Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ổn định sinh kế để rừng thêm xanh

Hồng Minh - 10:33, 16/06/2020

Tận dụng những mảnh vải dệt thừa để thiết kế ra vỏ gối, khăn trải bàn, bông tai… đang là cách làm hiệu quả của các thành viên trong Hợp tác xã (HTX) Thổ cẩm xanh A Lưới, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Đó là kết quả của những khóa đào tạo kỹ thuật thuộc khuôn khổ Dự án Trường Sơn Xanh nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân miền núi của tỉnh.

Các dự án giúp bà con ổn định sinh kế từ nghề truyền thống sẽ giảm tác động xấu đến thiên nhiên.
Các dự án giúp bà con ổn định sinh kế từ nghề truyền thống sẽ giảm tác động xấu đến thiên nhiên.

Tại huyện miền núi A Lưới, Dự án Trường Sơn Xanh đã tổ chức khoá đào tạo hướng dẫn kỹ thuật dệt thổ cẩm và phát triển các sản phẩm nâng cao cho 30 phụ nữ đồng bào DTTS. Chương trình nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất bền vững và tiêu thụ có trách nhiệm các sản phẩm đặc trưng địa phương để phát triển sinh kế, giảm nạn săn bắt động vật hoang dã, tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Bà Kê Thị Hạch, Tổ trưởng Tổ gia công HTX Thổ cẩm xanh A Lưới cho biết: “Nhờ có khóa đào tạo hướng dẫn kỹ thuật dệt thổ cẩm, bà con đã biết kết hợp vải thổ cẩm với vải cotton để tạo ra sản phẩm mẫu mã bắt mắt, giảm giá thành. Ngoài ra, từ những mảnh vải thừa, bà con đã tận dụng để thiết kế thành vỏ gối, khăn trải bàn, giày dép, bông tai…”.

Bà Hạch cũng thông tin thêm, trong đợt dịch Covid- 19 vừa qua, bà con trong HTX Thổ cẩm xanh A Lưới còn dùng chính những tấm vải dệt để may khẩu trang cung cấp cho người dân ở đây.

Tương tự như HTX Thổ cẩm xanh, HTX Mây tre Bao La (huyện Quảng Điền) với 100 thành viên là phụ nữ. Các chị được cán bộ tiểu dự án hướng dẫn cách tạo ra các sản phẩm đa dạng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, mẫu mã như túi xách, thiệp, hộp đựng đồ… Từ đó, thu nhập hằng tháng đạt trung bình từ 3 - 5 triệu đồng/tháng, góp phần ổn định cuộc sống.

Các sản phẩm của các HTX tham gia tiểu dự án được hỗ trợ giới thiệu, bày bán ở nhiều quốc gia. Mỗi sản phẩm bán ra sẽ đóng góp vào Quỹ quản lý rừng của cộng đồng với nhiều hoạt động như tuần tra bảo vệ rừng; phòng, chống cháy rừng và hỗ trợ trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng...

Bà Nguyễn Bảo Thoa, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam cho biết: Người dân sống ven bìa rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế xưa nay sống phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Đó là những hoạt động khai thác kém bền vững, lâu dài, có thể gây ảnh hưởng đến nguồn động vật hoang dã và rừng cây địa phương. Chính vì vậy, tiểu dự án dựa trên những sản phẩm từ cây dược liệu, thủ công mỹ nghệ sẵn có của địa phương nhằm giúp đỡ người dân có được công việc, tạo nguồn sinh kế bền vững.