Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Báo động thói quen tự dùng kháng sinh của người dân có thể nguy hại đến tính mạng

PV - 10:18, 25/11/2020

Những người mắc bệnh mãn tính, tiền sử đái tháo đường, gút mà tự điều trị bằng kháng sinh, khi có bệnh lý do vi khuẩn sẽ rất dễ kháng kháng sinh.

Bác sĩ Quân đang thăm khám cho bệnh nhân kháng kháng sinh đang điều trị tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Mai Thanh)
Bác sĩ Quân đang thăm khám cho bệnh nhân kháng kháng sinh đang điều trị tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Mai Thanh)

Tình trạng kháng kháng sinh đã được ghi nhận ở nhiều tuyến y tế từ cơ sở đến trung ương. Tại Bệnh viện Bạch Mai, trung bình có khoảng 40-60% ca chuyển tuyến đều đối mặt với tình trạng kháng kháng sinh. Tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân nam (71 tuổi, Ninh Bình), có tiền sử đái tháo đường, gút vẫn đang ở trong tình trạng khá nguy kịch do kháng kháng sinh. Trước khi chuyển lên tuyến trên, bệnh nhân này có biểu hiện sốt, ho, khó thở và đã được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình điều trị viêm phổi. Tuy nhiên, sau 10 ngày, tình trạng của bệnh nhân vẫn không cải thiện, biểu hiện nhiễm trùng ngày càng nặng, kém đáp ứng kháng sinh nên được chuyển lên tuyến trên.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Quân, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân đến viện trong tình trạng khá nặng, phải thở máy và sử dụng thuốc vận mạch hỗ trợ. Ở bệnh viện tuyến dưới, bệnh nhân đã được dùng kháng sinh mạnh nhưng tình trạng nhiễm trùng không cải thiện. Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ phải làm kỹ thuật đặc biệt định danh vi khuẩn, đánh giá xem vi khuẩn có kháng kháng sinh không từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả hơn.

“Bệnh nhân nhiễm trùng nặng, viêm phổi, phụ thuộc máy thở nên chúng tôi đã lấy đờm bệnh nhân ra cấy xem có vi trùng kháng thuốc không. Đồng thời, chúng tôi cũng sử dụng kỹ thuật cao hơn như PCR đa mồi để tìm các mầm bệnh từ phổi. Sau đó đánh giá kháng sinh nào có thể giá trị cho bệnh nhân này”- bác sĩ Quân nói.

Cũng theo bác sĩ Quân, hiện nay tình trạng tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị của người dân rất đáng báo động. Đặc biệt với những người mắc bệnh mãn tính, dễ nhiễm trùng như người có tiền sử đái tháo đường, gút, khi đã tự ý sử dụng kháng sinh điều trị nhiều, khi có bệnh lý do vi khuẩn sẽ rất dễ kháng kháng sinh. “Đối với kháng sinh khi chúng ta sử dụng càng rộng rãi thì vi khuẩn càng nhờn thuốc nên có xu hướng tăng kháng sinh lên, chi phí cũng tăng theo. Đối với bệnh nhân này, may mắn là loại kháng sinh phù hợp đang được bảo hiểm chi trả nên không quá tốn kém trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, với những trường hợp này, để tránh lạm dụng kháng sinh, chúng tôi phải làm theo quy trình khoa học, có hội chẩn chuyên khoa với chuyên gia nhiễm trùng, kháng sinh cùng phối hợp để đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân”- bác sĩ Quân cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Khoa Cấp cứu A9, tình trạng kháng kháng sinh đang tăng cao một cách đáng báo động theo từng năm. Những năm trước, tỷ lệ bệnh nhân kháng kháng sinh từ tuyến dưới chỉ gặp vài ca, nhưng đến nay, nhiều ca chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bạch Mai khi được cấy vi khuẩn ngay từ lúc vừa mới tiếp nhận đã phát hiện vi khuẩn kháng thuốc. Nhiều bệnh nhân vào viện vì một bệnh khác nhưng nhiễm trùng tăng lên nhanh, gặp vi trùng kháng kháng sinh khiến bệnh nhân nguy kịch và tử vong do nhiễm trùng chứ không phải do bệnh lý lúc bệnh nhân nhập viện.

PGS Nguyễn Văn Chi cảnh báo, thói quen tự dùng kháng sinh đang gây nguy hại cho chính người bệnh. Bên cạnh đó, khi gặp vi khuẩn kháng thuốc cũng rất khó khăn cho bác sĩ trong quá trình đưa ra phác đồ điều trị. Việc dùng kháng sinh không đúng sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn kháng thuốc, làm người bệnh mất chi phí, mất cơ hội chữa bệnh tốt.

Các bác sĩ khuyến cáo chỉ uống thuốc đúng theo đơn bác sĩ, không tự ý mua và dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị; khi được bác sĩ kê đơn có thuốc kháng sinh, luôn uống đủ liều lượng đã được kê, không bỏ dở nửa chừng, ngay cả khi cảm thấy bệnh đã đỡ nhiều. Không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước; không chia sẻ thuốc kháng sinh trong toa thuốc đang dùng cho người khác uống, ngay cả khi đó là người thân của mình, điều này gây nguy hiểm cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng./.