Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc ở huyện Chi Lăng (Lạng Sơn): Những tín hiệu tích cực trong triển khai Dự án 6, Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Văn Hoa - 15:05, 17/08/2023

Thông qua nhiều nguồn lực đầu tư, đặc biệt nguồn lực từ thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn liền với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) đã và đang làm "sống lại" nhiều nét đẹp các văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Chi Lăng...

Đồng chí Đinh Thị Thao, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chi Lăng chủ trì cuộc họp triển khai Chương trình Liên hoan dân ca, dân vũ và trình diễn trang phục dân tộc huyện Chi Lăng năm 2023 tại cụm 1, gồm 07 xã tham gia. Chương trình được cụ thể hóa từ Dự án 10, thuộc Chương trình MTQG 1719.
Bà Đinh Thị Thao, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chi Lăng chủ trì cuộc họp triển khai Chương trình Liên hoan dân ca, dân vũ và trình diễn trang phục dân tộc huyện Chi Lăng năm 2023 tại cụm 1, gồm 07 xã tham gia

Khơi dậy yêu văn hóa dân tộc

Có dịp cùng anh Vi Trung Kiên, chuyên viên Phòng văn hóa - Thông tin huyện Chi Lăng về xã Bằng Hữu, trên đường đi, anh Kiên kể, các nghệ nhân ở đây tâm huyết và nhiệt tình lắm, chỉ cần hay tin có đoàn công tác đến thăm xã muốn xem biểu diễn là các nghệ nhân sẵn sàng tập trung ngay.

Đúng như lời anh Kiên nói, chúng tôi đến trụ sở xã lúc hơn 14h chiều, đã thấy có gần 30 người tập trung ở Hội trường, có nhiều người còn mặc sẵn bộ trang phục Tày, Nùng truyền thống, trong đó có hơn 10 em nhỏ là học sinh cấp II. 

Đang say sưa gảy đàn tính, thấy chúng tôi đến, em Hoàng Thị Quỳnh ngập ngừng nói, hiện tại em chưa hát và đàn được nhiều, nhưng em đang cố gắng học để có thể biết đàn, biết hát giống như các ông, bà và các bác.

Nhiều Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng các thôn ở xã Bằng Hữu được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả
Nhiều Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng các thôn ở xã Bằng Hữu được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả

Quỳnh còn kể thêm, trong đợt nghỉ hè, thời gian tương đối rảnh, khi thấy các bạn đi học hát, học đàn tính nên em cũng muốn đi học. Khi em nói dự định của mình, ông bà em đều đồng tình ủng hộ và khuyên em chịu khó học để gìn giữ bản sắc văn hóa.

Qua trao đổi với các nghệ nhân lớn tuổi, thì trên địa bàn xã điệu hát Then gần như đã bị lãng quên, trong xã chẳng ai biết hát nữa. Thế nhưng khoảng 5 -7 năm nay, khi có điện thoại thông minh, người dân mới tìm lại điệu hát Then cũ, họ cứ nghe và xem video mà học, dần dần họ bắt đầu biết hát, người biết hát nhiều dạy người biết ít và dần dần trở thành phong trào hát Then.

Theo các nghệ nhân, mặc dù nhiều người cố gắng để gìn giữ điệu hát Then của dân tộc, song vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, chưa có các câu lạc bộ (CLB) để quy tụ những người đam mê hát Then, do vậy các hoạt động hát còn tự phát và từng nhóm nhỏ… 

"Rất may là mới đây, chính quyền địa phương đã mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ và thành lập Câu lạc bộ CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng các thôn thuộc xã Bằng Hữu. Hơn nữa, CLB còn được trang bị trang phục truyền thống và đàn tính", một nghệ nhân chia sẻ.

Có rất nhiều em nhỏ tham gia vào Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng các thôn thuộc xã Bằng Hữu
Có rất nhiều em nhỏ tham gia vào Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng các thôn thuộc xã Bằng Hữu

Chỉ cần nghe vài bài hát thôi, chúng tôi có thể cảm nhận được tình yêu Then của bà con ở xã Bằng Hữu lớn đến mức nào. Bà con nói với chúng tôi những câu chuyện về Then một cách hào hứng, say mê; Bà con còn trao đổi với nhau làm sao để các buổi sinh hoạt CLB thêm hiệu quả, trao đổi về các bài hát, cách đánh đàn…cứ vậy cho đến khi xế chiều.

Ông Hoàng Văn Trung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bằng Hữu cho biết: xã Bằng Hữu có gần 100% đồng bào DTTS, trong đó chủ yếu là người Nùng và người Tày. Việc mở lớp dạy dân ca, dân vũ; thành lập CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng các thôn ở xã Bằng Hữu, có ý nghĩa rất lớn đối với bà con ở đây. Qua các buổi sinh hoạt đã  tạo sân chơi bổ tích cho những người yêu Then; làm sống lại tình yêu đối với Then. Hiện nay, CLB đang duy trì hoạt động rất hiệu quả, thường xuyên có các buổi biểu diễn văn nghệ tại địa phương, tạo nên một phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi.

Đồng chí Hoàng Văn Trung (áo trắng), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bằng Hữu trò chuyện với các nghệ nhân
Ông Hoàng Văn Trung (áo trắng), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bằng Hữu trò chuyện với các nghệ nhân

Tiếp thêm động lực cho công tác bảo tồn văn hóa

Theo bà Đinh Thị Thao, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chi Lăng, trong 3 năm  từ 2020đến 2023, huyện Chi Lăng đã phối hợp với các Sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, từ đó, nâng cao mức thụ hưởng văn hóa cho đồng bào DTTS.

Như UBND huyện Chi Lăng phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tổ chức truyền dạy 01 lớp hát Lượn tại xã Bằng Mạc (gồm 25 học viên tham gia); 01 lớp hát Sli tại xã Chiến Thắng (có 30 học viên tham gia). Đây chính là các hạt nhân để nhân rộng mô hình hát Sli, hát Lượn trên địa bàn huyện Chi Lăng.

Thời gian gần đây, thực hiện Dự án số 6, Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn liền với phát triển du lịch, thuộc Chương trình MTQG 1719, huyện Chi Lăng đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với xã Vân Thủy và xã Chiến Thắng tổ chức thành công 02 lớp truyền dạy dân ca (hát Sli), với tổng số học viên là 105 người (chủ yếu là các em học sinh độ tuổi từ 10-15 tuổi). Trong đó, xã Vân Thủy có 45 học viên; xã Chiến Thắng có 60 học viên.

Đặc biệt, năm 2023 huyện Chi Lăng phối hợp với Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn, tổ chức thành công 01 lớp truyền dậy dân ca, dân vũ cho Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian các thôn xã Bằng Hữu, với tổng số học viên tham gia là 50 người, trong đó học viên là các em học sinh cấp THCS là 20 em.

Bên cạnh đó, huyện Chi Lăng đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội. Tổ chức thành công 9 Lễ hội truyền thống và Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc tại các xã, thị trấn như: Lễ hội văn hóa gắn với đón Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Đền Trần xã Nhân Lý (tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng); Lễ hội truyền thống (mùng 10 tháng Giêng thị trấn Đồng Mỏ) gắn với đón Bằng xếp hạnh di tích cấp tỉnh đối với Đền Cấm, Đình Làng Mỏ (Lễ hội điểm huyện); Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc xã Thượng Cường (tổ chức ngày 08 tháng Giêng)… 

Hầu hết các Lễ hội trên địa bàn huyện được tổ chức trong không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, nhận được sự đồng tình ủng hộ, tham gia hưởng ứng của bà con Nhân dân và du khách thập phương.

Lễ hội truyền thống mùng 10 tháng Giêng (thị trấn Đồng Mỏ) sau 45 năm thất truyền đã được phục dựng lại với các nghi thức nguyên trạng vốn có (Nguồn ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chi Lăng)
Lễ hội truyền thống Mùng 10 tháng Giêng (thị trấn Đồng Mỏ) sau 45 năm thất truyền đã được phục dựng nguyên trạng (Nguồn ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chi Lăng)

Nhằm phát huy hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, theo bà Đinh Thị Thao, trong thời gian tới, huyện Chi Lăng sẽ đẩy mạnh tổ chức sưu tầm, phục hồi các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của đồng bào; xây dựng các tổ, đội, câu lạc bộ văn nghệ truyền thống; nhân rộng các mô hình điểm và tiến tới hướng dẫn con em người dân tộc biết sử dụng các nhạc cụ cổ truyền dân tộc. Phát động việc sáng tác các bài hát, điệu múa cho đồng bào sử dụng trong các buổi lễ, ngày hội…Qua đó, thúc đẩy bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn liền với phát triển du lịch.

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 góp phần giữ vững, nâng chất tiêu chí NTM ở vùng biên giới biển tỉnh Sóc Trăng

Chương trình MTQG 1719 góp phần giữ vững, nâng chất tiêu chí NTM ở vùng biên giới biển tỉnh Sóc Trăng

Thị xã Vĩnh Châu nằm ở khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống (chiếm hơn 70% dân số), trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 53%. Những năm qua, triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), diện mạo vùng nông thôn của thị xã đã đổi thay đáng kể, cuộc sống của đồng bào đã ấm no và đang ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ lồng ghép từ Chương trình góp phần giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới.