Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

721 hộ dân tộc được hưởng lợi từ dự án cải thiện sinh kế bền vững

Lê Phương - 17:59, 18/11/2020

Ngày 18/11, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) và Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã tổ chức Hội thảo Tổng kết một năm thực hiện dự án “Cải thiện sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) thông qua phát triển chuỗi giá trị mây tre đan và cây dược liệu, nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Nam”.

Sản phẩm mây tre đan của đồng bào DTTS được trưng bày tại Hội thảo
Sản phẩm mây tre đan của đồng bào DTTS được trưng bày tại Hội thảo

Dự án được triển khai từ tháng 9/2019 đến tháng 11/2020 tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, bao gồm Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang. Sau một năm thực hiện, dự án đang góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. 

Tỉnh Quảng Nam đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, tăng cường phát triển các mô hình liên quan đến các sản phẩm trồng dưới tán rừng. Trong đó, mây tre và cây dược liệu, là các lâm sản ngoài gỗ không chỉ được ưa chuộng tại thị trường trong nước, mà có tiềm năng lớn vươn ra thị trường thế giới.

Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và DA Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ hỗ trợ việc mở rộng vùng nguyên liệu và góp phần hình thành một diện mạo mới cho ngành mây tre và cây dược liệu dưới tán rừng của tỉnh Quảng Nam. Mục tiêu cao nhất của Tiểu dự án Trường Sơn Xanh là, hướng đến bảo tồn đa dạng sinh học cho rừng Quảng Nam; đồng thời giảm phát thải trong quá trình sản xuất thông qua phát triển chuỗi giá trị mây và cây dược liệu nhằm cải thiện sinh kế, tạo thu nhập ổn định cho cộng đồng gần rừng và phụ thuộc vào tài nguyên rừng, đặc biệt là người DTTS. Cho đến nay, đã có nhiều chính sách, chiến lược của Nhà nước và của tỉnh tập trung cho việc phát triển các lâm sản ngoài gỗ này, tuy nhiên tốc độ phát triển còn chậm, gặp nhiều khó khăn trong xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua, chế biến và liên kết thị trường…

Tại Hội thảo, Hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã báo cáo kết quả 1 năm thực hiện dự án; kết quả tập huấn, cải thiện thu nhập của các tổ hợp tác; giới thiệu về nghề đan lát và sản xuất đẳng sâm của người Cơ Tu và hoạt động của Trung tâm Thiết kế Hội An; các bước tiếp theo để đảm bảo sự bền vững của dự án và tuyên dương các cá nhân xuất sắc… 

Theo báo cáo, có tổng số 721 hộ hưởng lợi, trong đó đồng bào dân tộc Cơ Tu có 706 hộ (chiếm 98%). Thực tế đã thực hiện 236 hộ trồng và khai thác bền vững 100ha mây dưới tán rừng. Đã thực hiện 149 hộ dân phát triển và chế biến dược liệu, thu nhập tăng khoảng 65%.

Ngoài ra, dự án cũng đào tạo nghề theo quy trình sản xuất sạch cho 336 hộ dân. Thực hiện 80 thiết kế mới giảm phát thải được phát triển. Đã ký được hợp đồng ổn định với 5 Công ty, 8 đại lý, cửa hàng, tổng giá trị hợp đồng đạt 2 tỷ đồng. Hy vọng thu nhập của các hộ sản xuất hàng thủ công tăng 30-50%.

Đại diện Hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết, trong năm 2020 sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cho các Tổ hợp tác, thành lập HTX OCOP Cơ Tu với sự tham gia của 50 thành viên và các nhà đầu tư. Nâng cao tay nghề cho các học viên nòng cốt. Phát triển các dòng sản phẩm từ chè dây…