Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bình Định: Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được đề nghị công nhận là Bảo vật quốc gia

T.Nhân - 08:15, 04/10/2023

UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xem xét trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh là Bảo vật quốc gia.

Hai tượng sư tử đá thành Đồ bàn hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định
Hai tượng sư tử đá thành Đồ bàn hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định

Hai tượng sư tử đá này được phát hiện vào năm 1992, tại thôn Bả Canh, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, ở gần tháp Cánh Tiên trong khu vực thành Đồ Bàn. Hai tượng sư tử đá (cao 1,05 m, dài 1,2 m, lưng rộng nhất 0,6 m) là những tác phẩm điêu khắc Chămpa, có niên đại cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII. 

Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn thể hiện là giống đực, có dạng tượng tròn, chất liệu đá sa thạch, được tạc các chi tiết trang trí và tư thế giống nhau, hai chân trước chống lên, đầu ngẩng cao, mông hơi đẩy từ phía sau, ngực ưỡn thẳng về phía trước, phần bụng sau nằm xuống đất. Vì hai chân trước tạc ngắn và mất cân đối, nên nhìn hai bên như hai con sư tử đang nằm - đây cũng là nét đặc trưng riêng khác hẳn những tượng sư tử Chămpa từng được biết tới từ trước đến nay.

Ngoài phát hiện hai tượng sư tử đá, người dân địa phương còn phát hiện một hố chôn tượng Gajashimha (con vật đầu voi mình sư tử). Sau đó, những tượng đá này được đưa về Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao thị xã An Nhơn quản lý. Đến năm 1999, những hiện vật điêu khắc đá Chămpa này được đưa về Bảo tàng tỉnh quản lý, trưng bày.

Được biết, Thành Đồ Bàn là tên gọi theo bia ký của người Chămpa để chỉ kinh thành Vijaya, tồn tại trong suốt 5 thế kỷ (1000 - 1471). Với chức năng là kinh đô của người Chămpa. Nơi đây đã trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, tôn giáo của vương triều Vijaya.

Hiện nay, tỉnh Bình Định có 11 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Toàn bộ những bảo vật này đều là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Chămpa, cho thấy vùng đất Bình Định đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử phát triển của vương triều Chămpa một thời vàng son.