Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xe ngựa ở vùng Thất Sơn

Hồng Diễm - 07:36, 11/07/2022

Một thời xe ngựa là phương tiện đang được đồng bào Khmer ở vùng Thất Sơn Bảy Núi (An Giang) dùng để chuyên chở hàng hoá vào những phum sóc không có đường giao thông thuận tiện. Không chỉ là phương tiện giao thông hữu dụng, những chiếc xe ngựa còn mang đậm dấu ấn về nét văn hóa phum sóc độc đáo.

Lúc cao điểm mỗi ngày các phu xe có thể kiếm từ 300 – 500 nghìn dồng từ việc chở thuê
Lúc cao điểm mỗi ngày các phu xe có thể kiếm từ 300 – 500 nghìn dồng từ việc chở thuê

Một thời vàng son

Trước đây khi giao thông ở vùng núi Thất Sơn chưa phát triển, với địa hình chủ yếu là cát trắng, đi lại rất khó khăn, nhờ những chiếc xe ngựa, có thể len lỏi qua mọi địa hình từ rừng cây, núi đá và cát trắng. Những chiếc xe ngựa được xem là phương tiện "cứu cánh" cho đồng bào trong các phun sóc mỗi lần chuyển nông sản ra chợ bán hoặc mua nhu yếu phẩm mang về.

Không chỉ là phương tiện giao thông hữu dụng, những chiếc xe ngựa mang đậm dấu ấn về nét văn hóa phum sóc độc đáo. Những thùng xe được gắn thêm chỗ ngồi để chở khách đi chợ, chở phật tử đến chùa vào những dịp Dol-ta (lễ đưa nước), Tết Chôl Chnăm Thmây (mừng năm mới), hay lễ dâng bông, dâng y đặc thù của triết lý Phật giáo Nam tông. 

Đặc biệt, xe ngựa còn là phương tiện sang trọng bậc nhất, chở các nam thanh, nữ tú khoác lên người những chiếc sà-rông lộng lẫy hoa văn, với nhiều sắc màu dự các lễ cưới, hoặc lễ thăm hỏi giữa hai thông gia trong dịp lễ Dol-ta (Ték-à-ponh).

Thường mỗi xe bố trí 2 dãy ngồi theo chiều dọc: Bên trái dành cho nam, bên phải cho nữ, hoặc xe nam, xe nữ sánh đôi…, theo sau cỗ xe chở dàn nhạc ngũ âm. Từ bối cảnh, không gian này, đã nảy sinh ra loại hình văn nghệ dân gian như: Chùm-riêng Chhhon-chhlơi (tương tự như hò huê tình, hò đối đáp nam- nữ của người Việt). Đã có nhiều cặp nam, nữ nên vợ nên chồng, sống với nhau đến “răng long, đầu bạc” sau lần văn nghệ cây nhà lá vườn này.

Xe ngựa là phương tiện giao thông hữu dụng của đồng bào Khmer ở vùng Thất Sơn
Xe ngựa là phương tiện giao thông hữu dụng của đồng bào Khmer ở vùng Thất Sơn

Thưa dần những cỗ xe ngựa

Theo trí nhớ của các già làng vào thời vàng son, vùng Thất Sơn xưa kia có cả ngàn xe ngựa dọc ngang trên vùng Bảy Núi. Nhưng sau này, đường sá, giao thông đang ngày càng thông thoáng, nhiều loại phương tiện cơ giới đã đến tận các phum, sóc nên không chỉ có con trai, con gái, mà giờ đây ngay cả người già cũng ít còn muốn đi chợ, viếng chùa bằng xe ngựa nữa. Vì thế, bóng dáng cỗ xe ngựa cũng thưa dần, có không ít người đã “giã từ dây cương” sau nhiều năm gắn bó.

Ông Chau Ya, có hơn nửa đời người gắn bó với nghề cầm cương xe ngựa nói, hồi trước vùng này nhiều xe ngựa lắm, nhưng sau này nhiều sự lựa chọn hơn nên ít người đi xe ngựa; dù thế nhưng ông vẫn muốn bám nghề, vì đây là công việc mưu sinh nuôi sống bản thân và gia đình nên bất kể trời mưa hay nắng, ông vẫn đều đặn ra bến đợi khách.

“Lúc trước đánh xe ngựa đắt khách lắm, ngày nào ế ẩm lắm cũng chạy được cả chục cuốc xe. Kiếm được tiền nhiều đến nỗi tôi để ruộng vườn lại cho vợ con canh tác, còn mình tập trung lái xe ngựa. Nhưng nghề nào cũng có lúc thịnh rồi phải suy, bây giờ chở được 2,3 chuyến hàng trong ngày là mừng rồi. Một chuyến tôi nhận tiền công 100.000 đồng”, ông Chau Ya kể.

Còn anh Chau Soc Tha bày tỏ: Trước kia mỗi ngày tôi có thể kiếm từ 300 – 500 nghìn/ngày có thể lo cho con cái đi học, sửa nhà, mua sắm đồ đạc mỗi dịp Tết. Nhưng nghề này giờ khó kiếm tiền vì không ai thuê chở hàng. Thế nên tôi phải làm ruộng vườn mới đủ xoay sở cuộc sống.”

Những cỗ xe ngựa ngày càng thưa thớt qua năm tháng
Những cỗ xe ngựa ngày càng thưa thớt qua năm tháng

Khai thác phục vụ du lịch 

Thu nhập ít dần là nguyên nhân khiến nhiều người bỏ nghề, hiện chỉ còn vài người cố gắng bám trụ vì 2 chữ “nặng nợ”. Thỉnh thoảng vào dịp lễ hội hay Tết, có du khách phương xa đến chơi, họ vẫn hay thuê xe ngựa chở đi một đoạn vài cây số tham quan. Thậm chí, nhiều khách hàng “chịu chơi” còn thuê hẳn xe ngựa để rước dâu đám cưới.

Trên thực tế, với đồng bào Khmer vùng Bảy Núi, xe ngựa không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là một nét văn hóa, một niềm tự hào, mà thâm tâm họ luôn muốn bảo vệ và phục dựng. Vì sau những năm tháng chao đảo, nghiêng ngửa, ở các phum sóc vùng Bảy Núi, những cỗ xe ngựa vẫn còn đó, vẫn rong ruổi khắp núi rừng Thất Sơn, gợi mở về một tiềm năng du lịch từ loại phương tiện này. 

Thời gian qua nhiều ý kiến cho rằng, việc bảo tồn và phát huy nét văn hóa độc đáo này sẽ mang lại hiệu quả khi chúng được đưa vào làm điểm nhấn du lịch của vùng Bảy Núi. Tuy nhiên, để khai thác được loại hình phục vụ du lịch này, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và cả những người phu xe năm cũ vẫn còn nặng tình với những cỗ xe.