Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng

Công Minh - KHổng Thanh Tuấn - 07:03, 21/12/2023

Cao Bằng là địa bàn sinh sống của hơn 95% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tạo nên sự phong phú về tiếng nói, chữ viết của các dân tộc. Tuy nhiên, xu hướng hội nhập văn hóa đã làm suy giảm ngôn ngữ mẹ đẻ của nhiều DTTS. Nhận diện sớm vấn đề, vì vậy trong thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng DTTS.

(BCĐ - TT vận động ND) Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng
Đồng bào Dao ở xóm Bản Chang, xã Thành Công (Nguyên Bình) vẫn còn lưu giữ được những cuốn sách cổ do ông cha để lại.

Theo số liệu kiểm, toàn tỉnh Cao Bằng có 6 di sản về tiếng nói của các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ. Hiện nay, hầu hết đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đều bảo tồn tốt tiếng nói của dân tộc mình và thường xuyên sử dụng làm ngôn ngữ giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày. 100% gia đình dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ cư trú tại các thôn bản nói tiếng mẹ đẻ. Chỉ có một số gia đình sống ở khu vực thị trấn, nhất là lớp trẻ sử dụng tiếng Kinh khi giao tiếp. Ngoài tiếng mẹ đẻ, các dân tộc: Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ còn dùng tiếng Tày làm ngôn ngữ chung để trao đổi với nhau.

Về chữ viết có 2 di sản đó là chữ Nôm Tày và chữ Nôm Dao. Hiện nay, dân tộc Tày không còn duy trì chữ viết riêng, chỉ còn một phần nhỏ trong hệ thống sách cúng, sách Then, sách của thầy cúng và một số người hành nghề thầy cúng vẫn lưu giữ một số sách chữ Hán và sử dụng chữ Hán. Trong kho Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ 39 đầu sách chữ Hán và Nôm Tày sử dụng trong nghi lễ của thầy tào dân tộc Tày.

Người Dao dùng chữ Hán nhưng phát âm theo tiếng Dao. Các thầy cúng đều sử dụng sách chữ Hán để làm phương tiện hành nghề trong các nghi lễ (Tang ma, thượng thọ, xem ngày, giờ, lễ cấp sắc của dân tộc Dao, Sán Chỉ...). Chữ viết của người Dao là một hệ thống ký tự chữ Hán được phiên âm ra tiếng Dao (hay nói cách khác người Dao mượn chữ Hán để ghi chép tiếng nói của mình). Hệ thống chữ viết này được các bậc trí thức người Dao trước đây sử dụng trong mọi văn tự, từ phản ánh mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần, sách lịch sử, các bài hát, bài cúng đến ghi chép ngày, tháng, thơ văn... Hiện nay, ở hầu hết các gia đình dân tộc Dao có người cao tuổi (từ 70 tuổi trở lên) còn giữ được nhiều cuốn sách cổ do ông cha để lại. Trong kho Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ 22 đầu sách sưu tầm được trong cộng đồng người Dao.

Với kho di sản tiếng nói, chữ viết đa dạng, phong phú đã tạo nên những nét văn hóa độc đáo của vùng non nước Cao Bằng. Tuy nhiên, dưới sự tác động của đời sống kinh tế, xã hội, quá trình đô thị hóa, hội nhập quốc tế, cùng sự bùng nổ của khoa học, công nghệ, sự giao lưu văn hóa diễn ra một cách mạnh mẽ khiến văn hóa truyền thống các DTTS đang đứng trước những thách thức to lớn. 

Các giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc đang có nguy cơ mai một, biến mất, hoặc biến dạng, trong đó có tiếng nói, chữ viết. Chẳng hạn như dân tộc Tày có chữ Nôm Tày. Hiện nay, số người biết về chữ Nôm Tày hầu như không còn. Trong các nghi lễ như: Tang ma, giải hạn, thượng thọ, xem ngày giờ..., đa số các thầy tào dân tộc Tày vẫn sử dụng chữ Hán. Các thầy tào biết viết chữ Hán, tuy nhiên chỉ học theo lối chép lại văn bản chứ không được truyền dạy bài bản. Một số sách chữ Nôm Tày, chữ Hán hiện vẫn đang được lưu giữ trong các gia đình làm nghề thầy tào.

Ông Bàn Hữu Sen, xóm Bản Chang, xã Thành Công (Nguyên Bình) cho biết: Những người nắm giữ tri thức chữ viết của người Dao chủ yếu là những người thực hành nghi lễ tín ngưỡng trong cộng đồng người Dao như: Thầy mo, thầy tào. Các sách viết tay ghi chép về các nghi thức cúng tế hiện nay còn được các thầy lưu giữ, ngoài thầy mo và thầy tào trong cộng đồng người Dao rất hiếm người biết đọc các cuốn sách cổ của người Dao, nhiều thầy chỉ biết đọc chữ nhưng không dịch được nội dung... Do đó chữ viết của người Dao hiện nay đang trong tình trạng có nguy cơ bị mai một cao. 

(BCĐ - TT vận động ND) Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng 1
Thầy tào đang thực hiện nghi lễ cấp sắc ở Cao Bằng

Nhằm bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các DTTS, Sở VHTT&DL tỉnh Cao Bằng đã ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS trong năm 2022, 2023. Từ năm 2011 - 2020, Sở triển khai và hoàn thành công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh, thông qua kết quả kiểm kê tiến hành lựa chọn, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. 

Đến nay, toàn tỉnh có 6 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đặc biệt, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” (trong đó có nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Toàn tỉnh có 23 nghệ nhân ưu tú, 1 nghệ nhân nhân dân đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh thường xuyên được quan tâm, như: Tổ chức Liên hoan hát Then - đàn tính; Hội thi Hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc... nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.

(BCĐ - TT vận động ND) Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng 1
Bà Hà Thị Dảy (người thứ hai từ phải sang), xóm Nà Pá, xã Đức Xuân (Thạch An) thường tự sáng tác các bài hát bằng tiếng dân tộc mình để truyền dạy cho các thành viên trong đội văn nghệ.

Nghệ nhân Ưu tú Hà Thị Dảy, xóm Nà Pá, xã Đức Xuân (Thạch An) chia sẻ: Là người yêu văn hóa, văn nghệ, bản thân tôi thường tự sáng tác những bài hát dân ca bằng tiếng dân tộc mình để dạy cho các thành viên trong đội văn nghệ và các cháu nhỏ đam mê ca hát. Với cách làm này tôi nghĩ sẽ giúp thế hệ trẻ không những yêu mến các làn điệu dân ca của dân tộc mình mà còn góp phần bảo tồn, gìn giữ những tiếng nói, văn hóa của dân tộc mình.

Tiếng nói, chữ viết là linh hồn của mỗi dân tộc, việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của một dân tộc chính là bảo vệ, gìn giữ linh hồn của dân tộc ấy. Vì vậy, ngành VHTT&DL và các địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức trong cộng đồng và đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy, phát triển tiếng nói, chữ viết của các DTTS trong tỉnh; sưu tầm, biên dịch các sách cổ của đồng bào các DTTS. Tổ chức các cuộc thi, hội thi, sáng tác thơ, truyện ngắn bằng tiếng dân tộc. Thành lập các câu lạc bộ sử dụng tiếng dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân mở các lớp truyền dạy tiếng dân tộc trong cộng đồng. Xem xét đưa tiếng nói và chữ viết DTTS vào dạy và học trong hệ thống giáo dục phổ thông... Qua đó làm phong phú thêm vốn tiếng mẹ đẻ, góp phần vào việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.  

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.