Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động ở khu vực phi chính thức: Góc nhìn từ chính sách

SỸ HÀO - 10:09, 08/05/2019

Từ nhiều năm nay, dù Nhà nước đã có chính sách để siết chặt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhưng tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) vẫn theo chiều hướng gia tăng, nhất là lao động ở khu vực phi chính thức (không có hợp đồng lao động-Pv). Điều này cho thấy, để chính sách ATVSLĐ đi vào cuộc sống vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

 

Vụ TNLĐ xảy ra tại khu vực núi Lan Toong, Suối Bắc, xã Châu Hồng (Quỳ Hợp, Nghệ An) ngày 13/3/2019 làm 3 người chết đều là lao động tự do. Vụ TNLĐ xảy ra tại khu vực núi Lan Toong, Suối Bắc, xã Châu Hồng (Quỳ Hợp, Nghệ An) ngày 13/3/2019 làm 3 người chết đều là lao động tự do.

Nguy cơ rình rập

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là cái Tết buồn thảm nhất của gia đình anh Hà Văn Tuân, dân tộc Mường, ở huyện miền núi Tân Sơn (Phú Thọ). Là hộ nghèo ở xã Mỹ Thuận, để lo cho Tết được tươm tất, hai vợ chồng anh gửi con lại cho ông bà, xuống Hà Nội làm thuê. Chồng làm thợ xây, vợ làm phụ hồ tại một công trình nhà ở thuộc phường Định Công, quận Hoàng Mai.

Cuối chiều ngày 22/1/2019, khi đứng trên giàn giáo để xây trát tầng 3 thì anh Tuân bị rơi ngã xuống đất. Dù được đưa đến bệnh viện kịp thời nhưng anh đã tử vong do đốt sống cổ bị chấn thương nặng. Làm việc không có hợp đồng nên vợ anh chỉ được chủ nhà hỗ trợ một phần kinh phí để đưa chồng về quê an táng.

Anh Hà Văn Tuân là một trong rất nhiều lao động ở khu vực phi chính thức bị TNLĐ nhưng không được hưởng bất cứ chế độ gì. Tại cuộc họp báo giới thiệu Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019 (từ 01-31/5) được tổ chức ngày 11/4, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) chia sẻ rằng, tình hình TNLĐ ở khu vực phi chính thức ngày càng diễn biến phức tạp. Dù Luật ATVSLĐ đã có quy định cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương phải nghiêm túc báo cáo tình hình TNLĐ ở khu vực phi chính thức, nhưng kết quả thống kê vẫn chỉ mới là “bề nổi của tảng băng chìm”.

Dẫn chứng là, theo báo cáo của Cục An toàn lao động, năm 2018, cả nước xảy ra 7.997 vụ TNLĐ làm 8.229 người bị nạn; trong đó có 1.039 người chết; riêng lao động làm việc không có hợp đồng lao động có 417 người chết. Nhưng trên thực tế, số vụ TNLĐ có thể lớn hơn nhiều con số được công bố vì đa số doanh nghiệp, địa phương chưa chủ động báo cáo hoặc cố tình che giấu.

Đơn cử như tại TP. Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Hồng Dân, trung bình mỗi năm, toàn Thành phố chỉ có 5-7% doanh nghiệp báo cáo về tình hình an toàn lao động. Nhưng con số 5-7% mà ông Dân nêu ra cũng chỉ nói đến những đơn vị sử dụng lao động có hợp đồng. Trên địa bàn Thành phố còn có hàng nghìn người sử dụng lao động nhưng không xác định quan hệ lao động chính thức; với không biết bao nhiêu lao động thời vụ, không ràng buộc bất cứ điều khoản nào, kể cả những cam kết về bảo đảm ATVSLĐ. Trong đó, hầu hết lao động không có hợp đồng đều là những người từ nông thôn, miền núi về để tìm việc làm. Như trường hợp anh Hà Văn Tuân ở Phú Thọ là một ví dụ.

“Lỗ hổng” từ chính sách

Phải khẳng định, ATVSLĐ là lĩnh vực có ý nghĩa và có tầm quan trọng trong công tác quản lý kinh tế-xã hội. Lĩnh vực này cũng đã được cụ thể hóa trong quy định pháp luật; đồng thời nhận được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước.

Tuy nhiên, chính sách đầu tư cho lĩnh vực ATVSLĐ vẫn có “lỗ hổng”. Các quy định bảo đảm ATVSLĐ chủ yếu “nhắm thẳng” vào các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, tức là có xác định được quan hệ lao động giữa người sử dụng và người lao động. Những ràng buộc trong hợp đồng lao động sẽ buộc người sử dụng lao động phải có trách nhiệm với người lao động, đồng thời tuân thủ quy định của pháp luật về bảo đảm ATVSLĐ.

Nhưng còn một khoảng trống rất mênh mông đang hiển hiện là những lao động làm việc không có hợp đồng lao động. Với những lao động ở khu vực này, cái bảo đảm cho họ là làm việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động để được hưởng tiền công hằng ngày, hoặc hằng tháng. Ngoài tiền công, họ không được hưởng bất cứ chế độ gì khác. Nếu xảy ra TNLĐ thì có chăng, họ được hỗ trợ một phần chi phí, tùy theo “hảo tâm” của người sử dụng lao động.

Từ những hạn chế này, thiết nghĩ cần có chế tài quản lý chặt chẽ hơn. Trong đó, nhóm lao động không theo hợp đồng cần được tham gia, hưởng bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện… Đồng thời, nâng mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ; xây dựng phần mềm quản lý doanh nghiệp, làm căn cứ cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Theo thống kê, năm 2018, thiệt hại về vật chất do TNLĐ như chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là 1.494 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 5 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là 127.034 ngày.