Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hiệu quả từ mô hình nuôi dê

PV - 06:51, 12/03/2018

Nhằm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho các hộ nghèo vùng DTTS TP. Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông (thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội) triển khai thí điểm mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản”.

 

Các hộ nông dân tham gia mô hình được đầu tư hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, giống, thức ăn chăn nuôi... nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước thoát nghèo.

Nằm giữa thôn Vao, xã Yên Bình (huyện Thạch Thất), căn nhà của gia đình anh Đặng Văn Ân tuềnh toàng như những hộ nghèo khác nơi đây. Từ năm 2016 về trước, danh sách hộ nghèo của xã Yên Bình luôn có tên gia đình anh Ân. Thu nhập của vợ chồng anh chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng.

Từ tháng 9/2016, gia đình anh Ân được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ miễn phí cho 7 con dê (6 cái, 1 đực) từ mô hình thí điểm “Chăn nuôi dê sinh sản”. Anh được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên đàn dê. Chỉ sau hơn 1 năm, 7 con dê ban đầu đã sinh sản ra 11 dê con. Anh Ân đem bán 5 con, chỉ giữ lại 6 con cái tiếp tục nuôi để phối giống.

Mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản” giúp người nông dân thoát nghèo bền vững. Mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản” giúp người nông dân thoát nghèo bền vững.

Nhận thấy chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, vợ chồng anh Ân bàn nhau vay vốn, mua thêm 3 con bò sinh sản. Nhờ chịu khó làm ăn, mạnh dạn đầu tư sản xuất, thu nhập của gia đình đã từng bước được cải thiện. Chỉ sau hơn một năm tham gia mô hình nuôi dê, bò, gia đình anh Ân đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

Còn tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức), nhờ áp dụng mô hình nuôi dê của Trung tâm Khuyến nông, nhiều hộ nông dân đã có thu nhập khá cao, từ đó vươn lên trở thành hộ khá giả. Báo cáo của xã An Phú cho biết, toàn xã hiện có 40 hộ nuôi dê với tổng đàn khoảng 800 con, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đơn cử như gia đình anh Lê Văn Tiến, Trưởng thôn Thanh Hà nuôi 60 con dê, hơn chục con trâu bò, 5.000 con gà, 200 con vịt đẻ..., mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Anh Tiến cho biết, so với đầu tư nuôi lợn thì nuôi dê hiệu quả hơn nhiều vì không tốn công chăm sóc, chi phí ít. Xã An Phú có địa lợi là những dãy núi đá, người dân có thể thả đàn dê lên núi để chúng tự kiếm ăn, buổi chiều khi dê về chuồng thì chỉ cần cho ăn thêm chút cám và nước ấm pha chút muối là dê lớn rất nhanh.

Ông Nguyễn Mạnh Ngự, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú cho biết, An Phú là một trong ba xã nằm trong vùng “rốn” lũ của huyện Mỹ Đức, tiếp giáp với những dãy núi của tỉnh Hòa Bình, thường bị lũ tràn về nên trồng cấy lúa không đạt hiệu quả cao. Toàn xã An Phú hiện có tổng diện tích đất đồng bằng và đồi núi rộng hơn 2.200ha, trong đó, xã có 560ha rừng thuộc vùng đệm của rừng đặc dụng Hương Sơn và 800ha rừng trồng trên những dãy núi đá vôi, rất thuận tiện cho việc người dân chăn nuôi dê núi. Vì vậy, trong vài năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã An Phú đã chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang nuôi dê, bước đầu đạt kết quả cao.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Chăn nuôi (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) cho biết, mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản” với giống dê lai cũng áp dụng phương pháp nuôi, chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh như cách nuôi dê truyền thống. Tuy nhiên, bước đầu thí điểm cho thấy hiệu quả nuôi dê lai sinh sản cao hơn giống dê nuôi thông thường. Đây có thể xem là hướng đi mới, phù hợp với vùng gò đồi núi đá nhờ đầu tư chi phí hạ tầng không lớn, tận dụng được sức lao động nông nhàn, cũng như phụ phẩm nông nghiệp.

Mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản” tại các xã miền núi các huyện Thạch Thất, Mỹ Đức của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là cụ thể hóa mục tiêu hỗ trợ đồng bào tiến tới thoát nghèo bền vững. Sự hỗ trợ thiết thực này sẽ tạo nên đòn bẩy cần thiết, giúp nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống cho các hộ nghèo.

HỒNG MINH