ngày/8 giờ thì chi phí lao động cho việc tưới nước và phân bón cho một vụ khoai là 16.200.000 đồng/ha/vụ. Nhờ hệ thống này, giúp cho nông dân có tác phong canh tác chuyên nghiệp hơn và hướng đến sản xuất hàng hoá với số lượng lớn, tập trung. Áp dụng hệ thống tưới phun kết hợp với phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giúp hạn chế sự thất thoát của phân bón, giảm thiểu sự ảnh hưởng tiêu cực của thuốc BVTV đối với sức khỏe của người trồng.

Đến nay, huyện đã hình thành 2 vùng sản xuất rõ rệt. Đó là vùng phù sa ven sông Hậu, gồm thị trấn Tân Quới và các xã: Thành Lợi, Tân Bình, Tân Lược và Tân An Thạnh thuộc vành đai trồng rau xanh, trong đó có khoảng 450ha chuyên trồng màu với thế mạnh trồng hành lá và rau cải các loại, có khả năng cung cấp quanh năm cho thị trường. Vùng còn lại hơi nhiễm phèn ở các xã dọc Đường tỉnh 908 và Đường huyện 919B như: Mỹ Thuận, Nguyễn Văn Thảnh, Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng, có thế mạnh sản xuất luân canh lúa màu, với khoai lang và dưa hấu là cây trồng chủ lực.

Giá trị sản xuất nông nghiệp- thủy sản của huyện tăng bình quân 3,13%/năm, trong đó riêng giá trị nông nghiệp tăng 3,06%/năm. Năm 2020, giá trị sản phẩm thu trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản ước đạt 449 triệu đồng, tăng trên 180 triệu đồng so năm 2015; trong đó, giá trị sản phẩm thu được trên đất trồng trọt tăng của mỗi ha tăng từ 232 triệu đồng năm 2015 lên 386 triệu đồng năm 2020.

Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông Bình Tân còn phối hợp với các đơn vị trong địa phương tổ chức những buổi tư vấn trực tiếp nhằm giúp bà con nông dân cập nhật kiến thức sản xuất nông nghiệp mới, hướng dẫn những chủ trương, chính sách của nhà nước, của địa phương về phát triển sản xuất nông nghiệp giúp nông dân học hỏi và áp dụng vào sản xuất.

Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 4 Câu lạc bộ Khuyến nông kiểu mới để nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất và những vấn đề khác trong đời sống xã hội; tạo đầu mối chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các thành viên; đồng thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến các thành viên trong Câu lạc bộ.

Mô hình tưới phun trên cây khoai lang ở xã Tân Hưng, huyện Bình Tân
Mô hình tưới phun trên cây khoai lang ở xã Tân Hưng, huyện Bình Tân

Để các mô hình khuyến nông được thực hiện có hiệu quả và ngày càng nhân rộng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cho cơ cấu cây trồng, vật nuôi cần có giải pháp cụ thể về nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, thị trường đầu ra cho sản phẩm, về cây con giống, về kỹ thuật công nghệ, về năng lực cán bộ khuyến nông cơ sở, quan trọng nhất là hiệu quả kinh tế cũng như hiệu quả về bảo vệ môi trường của mô hình cần nhân rộng phải cao hơn sản xuất bình thường của người nông dân.

Theo lãnh đạo Trạm Khuyến nông huyện Bình Tân cho biết, trên cơ sở bám sát điều kiện, đặc điểm của địa bàn, những năm qua, Trạm đã thường xuyên tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, một nội dung trọng tâm là nghiên cứu, lựa chọn và xây dựng các mô hình trình diễn khuyến nông. Thông qua các mô hình này, Trạm đã đánh giá được mức độ hiệu quả, sự phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân để nhân rộng trên địa bàn thành phố.

Được biết, trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện Bình Tân sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình trình diễn hiệu quả, đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật để nông dân có thêm kiến thức, áp dụng thành công trong sản xuất, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương.

(Bài viết thuộc Chuyên đề Khuyến nông với đồng bào DTTS)