Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khám chữa bệnh tuyến cơ sở ở Gia Lai: Nhiều khó khăn do thiếu bác sĩ trầm trọng

Thùy Dung - 23:47, 06/07/2020

Dù tỉnh Gia Lai đã đưa ra nhiều chính sách đào tạo bác sĩ theo địa chỉ sử dụng và tổ chức các đợt thi tuyển, nhưng hiện nhiều trung tâm y tế (TTYT), bệnh viện tuyến huyện luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu bác sĩ, ảnh hưởng đến nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, nhất là các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Công tác khám, chữa bệnh tại các tuyến cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai gặp khó khăn do thiếu bác sĩ.
Công tác khám, chữa bệnh tại các tuyến cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai gặp khó khăn do thiếu bác sĩ.

Thiếu bác sĩ trầm trọng

Theo thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 220 trạm y tế xã (TYT), 17 TTYT, 6 bệnh viện tuyến tỉnh. Gia Lai hiện có 750 bác sĩ, gồm: 207 bác sĩ cấp tỉnh, 371 bác sĩ cấp huyện và 172 bác sĩ công tác cố định ở TYT xã. Tính bình quân tỷ lệ bác sĩ/vạn dân của tỉnh Gia Lai là 7,7. Tỷ lệ TYT xã có bác sĩ là 90%. Bác sĩ Mai Xuân Hải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết: “Ngành Y tế của tỉnh thiếu nhiều bác sĩ. Ngoài việc thiếu bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, giải phẫu bệnh thì còn thiếu bác sĩ ở TYT xã. Toàn tỉnh có 220 TYT xã nhưng có 48 trạm chưa có bác sĩ”.

Tại TTYT huyện Chư Pưh hiện cũng thiếu khoảng 5 bác sĩ ở các TYT xã và các khoa, phòng chức năng. Tương tự, TTYT huyện Mang Yang có 12 TYT xã, nhưng chỉ có 9 trạm có bác sĩ, 3 trạm còn lại thiếu bác sĩ.

Bác sĩ Bùi Văn Sơn, Giám đốc TTYT huyện Mang Yang chia sẻ: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu bác sĩ ở các trạm, do có người đã mất, người xin nghỉ việc, người xin chuyển công tác. Từ năm 2016 - 2019, chúng tôi chỉ tuyển được 1 bác sĩ cử tuyển về công tác tại TYT xã. Nhưng sau đó, vị bác sĩ cử tuyển này cũng xin nghỉ việc vì trình độ chuyên môn chưa cao. Hiện nay, ngoài thiếu bác sĩ, Trung tâm cũng còn thiếu một số vị trí khác như chuyên trách dân số, nữ hộ sinh, điều dưỡng.

Trong giai đoạn 2016 - 2019, tỉnh Gia Lai tuyển được 157 bác sĩ, dù dự tuyển là 206 bác sĩ. Bên cạnh việc thi tuyển mới, từ 2016 đến nay, ngành Y tế còn cử 50 người đi học bác sĩ cử tuyển, nhưng hiện có 7 bác sĩ cử tuyển xin nghỉ việc và đang làm thủ tục bồi hoàn chi phí đào tạo.

Cần có giải pháp thu hút

Mới đây, Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh do ông Dương Văn Tuấn, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với 3 trung tâm và Sở Y tế về tình hình tuyển dụng bác sĩ cũng như việc phân công bác sĩ về công tác tuyến xã. Tại các buổi làm việc, lãnh đạo Sở Y tế; TTYT huyện, UBND các huyện trình bày với Đoàn giám sát cách làm cùng những khó khăn, bất cập và đề xuất, kiến nghị tỉnh, Trung ương có giải pháp căn cơ để tuyển dụng, đào tạo bác sĩ cho tuyến cơ sở nhằm từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.

Theo bác sĩ Phạm Chí Quang, Giám đốc TTYT huyện Phú Thiện, để bác sĩ về công tác tại cơ sở, Trung ương, tỉnh Gia Lai cần điều chỉnh hệ số lương, các chế độ phụ cấp thu hút, có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo với đội ngũ y tế tại địa phương khi theo học các lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề.

“Chúng tôi đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học cho một số chuyên ngành như gây mê, hồi sức; trong khi chờ tuyển dụng viên chức, công chức thì cho đơn vị được tuyển dụng hợp đồng lao động để bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ sở y tế; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc hiện đại cho ngành Y tế”, ông Mai Xuân Hải cho biết.