Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xung quanh chuyện giảm nghèo ở Bắc Kạn

PV - 23:07, 03/10/2019

Là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 21,88%, những năm qua, công tác giảm nghèo luôn là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kạn. Các chương trình, dự án-một nguồn lực lớn đã được đầu tư để nâng cao đời sống Nhân dân. Tuy nhiên, thực tế triển khai các chương trình cũng còn một số tồn tại chưa phù hợp với thực tế.

Mô hình trồng cây dong riềng tại xã Côn Minh, huyện Na Rì (Bắc Kạn) giúp nông dân xóa nghèo.
Mô hình trồng cây dong riềng tại xã Côn Minh, huyện Na Rì (Bắc Kạn) giúp nông dân xóa nghèo.

Trao cần câu nhưng không câu được cá

Từ năm 2016 đến 2018, tỉnh Bắc Kạn đã được đầu tư hơn 500 tỷ đồng để thực hiện đồng bộ những dự án nhằm giảm nghèo bền vững, như: Chương trình 135, Chương trình 30a... đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm. Đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn hơn 29%, đến năm 2018 giảm xuống còn hơn 21,8%. Bình quân mỗi năm giảm hơn 2,5% tỷ lệ hộ nghèo. Hiện toàn tỉnh còn gần 17.500 hộ nghèo, chiếm 21,88%.

Một trong những chính sách có tác động trực tiếp, là Chính sách Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Năm 2016, ông Đinh Quang Nú, ở thôn Choóc Vẻn, xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông được hỗ trợ để mua một con bò cái sinh sản. Nuôi được hơn một năm, bò mẹ còn chưa kịp đẻ ra bê, bí tiền ông bán đi. Vừa mới thoát hộ nghèo được một năm, ông lại tái nghèo.

Được biết, từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, năm 2016, có 26 hộ nghèo ở xã Vũ Muộn được hỗ trợ mỗi gia đình 1 con trâu hoặc bò sinh sản. Đến nay, có 6 hộ đã bán đi, 5 hộ khác chuyển từ nuôi trâu, bò sinh sản sang nuôi vỗ béo. Hộ được hỗ trợ trâu thì bán đi để mua bò về nuôi. Ngược lại, hộ khác được hỗ trợ bò thì lại bán để chuyển sang nuôi trâu.

Sau hơn 3 năm triển khai dự án, xã Vũ Muộn đánh giá, trong số 26 hộ dân được nhận bò từ dự án, chỉ 5 hộ thoát được nghèo, 4 hộ từ nghèo lên cận nghèo. Với những hộ đã bán đi, tác động từ nguồn hỗ trợ là không còn.

Hỗ trợ chưa phù hợp

Cũng là chuyện hỗ trợ thoát nghèo, năm 2017, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm được hỗ trợ thực hiện mô hình trồng hoa lay ơn trên diện tích hơn 2,2ha. Mô hình được kỳ vọng sẽ thay đổi cơ cấu cây trồng, tạo sinh kế nhằm giúp hàng chục hộ tăng thu nhập từ đó thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, đến nay, mô hình đã phá sản. Trên thực tế, có thể thấy mô hình này không thể tồn tại là do chưa phù hợp với thực tế tại địa phương. Việc trồng hoa lay ơn đòi hỏi kỹ thuật khá cao, dù đã được tập huấn nhưng các hộ dân vốn chỉ quen trồng lúa, làm nương khó mà đáp ứng. Bên cạnh đó, Pác Nặm là huyện vùng cao, nhu cầu mua hoa của người dân không nhiều, nếu chuyển đi bán ở những đô thị lớn thì đường sá xa xôi khó để cạnh tranh vì chi phí vận chuyển cao.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn cho biết, do hạn chế về thông tin, người dân chưa nắm bắt được việc hỗ trợ sản xuất, trồng trọt theo hình thức tổ nhóm để được giúp đỡ, giám sát nhau dẫn đến chưa thực hiện theo đúng các quy trình văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, trên cùng một địa phương triển khai nhiều chương trình, dự án sẽ gặp khó khăn, bởi kết cấu, hạ tầng và hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn cũng dẫn đến sự chồng chéo.