Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giảm nghèo vùng đồng bào DTTS ở Đăk Lăk: Nhận diện đúng để đầu tư hiệu quả

PV - 10:08, 16/08/2019

Tỉnh Đăk Lăk hiện có 446.297 hộ, trong đó có 145.396 hộ là đồng bào các DTTS. Những năm qua, dù đã được Trung ương bố trí nguồn lực đầu tư, hỗ trợ nhưng nhìn chung, đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS của tỉnh vẫn còn rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân khiến cho công tác giảm nghèo vùng DTTS chưa đạt kết quả như mong muốn là do chưa đánh giá đúng thực trạng kinh tế-xã hội trên địa bàn.

“Vênh” số liệu

Để các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ

giảm nghèo vùng đồng bào DTTS đạt mục tiêu thì yếu tố đầu tiên, mang tính quyết định là phải điều tra, rà soát hộ nghèo thực chất, chính xác. Thế nhưng, khảo sát các văn bản liên quan kết quả giảm nghèo của tỉnh Đăk Lăk được ban hành gần đây, chúng tôi nhận thấy có sự “vênh” nhau khá lớn về mặt số liệu.

Cụ thể, trong Báo cáo số 107/BC/UBND ngày 24/4/2019 của UBND tỉnh về kết quả phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS giai đoạn 2016-2018; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Báo cáo số 107), tính đến 31/12/2018, toàn tỉnh Đăk Lăk có 37.067 hộ nghèo là người DTTS, chiếm tỷ lệ 64,83% tổng số hộ nghèo của tỉnh.

Ở Đăk Lăk vẫn còn rất nhiều hộ có nhà ở dột nát, tạm bợ. (Trong ảnh: Nhà ở của đồng bào M’nông ở buôn Lách Ló, xã Nam Ka, huyện Lăk). Ở Đăk Lăk vẫn còn rất nhiều hộ có nhà ở dột nát, tạm bợ. (Trong ảnh: Nhà ở của đồng bào M’nông ở buôn Lách Ló, xã Nam Ka, huyện Lăk).

Cũng trong ngày 24/4/2019, UBND tỉnh Đăk Lăk có Báo cáo số 108/BC-UBND về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc. Trong văn bản này, UBND tỉnh Đăk Lăk báo cáo tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS trên địa bàn tỉnh tính đến tháng 1/2019 chỉ chiếm… 6,83% (!?).

Thậm chí, ngay trong Báo cáo số 107 của UBND tỉnh Đăk Lăk cũng có sự “vênh” về mặt số liệu, dù rằng “độ vênh” không lớn. Cụ thể, tại trang 7 của văn bản này nêu tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS hết năm 2018 là 64,82%; nhưng trong phần Phụ lục (Biểu số 02) thì lại nêu tỷ lệ là 64,83%.

Cứ cho rằng, những số liệu “vênh” nhau trong các văn bản này là do “lỗi đánh máy”. Nhưng tìm hiểu thêm về kết quả điều tra, rà soát các tiêu chí nghèo đa chiều của Đăk Lăk-là cơ sở để các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS triển khai “trúng” đối tượng, chúng tôi nhận thấy có một số chỉ tiêu rất quan trọng lại không được “điểm danh”.

Cụ thể, trong Biểu số 02 của Báo cáo số 107 thống kê một số chỉ tiêu về đời sống của Nhân dân tại thời điểm ngày 31/12/2018, tỉnh Đăk Lăk chưa đưa ra được chỉ tiêu về thu nhập bình quân của đồng bào các DTTS sinh sống trên địa bàn. Đó là chưa kể, tỉnh Đăk Lăk là nơi cư trú của 47 dân tộc anh em, trong đó có 46 DTTS. Vậy thực trạng về thu nhập bình quân của 46 DTTS nói chung hiện như thế nào; bình quân thu nhập của mỗi DTTS ra sao?

Ngoài ra, trong Báo cáo số 107 của tỉnh Đăk Lăk cũng chưa thống kê được hiện trên địa bàn có bao nhiêu hộ là đồng bào DTTS có nhà ở dột nát; bao nhiêu hộ chưa được dùng điện lưới quốc gia; bao nhiêu người không có nơi nương tựa;… Thậm chí, về chất lượng nguồn nhân lực ở vùng đồng bào DTTS, tỉnh Đăk Lăk cũng chưa có số liệu thống kê cụ thể về số người dưới 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt.

Cần nhận diện đúng

Trên bình diện tổng thể, trong 3 năm (2016-2018), tỉnh Đăk Lăk đã có những kết quả đáng ghi nhận trong giảm nghèo. Cụ thể, năm 2016, toàn tỉnh có 76.434 hộ nghèo và 41.377 hộ cận nghèo. Hết năm 2018, dù số hộ cận nghèo nhiều hơn trước (43.376 hộ) nhưng số hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 57.180 hộ.

Nhưng trong 3 năm này, theo các số liệu trong Báo cáo số 107 thì tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo là người DTTS trong tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo chung của tỉnh Đăk Lăk lại tăng lên. Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS của tỉnh là 62,15%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 45%; sang năm 2017, tỷ lệ này là 63,88% hộ nghèo và 46,37% hộ cận nghèo. Hết năm 2018, toàn tỉnh có 37.067 hộ nghèo (tỷ lệ 64,83%) và 20.612 hộ cận nghèo (tỷ lệ 47,51%) là người DTTS.

Như vậy, mặc dù một số chỉ tiêu để nhận diện “trúng” hộ nghèo là đồng bào DTTS trên địa bàn vẫn còn bỏ trống nhưng Báo cáo số 107 của UBND tỉnh Đăk Lăk cũng đã phản ánh cơ bản về thực trạng kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh.

Ngoài ra, theo Báo cáo số 107, tính đến ngày 31/12/2018, trong 87 xã khu vực II của tỉnh vẫn còn 2 xã chưa có đường ô tô nhựa/bê tông hóa đến trung tâm (còn trong 50 xã khu vực III của tỉnh thì chỉ còn 1 xã chưa có). Đặc biệt, tại 50 xã khu vực III của Đăk Lăk hiện chỉ còn 813 phòng học chưa được kiên cố hóa; ở 87 xã khu vực II của tỉnh vẫn còn 1.754 phòng học tạm bợ…

Theo Quyết định 900/QĐ-TTg, trong 50 xã khu vực III của tỉnh Đăk Lăk chỉ có 46 xã thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; trong 428 thôn/buôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn cũng chỉ có 231 thôn/buôn được Chương trình 135 đầu tư. Như vậy, với những xã khu vực III, thôn/buôn đặc biệt khó khăn không thuộc diện đầu tư từ Chương trình 135, hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào DTTS chắc chắn sẽ có những thiệt thòi nhất định trong thụ hưởng chính sách đầu tư, hỗ trợ theo hướng trực tiếp hay gián tiếp.

Được biết, để tập trung giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đăk Lăk dự toán nguồn kinh phí hơn 6.966 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng là hơn 3.045 tỷ đồng; kinh phí thực hiện các chính sách dân tộc là hơn 3.921 tỷ đồng.

Dự toán này là hoàn toàn phù hợp trong điều kiện Đăk Lăk vẫn còn rất nhiều địa bàn đặc biệt khó khăn. Nhưng điều quan trọng nhất mà tỉnh phải đặc biệt quan tâm trong thời gian tới là tiến hành điều tra, nhận diện trúng những chỉ tiêu thiếu hụt của hộ nghèo đồng bào DTTS, nhất là những chỉ tiêu chính như thu nhập, nhà ở, sinh kế,… để có định hướng đầu tư, hỗ trợ trúng.

SỸ HÀO