Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bánh uôi - Nét độc đáo trong nền văn hóa ẩm thực của người Mường

Lam Anh (t/h) - 13:35, 03/02/2022

Bánh uôi là đặc sản của người Mường ở Hòa Bình. Bánh có rất nhiều tên gọi khá hay, ý nghĩa và mĩ miều khác như bánh tình yêu, bánh cặp, bánh vợ chồng hay bánh đoàn kết... Bánh uôi chính là niềm tự hào của người Mường, là một nét độc đáo trong nền văn hóa ẩm thực của một miền sơn cước mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Người Mường làm bánh uôi ngày Tết
Người Mường làm bánh uôi ngày Tết

Trong tiếng Mường, bánh uôi được gọi là "peẻng uôi". Không ai biết bánh uôi có từ khi nào, kể cả những cụ cao niên trong làng, chỉ biết rằng bánh đã được truyền qua nhiều thế hệ.

Nguyên liệu chính để làm nên loại bánh thơm ngon này là bột gạo nếp nương. Loại bánh rất giản dị, có hình dáng và hương vị rất đặc biệt đem lại sự thích thú cho người ăn. Làm bánh uôi rất đơn giản nhưng cần sự tỷ mỉ. Khâu quan trọng nhất là chuẩn bị bột để làm bánh. Gạo làm bánh được chọn từ loại gạo nếp nương còn thơm hương lúa mới. Vo gạo thật sạch, ngâm gạo trong nước khoảng 2 giờ cho mềm, vớt ra để ráo nước và đem xay.

Bánh uôi được làm với 2 loại nhân, là mặn và ngọt. Nếu là nhân ngọt thì được làm bằng hạt đậu nho nhe (một loại hạt đặc trưng của người Mường ở Hòa Bình) hoặc đậu xanh. Theo người dân ở đây, nho nhe là ngon nhất. Hạt nho nhe được nấu chín rồi giã nát, cho ra bát và trộn với đường. Riêng nhân mặn, chỉ cần tẩm ướp thịt lợn với gia vị cùng một ít tiêu là được.

Lá gói cũng là một yếu tố quyết định đến độ ngon của cặp bánh. Lá dùng để gói bánh là loại lá chuối rừng hoặc lá chuối tây, được cắt thành từng miếng vừa gói. Trước khi gói, người dân thường phơi lá chuối ngoài nắng hoặc hơ qua lửa cho mềm để lá không bị rách khi gói, sau đó dùng khăn lau thật sạch lá trước khi gói bánh. Ông Bùi Văn Binh, ở xã Tự Do, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) cho biết: “Ở xứ Mường, tùy vào từng vùng mà lá gói khác nhau, để bánh uôi đạt được mùi thơm đặc trưng, thì lá bương là tốt nhất”.

Chiếc bánh uôi giàu tính nhân văn của người Mường
Chiếc bánh uôi giàu tính nhân văn của người Mường

Bột hòa vào nước, trộn nhuyễn thành một khối trắng tinh, rồi xắt thành từng miếng nhỏ, cho nhân bánh vào giữa và vo tròn lại. Khi gói, đặt hai phần bánh ở hai đầu đối xứng trong miếng lá chuối, cuộn lại, xoắn nhanh và chặt tay. Sau đó, gập đôi hai đầu thành một và buộc lại bằng một dây lạt mềm, cuối cùng cắt gọn cuống lá chuối thừa sao cho gọn gàng và đẹp mắt. Bánh có hình dạng khá kỳ lạ và đặc biệt với hai phần giống hệt nhau như song sinh, hai bánh úp mặt vào nhau tuy hai mà như một.

Bánh gói xong được xếp vào chõ theo chiều dựng đứng để khi hấp bánh được chín đều. Hấp bánh trong khoảng gần 1 giờ đồng hồ, khi thấy lá chuối chuyển sang màu đậm là bánh đã chín, gắp bánh để ra đĩa. Khi ăn, tháo dây lạt ra, tách hai đầu lá đang che kín hai phần bánh, nhẹ nhàng khéo léo bóc lớp lá chuối bên ngoài từ trên xuống theo chiều gân lá.

Ngày Tết, nhấp một ngụm rượu cần, thưởng thức chiếc bánh uôi và trao nhau những câu chúc là tục lệ cổ xưa của đồng bào Mường
Ngày Tết, nhấp một ngụm rượu cần, thưởng thức chiếc bánh uôi và trao nhau những câu chúc là tục lệ cổ xưa của đồng bào Mường

Hương vị lá chuối, lá bương hòa quyện cùng bột gạo nếp thơm dẻo, nhân đậu thịt bùi, ngậy tan trong miệng tạo nên ấn tượng khó quên. Anh Phạm Quốc Duyệt, xóm Đúng Thá, xã Thu Phong (Cao Phong) chia sẻ: Người Cao Phong thường có phong tục làm bánh uôi vào dịp Tết. Trên mâm cúng ông bà tổ tiên, bên cạnh đĩa xôi, con gà, cặp bánh chưng thì không thể thiếu đĩa bánh uôi. Cũng như bánh chưng, lũ trẻ ở đây mặc định rằng cứ nhìn thấy bà, thấy mẹ làm bánh uôi là thấy Tết.

Bánh uôi đã đi vào tiềm thức những người con xứ Mường bình dị và nhẹ nhàng như thế. Ngày nay, ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vẫn giữ phong tục thơm thảo vào ngày Tết. Đó là sau khi làm lễ cúng ông bà, tổ tiên, bà con sẽ treo một cặp bánh uôi và bánh chưng lên mỗi loại nông cụ như cuốc, cày, dao, liềm... đồng thời bóc bánh cho con vật trong nhà ăn. Hành động đó như một lời cảm ơn chân thành vì đã cùng họ lao động, sản xuất, canh giữ nhà cửa trong năm qua. Đó cũng là một trong những nét đẹp văn hóa đầy tính nhân văn của đồng bào Mường./.