Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phú Thọ: Nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS

Đức Bình - 05:46, 04/12/2023

Việc triển khai Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1: 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) tại tỉnh Phú Thọ đã góp phần nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em; góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Triển khai Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719); tại tỉnh Phú Thọ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh với vai trò là cơ quan chủ trì đã chủ động thành lập Ban điều hành Dự án cấp tỉnh để chỉ đạo tổ chức thực hiện; xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Dự án, kịp thời hỗ trợ Hội LHPN các huyện. Hiện tỉnh Phú Thọ đang triển khai Dự án 8 tại 5 huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thuỷ.

Để hội viên, phụ nữ và Nhân dân cùng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tham gia giải quyết một số vấn đề cấp thiết liên quan đến phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các cấp Hội tổ chức tập huấn thực hiện Dự án.

Từ năm 2022 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức 20 lớp tập huấn về các nội dung chuyên đề thực hiện Dự án 8 cho 1.582 người là cán bộ Hội chuyên trách cấp tỉnh, huyện và các ngành có liên quan, trên 40 buổi truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà, phòng chống bạo lực gia đình tại các xã được triển khai Dự án; truyền thông “Kỹ năng phòng vệ bản thân” cho học sinh tại các trường học; tổ chức hội nghị đối thoại chính sách với chủ đề: Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại ba xã Xuân Viên (huyện Yên Lập), xã Hùng Xuyên (huyện Đoan Hùng) và xã Tu Vũ (huyện Thanh Thủy).

Song song với công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thực hiện Dự án 8, các cấp Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã triển khai xây dựng nhiều mô hình nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo tiếng nói của trẻ em gái như: Mô hình tổ truyền thông cộng đồng, địa chỉ tin cậy, CLB thủ lĩnh của sự thay đổi…

Một buổi họp định kỳ của Câu lạc bộ ""Nói không với tảo hôn" của xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập
Một buổi họp định kỳ của Câu lạc bộ "Nói không với tảo hôn" của xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập

Tháng 3/2023, xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn được lựa chọn xây dựng mô hình điểm “Tổ truyền thông cộng đồng” tại các khu Xè 1, Xè 2 và khu Thành Công. Đến nay các mô hình bước đầu phát huy hiệu quả. Mỗi Tổ truyền thông có bảy thành viên gồm: Bí thư Chi bộ, Trưởng khu, Chi Hội trưởng Phụ nữ, đại diện Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể, Người có uy tín trong cộng đồng. Các thành viên đều được tập huấn kỹ năng viết tin, bài; lập kế hoạch truyền thông, tuyên truyền trên phương tiện truyền thông cấp xã, đảm bảo mỗi quý các tổ đều tổ chức được một hoạt động truyền thông cho phụ nữ, trẻ em và người dân.

Bà Hà Thị Hồng Hái, Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Miếu cho biết: Trước các buổi sinh hoạt, tuyên truyền, các Tổ truyền thông sẽ tiến hành họp để xác định các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng, những tập tục văn hóa lạc hậu cùng một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em tại địa phương, khu dân cư để xây dựng nội dung, thông điệp và hoạt động truyền thông phù hợp nhằm mang lại hiệu quả, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Từ đầu năm đến nay, ba Tổ truyền thông của xã Lai Đồng đã tổ chức được sáu cuộc truyền thông cho phụ nữ, trẻ em và người dân. Nhờ đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, tình trạng kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình ngày càng giảm.

Về vấn đề trẻ em, tại các huyện thực hiện Dự án 8 đã triển khai Cuộc thi “Sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng đồng bào DTTS&MN lần thứ nhất” với tên gọi “Lắng nghe con nói” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Cuộc thi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và sự tham gia của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái trong các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, lan tỏa các sáng kiến, sản phẩm truyền thông phù hợp với trẻ em DTTS, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS&MN, xây dựng môi trường an toàn để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện trong môi trường gia đình...

Tổ truyền thông cộng đồng xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn tuyên truyền cho người dân
Tổ truyền thông cộng đồng xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn tuyên truyền cho người dân

Bên cạnh đó, các CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi cũng đã được thành lập dành cho các em học sinh. Tháng 5/2023, Hội LHPN huyện Thanh Thủy phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thành lập CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi tại Trường THCS Yến Mao, xã Tu Vũ với 30 thành viên, chủ yếu là các em học sinh người DTTS. Mục đích hoạt động của CLB là trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em qua đó tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, thận thức và hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, các vấn đề về sức khỏe sinh sản và kết hôn trẻ em, xóa bỏ định kiến giới, xóa bỏ tập tục lạc hậu tại địa phương. Góp phần tạo dựng được mạng lưới có sự hỗ trợ của các bạn trẻ tiên phong trong việc xây dựng cộng đồng an toàn và không bạo lực giới.

Em Trịnh Huyền Trang, lớp 8A, Trường THCS Yến Mao, Chủ nhiệm CLB cho biết: “CLB được thành lập đã trở thành nơi giao lưu, chia sẻ, giúp chúng em thể hiện được tiếng nói, quan điểm của mình trong các vấn đề về chăm sóc, tự bảo vệ bản thân, xoá bỏ những quan điểm sai lầm về giới, kết hôn sớm”.

Đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ đã thành lập được 100 Tổ truyền thông cộng đồng, 10 Địa chỉ tin cậy, 8 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi tại năm huyện triển khai Dự án.