Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tồn nghệ thuật chế tác kinh lá buông của người Khmer ở An Giang

Quốc Phong - Hoa Phúc - 15:53, 16/02/2022

Hơn 1.000 năm trước, những pho Kinh lá buông, di sản thành văn đầu tiên của Phật giáo Nam Tông theo dòng truyền lưu từ Ấn Độ, Sri Lanka, đã làm nên cuộc thiên di lịch sử trên khắp miền Đông Nam Á. Thừa hưởng kỹ thuật biên Kinh trên lá, cộng đồng người Khmer vùng biên giới của tỉnh An Giang đã gìn giữ, lưu truyền và phát huy nghệ thuật độc đáo này qua nhiều thế hệ. Đối với đồng bào Khmer, đó không chỉ là kỹ thuật chế tác thuần túy, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh.

Sư Chau Sóc Khon (trái) Trụ trì chùa Xvayton và cư sĩ Chau Chum (phải). Ảnh: Quốc Phong
Sư Chau Sóc Khon (trái) Trụ trì chùa Xvayton và cư sĩ Chau Chum (phải). Ảnh: Quốc Phong

Nghệ thuật chế tác độc đáo của người Khmer An Giang

Cây lá buông (cọ talipot) hay còn gọi là bối đa thụ (cây lá bối) có tên khoa học là Corypha Umbraculifera, mọc chủ yếu ở Sri Lanka và Ấn Độ. Tuổi thọ trung bình của cây lên đến 75 năm. Cây đơm hoa kết trái một lần duy nhất vào cuối vòng đời. Cây lá buông phát triển nhanh ở vùng khí hậu nóng ẩm miền Duyên hải Nam và Đông Nam châu Á. Đặc tính của lá buông là mịn, mềm và dễ viết. Khi lá khô trở nên nhạt màu, dai bền đặc biệt. Kinh chép trên lá buông ít bị giòn vỡ hay mục rã theo thời gian.

Thừa hưởng kỹ thuật biên kinh trên lá của các dân tộc Nam Á, cộng đồng người Khmer vùng biên giới của tỉnh An Giang đã không ngừng gìn giữ, lưu truyền và phát huy nghệ thuật độc đáo này qua nhiều thế hệ. Trong đó, có nhiều công đoạn, thao tác đã được cải biên và sáng tạo. Điều đó đã làm nên sự độc đáo trong kỹ thuật chế tác kinh lá buông của đồng bào Khmer ở An Giang.

Cây lá Buông được trồng rải rác tại xã Núi Tô, huyện Tri Tôn.   Ảnh: Quốc Phong
Cây lá buông được trồng rải rác tại xã Núi Tô, huyện Tri Tôn. Ảnh: Quốc Phong

Theo Hòa Thượng Chau Ty, trụ trì chùa Soài So (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn), người Khmer có kỹ thuật xử lý nguyên liệu độc đáo riêng. Những đọt non được dùng vải quấn quanh nhằm ngăn lá nở. Đợi đến khi lá chớm già mới chặt khỏi cây, sau đó được xử lý công phu. Người ta ép từng chiếc lá bằng những thanh gỗ phẳng. Phần gân lá sẽ được rút đi khi lá héo. Khổ “giấy” chuẩn là theo chiều ngang của lá, dài từ 15 đến 60cm, bề dọc từ 3 đến 12cm. Trong quá trình khắc kinh, người ta dùng loại bút chuyên dụng là một thanh sắc nhọn đầu để khắc kinh. Nét bút tạo thành những rãnh sâu để hạt mực lắp đầy. Lớp mực loan mặt lá sẽ được lau đi sau một thời gian, chỉ lưu lại nét văn kinh như dệt thêu trên lá mịn.

Do “giấy” viết kinh làm từ lá tự nhiên nên sẽ giòn mục theo thời gian và dễ bị côn trùng cắn phá. Nhằm bảo quản, sau khi bản kinh văn được hoàn thành, từng trang lá sẽ được bảo quản một cách đặc biệt. Theo nhà sư Chau Sóc Khon, Trụ trì chùa Xvayton (nơi còn lưu giữ nhiều kinh lá buông nhất tỉnh An Giang), để tránh côn trùng phá kinh, sau khi bản kinh được hoàn thành, người ta thường phủ lên bằng dầu lửa (dầu hỏa) rồi đóng cuốn và cất giữ. Riêng những trang kinh hư mục sẽ được viết lại và thay thế bằng bản mới.

Sư Chau Sóc Khon, Trụ trì chùa Xvayton đang niêm cất cẩn thận những pho kinh Phật chép trên lá Buông.                                            Ảnh: Quốc Phong
Sư Chau Sóc Khon, Trụ trì chùa Xvayton đang niêm cất cẩn thận những pho kinh Phật chép trên lá buông. Ảnh: Quốc Phong

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản chữ viết trên lá buông

Theo kết quả khảo sát tài liệu quý hiếm của sở Nội vụ An Giang tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (tháng 10/2013), An Giang là một trong những địa phương lưu trữ kinh lá buông nhiều nhất. Trong đó, số lượng kinh lá buông được lưu trữ trong các chùa, là khoảng 108 bộ, với hơn 730 quyển kinh. Kinh được cất giữ rải rác tại các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer, chủ yếu tại ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên như Praynven, Xvayton, Soài So... Vào năm 2006, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục công nhận Xvayton là “ngôi chùa lưu giữ nhiều bộ Kinh lá nhất Việt Nam”.

Nhằm có giải pháp kịp thời bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, vào tháng 11/2021, UBND tỉnh An Giang đã quyết định phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer tỉnh An Giang đến năm 2030”. Có thể xem đây là lộ trình rất cần thiết và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

Những nét chữ tinh xảo, thẳng đều trên “giấy” cổ. Ảnh: Quốc Phong
Những nét chữ tinh xảo, thẳng đều trên “giấy” cổ. Ảnh: Quốc Phong

Theo đó, UBND tỉnh An Giang sẽ tập trung đánh giá, tập hợp, xác minh, phân loại và chỉnh lý phục hồi di sản; nghiên cứu và xác định chữ viết trên lá buông là tiếng Pali cổ; hướng dẫn phương pháp bảo quản, gìn giữ các bản chữ viết trên lá buông. 

Giai đoạn này sẽ bắt đầu từ năm 2022 đến năm 2026. Trong đó, tỉnh sẽ tiến hành thực hiện tư liệu hóa và số hóa các bản chữ viết trên lá buông của người Khmer An Giang. Đồng thời, dịch thuật, xây dựng mới một số bản kinh nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức cộng đồng về bảo tồn di sản.

Từ nền tảng của giai đoạn thứ nhất, tỉnh An Giang sẽ tiến tới việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận tư liệu tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer ở tỉnh An Giang, là di sản thuộc về ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Dự kiến giai đoạn này sẽ được triển khai từ năm 2028 đến năm 2033.