Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chiêm bái bảo vật quốc gia độc bản “Bia cổ hoài lai” 600 tuổi ở Lai Châu

Thùy Anh - 20:24, 02/03/2023

Trong đền thờ Vua Lê Thái Tổ, tọa lạc ngay bên bờ sông Đà hùng vĩ, thuộc địa phận hai xã Lê Lợi và Pú Đao, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, hiện đang lưu giữ báu vật “Bia cổ hoài lai” của Vua Lê Lợi trong cuộc chiến dẹp loạn vùng Tây Bắc cách đây gần 600 năm. Bia cổ sừng sững đánh dấu mốc son lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam hàng trăm năm chưa hề mai một.

Du khách cùng Nhân dân đến kính lễ đầu năm trước bia đá cổ được thờ trong đền thờ Vua Lê Thái Tổ, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu
Du khách cùng Nhân dân đến kính lễ đầu năm trước bia đá cổ trong Đền thờ vua Lê Thái Tổ, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu

Cách trung tâm Tp. Lai Châu khoảng 110 km về phía Tây Nam, Đền thờ vua Lê Lợi hay còn gọi là vua Lê Thái Tổ trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, Lai Châu. Đây là công trình văn hóa mang ý nghĩa lịch sử và tâm linh lớn của tỉnh Lai Châu; là nơi để mỗi người con vùng biên ải Lai Châu hành hương trở về chiêm bái và tưởng nhớ đến công lao của Vua Lê cùng nghĩa quân Lam Sơn, đã có công trong cuộc chiến gian khổ đánh đuổi giặc Minh bảo vệ bờ cõi (năm 1418 - 1428).

Ông Lò Văn Bởi, Phó thủ nhang Đền thờ Vua Lê Thái Tổ chia sẻ: Thông tin chép lại trong lịch sử mà đền thờ còn lưu giữ, tháng Chạp năm Tân Hợi (năm 1431), sau cuộc chiến dẹp loạn vùng Tây Bắc và trên đường trở về qua mảnh đất này, Vua Lê Thái Tổ đã tạc khắc vào vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ sông Đà một văn bia, ngày nay gọi là “Bia cổ hoài lai”.

Nội dung văn bia có câu (dịch thơ) “…Tiếng gió thổi hạc kêu làm cho quân giặc run sợ/ Sông núi từ nay nhập vào bản đồ/ Đề thơ khắc vào núi đá/ Trấn giữ phía Tây nước Việt ta/ Ngày lành tháng Chạp năm Tân Hợi (1431).”

Nơi Vua Lê Thái Tổ đã tạc khắc vào vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ sông Đà năm 1431 nay huyện Nậm Nhùn đặt một miếu thờ nhỏ để tưởng nhớ
Nơi Vua Lê Thái Tổ đã tạc khắc vào vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ sông Đà năm 1431, nay huyện Nậm Nhùn đặt một miếu thờ nhỏ để tưởng nhớ

Ngược dòng sử sách còn ghi, “Năm 1431, tù trưởng Đèo Cát Hãn làm phản, liên kết với Kha Đốn (còn gọi là Kha Lại), quấy nhiễu Nhân dân nơi biên ải, đánh chiếm vùng đất Mường Muỗi (nay thuộc khu vực huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Sau hơn 10 năm, vua Lê Thái Tổ đã thân chinh đem quân lên châu Phục Lễ bình định vùng Tây Bắc. Đến tháng Chạp năm Tân Hợi 1431, trên đường trở về qua địa phận xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu (hiện nay), để răn dạy các tù trưởng cai quản nơi biên cương của Tổ quốc, Vua Lê Thái Tổ đã cho khắc vào vách đá bài văn ghi nhớ sự kiện này. 

Văn bia được khắc trên vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ Bắc sông Đà để lưu lại cho muôn đời sau (sử cũ gọi là Bia Cổ hoài lai). Toàn văn bia được tạc khắc bằng chữ Hán, trong khuôn khổ hình chữ nhật có kích thước 1,4 x 0,8 m, viết theo chữ khải chân gồm 132 chữ”.

Bia Vua Lê Thái Tổ được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công bố Quyết định công nhận là Di tích cấp quốc gia từ ngày 2/9/1981; đến cuối năm 2016, văn bia được công nhận là Bảo vật quốc gia
Bia Vua Lê Thái Tổ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Quyết định công nhận là Di tích cấp quốc gia từ ngày 2/9/1981; đến cuối năm 2016, văn bia được công nhận là Bảo vật quốc gia

Được biết, bia vua Lê Thái Tổ là hiện vật gốc độc bản, hoàn toàn không trùng lặp với các văn bia đã được phát hiện. Ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: Trước đây, di tích bia Vua Lê Thái Tổ được khắc trên vách sườn núi thấp, nằm trên một khoảng đất bằng hẹp, hướng mặt bia nhìn xuống dòng sông Đà trên tỉnh lộ 127 cách đền thờ hiện nay khoảng 500 m. 

Năm 2012, để thực hiện việc xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La theo nhu cầu phát triển chung của đất nước, huyện đã kết hợp các ban ngành, đơn vị có liên quan làm lễ và thực hiện khoan cắt văn bia ra khỏi vách đá núi. 

Nhằm bảo tồn nguyên vẹn di sản bút tích của vua Lê Thái Tổ, văn bia được khoan cắt ra có kích thước dài 2,62 m, rộng 1,13 m, cao 1,85 m, trọng lượng trên 15 tấn, được di chuyển và toạ lạc ở vị trí như hiện nay, từ thời điểm đó địa phương cũng đã xây dựng đền thờ và hình thành nên quần thể lưu niệm Vua Lê Thái Tổ thuộc địa bàn hai xã Lê Lợi và Pú Đao.

Đền thờ Vua Lê Thái Tổ ngày nay tọa lạc trên một ngọn đồi cao, soi mình bên bờ sông Đà theo thế “sơn trầu, thuỷ tụ”
Đền thờ Vua Lê Thái Tổ ngày nay tọa lạc trên một ngọn đồi cao, soi mình bên bờ sông Đà

Đền thờ Vua Lê Thái Tổ ngày nay, tọa lạc trên một ngọn đồi cao, soi mình bên bờ sông Đà hùng vĩ theo thế “sơn trầu, thủy tụ”, lưng tựa và núi, mặt hướng ra sông. Con đường bậc thang lên điện thờ rộng rãi, được cây xanh che phủ tạo bóng mát, du khách đến chiêm bái có thể thong thả tản bộ và đón làn gió lành từ sông Đà thổi lên. Sau khi tham quan, chiêm bái, du khách có thể đứng trên sân đền và phóng tầm mắt xuống phía dưới sẽ thấy những dãy núi cao chạy dọc hai bờ sông Đà tựa như một bức tranh sơn thuỷ hữu tình.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của vua Lê Thái Tổ, “Bia cổ hoài lai” đã được làm thêm thành 3 phiên bản: Một bản được tỉnh Lai Châu đặt tại Đền thờ Lê Lợi (Tp. Lai Châu, tỉnh Lai Châu); một bản tặng di tích Tượng đài Lê Thái Tổ tại Hà Nội và một bản tặng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Văn bia vừa mang giá trị to lớn về lịch sử, nhưng cũng là một kiệt tác văn hóa của vị anh hùng tài hoa dân tộc. Đền thờ Vua Lê Lợi còn là một trong những điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con nơi đây. Những ngày đầu năm, rất nhiều du khách từ mọi miền đất nước đến tham quan, tìm hiểu về bảo vật quốc gia và chiêm bái công ơn vị anh hùng dân tộc.

Lễ rước kiệu từ địa điểm hòn đá Pú Huổi Chỏ lịch sử về đền thờ Vua Lê Lợi trong ngày Hội đền đầu xuân
Trong ngày Hội đền đầu xuân hằng năm, địa phương đều tổ chức Lễ rước kiệu từ địa điểm hòn đá Pú Huổi Chỏ lịch sử về đền thờ Vua Lê Lợi

Ông Lê Tùng Dương, du khách Hà Nội chia sẻ: “Qua bạn bè tôi được biết ngôi đền này linh thiêng và địa thế đẹp, nên ngày Tết được nghỉ tôi cùng gia đình lên đây lễ để tưởng nhớ công ơn vua Lê Thái Tổ đã giữ vững bờ cõi biên cương cho nước Việt ta và cầu nguyện cho đại gia đình tôi người già được sức khỏe, trẻ được bình an, đồng thời xin cho quốc thái dân an, đất nước Việt Nam ngày càng lớn mạnh hơn”.

Đã gần 600 năm kể từ ngày bút tích của vua Lê để lại trên đá núi, nơi linh thiêng này vẫn mang hồn cốt của một trang lịch sử hào hùng, để muôn dân Việt Nam luôn nhớ đến trong những ngày Tết đến Xuân về, mà còn là nơi để nhiều gia đình và trường học đưa con em mình đến để tìm hiểu về vị vua tài ba trong dòng lịch sử Việt Nam.