Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bình Phước đi đầu về chuyển đổi số

Thanh Liêm - 06:56, 25/11/2022

Xác định mục tiêu “đi tắt đón đầu” bằng việc tiên phong xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, Bình Phước đã đề ra hàng loạt giải pháp, trong đó đáng chú ý là kế hoạch Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển Chính quyền số” đã đưa địa phương này dẫn đầu về chuyển đổi số.

Trong các địa phương đạt thành tích nổi bật về bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) cấp bộ, tỉnh năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố mới đây, Bình Phước lần đầu tiên xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2020 (xếp thứ 25/63).

Trung tâm IOC của tỉnh Bình Phước
Trung tâm chuyển đổi số (IOC) của tỉnh Bình Phước

Chuyển đổi số đi vào đời sống

Trải qua đợt tập huấn do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bù Đốp triển khai, các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) trong huyện, đã tích cực ra quân triển khai chiến dịch. Tại xã Hưng Phước, cùng tổ CNSCĐ xã, các tổ CNSCĐ thôn, ấp đã trực tiếp đến từng hộ dân hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các ứng dụng nền tảng số. Để người dân nhận thấy được lợi ích khi tham gia dịch vụ công trực tuyến, các thành viên tổ CNSCĐ “cầm tay chỉ việc” cho đến khi người dân thuần thục.

Chị Điểu Thị Liên - dân tộc Xtiêng ở thôn 1, xã Thiện Hưng nói: “Từ bé đến giờ cả nhà tôi phải đến trụ sở xã (Hưng Phước) để làm rất nhiều thủ tục giấy tờ hành chính, giờ thì đã được các em thanh niên ở xã hướng dẫn khai báo trực tuyến nên tôi thấy rất là có lợi”. 

Tương tự, ông Chu Văn Báo - dân tộc Nùng ở ấp 4, xã Hưng Phước cho biết, ông được các bạn đoàn viên thanh niên, hướng dẫn cặn kẽ các thao tác đăng ký tài khoản dịch vụ công và ứng dụng chuyển tiền, tuy nhiên lúc đầu cũng gặp khó khăn do chưa từng sử dụng, nhưng làm riết nên nay ông đã thành thạo.

“Đăng ký tài khoản dịch vụ công và tải ứng dụng chuyển tiền như ví điện tử Momo, Internet Banking… rất tiện lợi, đỡ mất thời gian đi lại. Trước đây, hằng tháng tôi phải ra bưu điện đóng tiền điện, nhưng nay cài đặt ứng dụng này rồi thì ở nhà cũng có thể đóng tiền điện. Tôi thấy rất tiện ích cho người dân”, ông Báo chia sẻ.

Viettel Bình Phước lắp đặt, đưa vào sử dụng dịch vụ mạng 5G đặt tại UBND tỉnh, giúp kết nối dữ liệu tốc độ cao gấp 50 lần mạng 4G hiện tại
Viettel Bình Phước lắp đặt, đưa vào sử dụng dịch vụ mạng 5G đặt tại UBND tỉnh, giúp kết nối dữ liệu tốc độ cao gấp 50 lần mạng 4G hiện tại

Theo chị Dương Ngọc Quyên - Phó giám đốc Công ty TNHH thương mại - sản xuất Dương Hòa Phát, huyện Chơn Thành, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet là chị có thể xử lý tốt nhiều việc ở bất cứ đâu, thời gian nào. 

Chị cho biết, với quy mô sản xuất hàng ngàn mét khối ván lạng/năm, nhưng công ty chỉ sử dụng khoảng 70 lao động. Xác định phải thay đổi phương thức quản lý, không còn “cầm tay chỉ việc”, công ty đã nâng cao hiệu suất làm việc bằng cách đầu tư máy móc, cũng như các phần mềm quản lý công việc. “Giờ ở đâu tôi cũng có thể giải quyết và bao quát hết công việc, khâu nào cảm thấy chưa được sẽ phát hiện ra ngay. Mình không phải mất công đi ra kho, xuống dưới bãi như trước đây”, chị Ngọc Quyên nói. 

Còn theo anh Vũ Mạnh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Hạt Điều Vàng, huyện Phú Riềng, chuyển đổi số quan trọng nhất, đó là sự thay đổi về tư duy và nhận thức của doanh nghiệp. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tinh gọn bộ máy và giúp người lãnh đạo quản lý khoa học, hiệu quả hơn, cũng như việc sản xuất, điều hành, tổ chức có những thông số chuẩn. Một khi chuyển đổi số theo hướng lấy con người là trung tâm, là chủ thể của quá trình hoạt động, thì mọi quyết định về điều hành sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, là bước đột phá trong chuyển đổi của hoạt động kinh tế.

Tp. Đồng Xoài đang triển khai thí điểm tuyến phố không dùng tiền mặt trên 2 tuyến đường: Hùng Vương thuộc phường Tân Bình và Lê Duẩn, phường Tân Phú, nhằm thúc đẩy, khuyến khích người tiêu dùng, cơ sở kinh doanh sử dụng các phương tiện thanh toán trực tuyến khi mua sắm, giao dịch.

Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt là một trong các giải pháp của Tp. Đồng Xoài hướng đến tiêu dùng văn minh, hiện đại. Qua đó, hình thành thế hệ công dân số đáp ứng yêu cầu của thành phố thông minh và trước yêu cầu của nền kinh tế số, xã hội số. 

Nhân viên Viettel Bình Phước hướng dẫn tiểu thương Chợ Đồng Xoài, Tp. Đồng Xoài cài đặt và sử dụng cài đặt ứng dụng Viettel Money để thuận tiện cho việc thanh toán không dùng tiền mặt
Nhân viên Viettel Bình Phước hướng dẫn tiểu thương Chợ Đồng Xoài, Tp. Đồng Xoài cài đặt và sử dụng cài đặt ứng dụng Viettel Money để thuận tiện cho việc thanh toán không dùng tiền mặt

Ông Nguyễn Đức Tiến ở phường Tân Xuân, Tp. Đồng Xoài chia sẻ: “Trước đây, mình nghĩ thanh toán không dùng tiền mặt chỉ áp dụng khi mua bán các mặt hàng có giá trị lớn, nhưng nay uống 1 ly cà phê cũng có thể thanh toán bằng cách quét mã hoặc chuyển khoản”.

Hạ tầng công nghệ đi trước

Theo UBND tỉnh Bình Phước, chuyển đổi số tại tỉnh không còn là cụm từ hô hào suông mà đã thành hiện thực. Xuất phát điểm gần như từ “Zero”, Bình Phước xác định mục tiêu “đi tắt đón đầu” bằng việc tiên phong xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, hướng tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số theo lộ trình linh hoạt, tiến tới chuyển đổi số toàn diện. 

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đáng kể nhất là Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 1/6/2022 về triển khai Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển Chính quyền số” từ ngày 1/6/2022 đến ngày 31/8/2022. 

Qua đó kết quả cải cách TTHC đã nâng lên rõ rệt. Cụ thể, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC từ ngày 1/6/2022 - 31/8/2022 đối với cấp tỉnh 98,05%; văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện 22,69%; bộ phận một cửa cấp huyện 63,80%. Toàn bộ các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã đã hoàn thành việc báo cáo trực tuyến trên Hệ thống báo cáo Chính phủ GRIS từ ngày 3/7/2022. Tỷ lệ hồ sơ quá hạn giảm đáng kể từ 3,9% xuống 0,5%. Theo thống kê của Cổng dịch vụ công quốc gia, tỉnh Bình Phước có 6.530 tài khoản mới đăng ký.

Ứng dụng công nghệ thông tin tạo ra nhiều kết nối tiện ích giữa người dân và chính quyền. Nhờ công nghệ hỗ trợ mà thời gian giải quyết TTHC được rút ngắn tối đa. Hiện nay trung tâm vẫn không ngừng đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng với nhu cầu giải quyết TTHC cho người dân".

Ông Bùi Gia KhánhPhó giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bình Phước

Theo UBND tỉnh Bình Phước, trong quá trình triển khai chuyển đổi số, hạ tầng số phải đi trước một bước và xem là yếu tố nền tảng “đi tắt đón đầu”, cần được ưu tiên đầu tư sớm. Do đó, tỉnh đã thực hiện thí điểm ở phạm vi hẹp trước khi nhân rộng đại trà. Các dự án đều được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng từng đối tượng, lĩnh vực cụ thể. Trong xây dựng nền tảng chuyển đổi số, tỉnh đã mở rộng các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo với các tập đoàn lớn về công nghệ thông tin (CNTT) như: VNPT, Viettel, FPT... để phát triển nguồn nhân lực CNTT và hỗ trợ Bình Phước hiện đại hóa hạ tầng viễn thông, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và cung cấp giải pháp số.

Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước cho biết, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được trang bị mạng nội bộ (LAN), kết nối Internet để triển khai các ứng dụng phục vụ công việc. Đến nay 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính phục vụ công tác chuyên môn. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đã được xây dựng và hoạt động ổn định. “Cùng với việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) liên thông 4 cấp trong quản lý văn bản. Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ cả phần cứng, phần mềm tại 100% UBND cấp huyện, cấp xã, góp phần hiện đại hóa, công khai, minh bạch hoạt động giải quyết TTHC”, ông Quang cho biết.

Theo ông Quang, kết quả về bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) vừa công bố, hạ tầng CNTT của tỉnh đang đứng top đầu cả nước. Để đáp ứng nhiệm vụ chuyển đổi số trong từng giai đoạn, tỉnh đang tiếp tục xây dựng và nâng cấp hạ tầng viễn mạng 5G, mạng cap quang, Internet, điện toán đám mây, hướng đến mỗi người dân đều có smartphone. Mặt khác, duy trì hệ thống mạng LAN, hoàn thiện các nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu ngang dọc 4 cấp.

Cùng với đó là tập trung nguồn lực từ các chương trình, dự án tiếp tục đầu tư hạ tầng IoT cho các cơ quan, địa phương, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Khi có hạ tầng đủ mạnh thì mọi thủ tục mới được thực hiện trên môi trường số. 

Hiện nay, tỉnh Bình Phước đã có 1.632 thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (chiếm 92,36%); 1.432 dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công Quốc gia, dẫn đầu cả nước. Tỷ lệ xử lý dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh đạt 99,93%, cấp huyện từ 49,94% tăng lên 99,90%, cấp xã từ 87% lên 98,79%. Mạng 4G phủ sóng 100% diện tích toàn tỉnh, giúp người dân khai thác dữ liệu nhanh chóng, tiện lợi.