Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bắc Kạn: Tăng cường truyền thông bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số

Công Minh - 08:23, 08/12/2023

Bất bình đẳng giới vẫn đang gây trở ngại đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, tỉnh Bắc Kạn nói riêng. Để hạn chế tình trạng bất bình đẳng giới, trong những năm qua các cấp, các ngành của tỉnh Bắc Kạn đã tập trung tuyên truyền, vận động đến người dân, nhằm nâng cao ý thức, dần dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm để xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng.

Huyện Pác Nặm tổ chức tuyên truyền "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" bằng hình thức "Rung chuông vàng" tại Trường PTDTBT THCS Nghiên Loan.
Huyện Pác Nặm tổ chức tuyên truyền "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" bằng hình thức "Rung chuông vàng" tại Trường PTDTBT THCS Nghiên Loan.

Tuyên truyền bằng ba thứ tiếng Việt, Mông, Dao…

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2018-2025” theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình “Truyền thông về bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025” (Thuộc Chương trình MTQG 1719) Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể các cấp đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, thay đổi hành vi bình đẳng giới trong đồng bào DTTS. Các hoạt động tuyên truyền được thực hiện linh hoạt thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cấp phát tờ rơi, áp phích, tuyên truyền miệng... Các nội dung tuyên truyền dễ hiểu, dễ áp dụng trong thực tiễn, đặc biệt là các tình huống trong thực thi pháp luật về bình đẳng giới.

Là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới bằng ba thứ tiếng: Việt- Mông- Dao. Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc đã lựa chọn 02 xã có tỷ lệ biểu hiện xu hướng bất bình đẳng giới cao để triển khai nhân rộng với 02 Tổ truyền thông cộng đồng thực hiện Đề án tại xã Cổ Linh và xã Nghiên Loan (Pác Nặm); tổ chức 02 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới cho đội ngũ tuyên truyền viên tại 02 xã này và sản xuất file âm thanh (audio spot) tuyên truyền về bình đẳng giới bằng ba thứ tiếng Việt, Mông, Dao để làm tài liệu tuyên truyền tại các điểm dân cư.

Các nội dung tập trung tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… Những câu chuyện về nạn tảo hôn, bạo lực gia đình, trọng nam khinh nữ, sự can thiệp của các tổ chức, đoàn thể trong vấn đề tảo hôn… được tái hiện sinh động và hấp dẫn. 

Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn phối hợp tuyên truyền về bình đẳng giới tại xã Cổ Linh (Pác Nặm).
Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn tổ chức tuyên truyền về bình đẳng giới tại xã Cổ Linh (Pác Nặm) thông quan hình thức sân khấu hóa.

Là một trong những người tham gia tích cực vào Tổ truyền thông cộng đồng, chị Bàn Thị Dinh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Khuổi Nhàng, xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới cho biết: Chi hội Phụ nữ thôn hiện có 23 hội viên với 100% là đồng bào dân tộc Dao đỏ. Thời gian qua, Chi hội Phụ nữ thôn đã tổ chức các buổi tuyên truyền lồng ghép những kiến thức về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới đến với đông đảo hội viên và Nhân dân. Nhờ đó, người dân đã dần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Chị em phụ nữ trong thôn đã được các thành viên trong gia đình hỗ trợ, chia sẻ khi tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội và các công việc nặng nhọc.

Thông qua các hình thức tuyên truyền đã giúp cho người dân nhận thức rõ thực trạng của vấn đề bất bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS; từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực giới trong gia đình và cộng đồng. Đồng thời, tăng cường sự gắn kết và nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các vấn đề liên quan tới bình đẳng giới. 

Vào cuộc đồng bộ để lan tỏa rộng rãi

Với sự vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt để tạo sức lan tỏa, đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng được 67 Tổ truyền thông cộng đồng lồng ghép trong truyền thông bình đẳng giới; xây dựng 25 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại các trường học. Tổ chức điểm 7 cuộc Đối thoại chính sách với hội viên, phụ nữ, nhân dân và hướng dẫn cho Hội phụ nữ cấp huyện, xã tổ chức 98 cuộc Đối thoại chính sách... Đồng thời, chuẩn bị cho việc ra mắt thành lập 40 địa chỉ tin cậy tại 7 huyện.

Hội thi Tìm hiểu Luật phòng, chống bạo lực gia đình do Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn tổ chức
Hội thi Tìm hiểu Luật phòng, chống bạo lực gia đình do Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn tổ chức

Duy trì 06 mô hình dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về Bình đẳng giới tại các địa phương, gồm: Nghiên Loan, Cổ Linh (Pác Nặm), Hoàng Trĩ (Ba Bể), Đôn Phong (Bạch Thông), Thanh Vận (Chợ Mới) và Xuân Lạc (Chợ Đồn). Các thành viên của tổ tư vấn cùng đại diện các thôn trên địa bàn xã điểm đã được tập huấn, phổ biến các bộ luật mới ban hành có liên quan như: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật Khiếu nại tố cáo… Trên cơ sở các nội dung được tập huấn, các thành viên tổ tư vấn đã thực hiện dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí cũng như tuyên truyền, phổ biến các chính sách về dân tộc của Nhà nước cho hàng ngàn người dân của 6 xã điểm; đồng thời, thiết kế các sản phẩm truyền thông với nội dung đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức và phong tục tập quán của người dân.

Bên cạnh đó, thực hiện Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và nâng cao năng lực cho nữ đại biểu dân cử”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế Apheda tại Việt Nam tổ chức các hoạt động tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm cho nữ đại biểu HĐND các cấp và kiến thức về bình đẳng giới cho hàng trăm đại biểu nữ. 

Chị Hà Thị Lanh, dân tộc Nùng ở xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới chia sẻ: Trước đây, mọi công việc nặng nhọc, cũng như việc nhà đều do một mình chị làm hết. Làm từ sáng tới đêm khuya có khi vẫn chưa thấy hết việc. Nhưng, từ khi được Tổ tư vấn tới tận nhà gặp gỡ, tuyên truyền về Luật bình đẳng giới, Luật hôn nhân… chồng chị đã gánh vác bớt công việc nặng cũng như công việc gia đình với vợ. Tạo điều kiện cho vợ đi tham gia sinh hoạt CLB phụ nữ làm kinh tế ở xã…

Từ những kết quả đạt được, bước đầu cho thấy, mô hình dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ chính quyền địa phương, sự hưởng ứng tích cực của các ban, ngành, đoàn thể của xã, thôn, già làng, người có uy tín trong cộng đồng và nhân dân trên địa bàn. Từ đó, tạo điều kiện để người DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng được tìm hiểu về pháp luật, biết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm, đồng thời nâng cao trình độ nhận thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân. 

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện các mục tiêu liên quan đến bình đẳng giới vẫn còn những mặt hạn chế nhất định. Theo Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn Bế Ngọc Thuấn thì vẫn còn có sự khác biệt trong các chỉ số phát triển giữa nam và nữ, trong đó phụ nữ và trẻ em gái DTTS là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương, chịu bất bình đẳng kép cả về dân tộc và về giới; bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, nạn tảo hôn. 

Vì vậy, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục phối hợp triển khai tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai chính sách, pháp luật về bình đẳng giới thuộc các chuyên đề như: Bình đẳng giới; kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kỹ năng phát hiện và tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ, công chức, viên chức và bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín... 

Mục tiêu hướng tới là: 100% cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương và 50% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp xã và người có uy tín vùng đồng bào DTTS được phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; 80% số hộ gia đình đồng bào DTTS số rất ít người được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về bình đẳng giới; 30-50% các xã có nhiều đồng bào DTTS rất ít người sinh sống xây dựng các mô hình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở bình đẳng giới…