Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tồn giá trị di sản kinh viết trên lá buông của dân tộc Khmer

Tào Đạt - 17:04, 11/11/2024

Kinh viết trên lá buông có từ rất lâu đời và nổi tiếng không chỉ ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang mà cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Di sản này được người Khmer ở An Giang gìn giữ và phát huy. Hiện nay, người duy nhất ở tỉnh An Giang nắm giữ trọn vẹn kỹ thuật viết chữ trên lá buông là Hòa thượng Chau Ty (82 tuổi, trụ trì chùa Soài So, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn). Hòa thượng, Người có uy tín Chau Ty là truyền nhân đời thứ 9 của sãi cả chùa Xvay Ton.

Hòa thượng Chau Ty (bên trái) là người nắm giữ trọn vẹn kỹ thuật viết chữ trên lá buông. Ảnh: Quảng Đạo
Hòa thượng Chau Ty (bên trái) là người nắm giữ trọn vẹn kỹ thuật viết chữ trên lá buông. Ảnh: Quảng Đạo

Sự kỳ công tạo nên nét văn hóa đặc trưng

Theo lời kể của Hòa thượng Chau Ty, năm 24 tuổi, Hòa thượng được cụ Chau Riêng đến chùa Soài So dạy cho cách viết kinh trên lá buông để giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc. Nhờ cần cù, chăm chỉ, một thời gian ngắn, Hòa thượng đã nắm vững kỹ thuật viết kinh trên lá buông rất đặc biệt này.

Hòa thượng Chau Ty cho biết, ngày xưa Tri Tôn là huyện có dân cư thưa thớt nhất tỉnh An Giang, đa phần là người Khmer sinh sống. Cũng vì vậy mà giấy viết hiếm, các bậc tiền bối đã nghĩ ra cách viết chữ trên loại lá này thay thế giấy viết, nhưng phải rất kỳ công từ khâu tái chế nguyên liệu cho đến hoàn thành một bộ kinh.

Cụ thể, việc chọn lá buông cũng phải thật tỉ mỉ. Nếu lá già thì rắn chắc, không bị mọt ăn, nhưng khó viết chữ; còn lá non, mềm, dễ viết thì dễ bị mọt ăn. Lá chuẩn phải viết được 5 hàng chữ, độ rộng khoảng 5cm, dài 60cm. Lá sau khi thu hoạch đem phơi nắng cho săn, rồi phơi sương để dẻo. Cứ thế, lặp đi lặp lại từ 5 - 7 lần mới viết chữ được.

Bên cạnh việc tìm các giải pháp công nghệ hiện đại để lưu giữ kinh lá buông, cũng cần quảng bá sâu rộng giá trị của di sản văn hóa này để tạo sức hút đối với khách du lịch đến với chùa Khmer nhiều hơn, góp phần bảo tồn kinh lá tốt hơn”.

Tiến sĩ Hồ Văn Tường, Trường Đại học Bình Dương

“Để chép kinh trên lá buông phải dùng một loại bút chuyên dụng. Loại bút này người Khmer gọi là đéc-cha, được làm bằng gỗ, vừa tay cầm, một đầu có gắn mũi kim nhọn để khắc chữ xuống thân lá. Khi đó, tay phải cầm bút, còn tay trái giữ lá, nhưng đầu bút phải tựa lên ngón cái của bàn tay kia. Khi viết, ngón tay cái sẽ điều khiển đầu bút. Cái khó nhất là sự kết hợp thật nhịp nhàng, đều đặn giữa hai tay và nét viết phải có cùng một độ sâu. Nói là viết chứ thực ra chẳng khác gì điêu khắc, khắc họa những con chữ lên tấm lá”, Hòa thượng Chau Ty cho biết.

Thông thường, một bộ kinh có số lượng từ 4 - 10 cuốn, mỗi cuốn có từ 20 - 60 lá buông, mỗi lá chỉ viết được 5 dòng, với hơn 150 chữ và phải mất 1 tháng mới hoàn thành 1 bộ kinh, không kể thời gian tái chế nguyên liệu.

Theo Hòa thượng Chau Ty, việc viết kinh Phật trên lá buông không đơn thuần là sao chép lại văn bản đã có, mà người viết phải hiểu và đọc được loại chữ Pali và chữ Khmer cổ, với nhiều nét viết rất khó. Loại chữ này cần phải thật kiên trì mới học và thông thạo hết từng nét, rất khác với loại chữ viết mà người Khmer của vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang sử dụng. Độ khó của ngôn ngữ cổ cùng với yếu tố khách quan là thiếu lá buông nên khiến việc viết kinh trên loại lá này ngày càng mai một.

Trước đây, Hòa thượng Chau Ty từng đứng lớp dạy viết kinh trên lá buông cho hơn 10 vị sư sãi, đồng bào Khmer. Thế nhưng, số học trò thành thạo kỹ thuật viết chữ lên lá buông rất ít.

Những nét chữ tinh xảo, thẳng đều trên lá buông
Những nét chữ tinh xảo, thẳng đều trên lá buông

Gìn giữ “báu vật” trong các chùa Khmer

Theo nhiều tài liệu, trong điều kiện in ấn xưa kia còn khó khăn, vị sãi cả chùa Xvay Ton, ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn đã khởi xướng chép lại kinh Phật để phục vụ thuyết giảng và lưu truyền cho đời sau. Trải qua thời gian, kinh lá buông được người Khmer xem là "báu vật" linh thiêng, gìn giữ trong các chùa Khmer, trong nhà của các vị achar.

Ðây không chỉ là bộ kinh đặc trưng của Phật giáo Nam tông Khmer, mà còn chứa đựng triết lý sống của người Khmer. Trong cuộc đời mình, người Khmer đến chùa từ rất sớm, không chỉ để học kinh, học chữ mà trên hết là học cách làm người.

Thống kê của Sở Nội vụ An Giang cho thấy, tỉnh còn khoảng 170 bộ kinh lá buông với trên 900 quyển, có tuổi đời khoảng 120 năm, nằm rải rác tại một số ngôi chùa Khmer lớn thuộc 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Trong đó, chùa Xvay Ton còn lưu giữ nhiều nhất với hơn 100 bộ kinh lá buông nguyên vẹn. Năm 2006, chùa Xvay Ton đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Ngôi chùa lưu giữ nhiều bộ kinh lá buông nhất Việt Nam”.

Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa “Tri thức và kỹ thuật viết chữ kinh trên lá buông của người Khmer ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên” vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Hòa thượng Chau Ty cũng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015 và danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân năm 2019.

Nhằm có giải pháp kịp thời bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, vào tháng 11/2021, UBND tỉnh An Giang đã quyết định phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer tỉnh An Giang đến năm 2030”.

Trên cơ sở bảo tồn và phát huy, tỉnh An Giang tiến tới việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận tư liệu tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer ở tỉnh An Giang là di sản thuộc về ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự kiến giai đoạn này sẽ được triển khai từ năm 2028 đến năm 2033.

Tin cùng chuyên mục
Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, những năm qua, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống được quan tâm hỗ trợ; hệ thống thiết chế văn hóa tại các thôn, xã được đầu tư, xây dựng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống Nhân dân.