Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giảm nghèo bền vững

Khai thác tiềm năng phát triển du lịch từ những ngôi chùa Khmer

Song Vy - 09:35, 14/06/2022

Những ngôi chùa Khmer luôn có kiến trúc độc đáo, rực rỡ sắc màu, đa dạng loại hình nghệ thuật gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh và nhiều truyền thuyết của đồng bào Khmer...

Chùa Sê Rây Tà Mơn luôn được Ban Quản trị tu sửa để đón khách hành hương
Chùa Sê Rây Tà Mơn luôn được Ban Quản trị tu sửa để đón khách hành hương

Thời gian qua, để khai thác hiệu quả lợi thế này, nhiều chùa Khmer đã và đang tạo điều kiện cho phật tử kinh doanh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đặc sản đặc sắc của đồng bào tại chỗ. Với mong muốn chung tay góp phần bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, vừa giúp đồng bào có thêm thu nhập từ các hoạt động dịch vụ phục vụ khách đến chùa tham quan đang ngày càng đông.  

Huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, những năm gần đây, nhộn nhịp du khách khi có bến tàu đi Côn Đảo. Ngoài du khách khắp các tỉnh thành Tây Nam bộ khăn gói về đây, thì các tỉnh thành khác trong nước cũng nối tuyến từ các sân bay nội địa vào Cần Thơ, và đi đường bộ xuống bến tàu Trần Đề, rồi từ đây ra Côn Đảo.

Dựa vào điều kiện tự nhiên, đặc thù là địa phương có đông đồng bào Khmer (gần 50% dân số) sinh sống, cùng với lợi thế 14 chùa Nam Tông có kiến trúc độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer...; Mỗi ngôi chùa đại diện cho một phum sóc, là nơi để du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng hành hương, là nơi mà các nhà nghiên cứu văn hóa, dân tộc, tôn giáo đến tìm hiểu để biết thêm về kiến trúc truyền thống, văn hóa - lễ hội của người Khmer ở Sóc Trăng.

Du khách hoá thân thành cô gái Khmer qua trang phục truyền thống
Du khách duyên dáng trong trang phục truyền thống Khmer

Thượng toạ Trần Văn Tha, Trụ trì chùa Sê Rây Tà Mơn toạ lạc tại xã Viên Bình, huyện Trần Đề cho biết: mỗi phum sóc có đông đồng bào Khmer, sẽ có một ngôi chùa với nét kiến trúc truyền thống độc đáo, hoa văn đa dạng và các bức phù điêu như tiên nữ, chằn Yeak, rắn thần Naga, chim thần Krud.

“Với chủ trương phát triển du lịch gắn với phát huy, gìn giữ bản sắc văn hoá của dân tộc, chùa đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm hỗ trợ nhiều như: hỗ trợ kinh phí trùng tu chánh điện. Năm 2020 tỉnh đã tặng cho Chùa 1 bộ nhạc cụ dân tộc và thiết bị âm thanh, ánh sáng..., để trưng bày và phục vụ du khách nhân các dịp lễ truyền thống của dân tộc, hoặc theo yêu cầu của du khách”, Thượng toạ thông tin thêm.

Cũng theo Thượng toạ, sau đợt dịch Covid - 19 nhiều phật tử không đi làm xa được, Ban quản trị đã gợi ý cho phật tử kinh doanh có thể giới thiệu các sản phẩm, đặc sản của xứ biển Trần Đề; củ hành tím, củ cải muối của Vĩnh Châu, tạo điều kiện, khuôn viên riêng biệt cho phật tử mở dịch vụ ăn uống phục vụ du khách đến viếng thăm chùa tại chỗ.

Kiến trúc chùa Khmer hấp dẫn du khách tham quan và chụp ảnh kỷ niệm
Kiến trúc chùa Khmer hấp dẫn du khách

Tại chùa Bôtum Vong Sa Som Rong, tọa lạc tại phường 5, TP. Sóc Trăng, mặc dù là ngày trung tuần nhưng trong khuôn viên chùa vẫn còn nhiều đoàn khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Qua tìm hiểu, hầu hết các du khách đến đây, mong muốn được chiêm bái tượng Phật niết bàn dài 73m; hay nhiều khách nữ muốn đến đây thuê trang phục dân tộc để được một lần hoá thân thành cô gái Khmer duyên dáng...

Một nữ du khách đến từ An Giang chia sẻ, An Giang cũng là nơi có đông đồng bào Khmer nhưng chị không tìm được chỗ thuê quần áo dân tộc đẹp như thế này.,

Chị Thạch Sari sửa soạn trang phục truyền thống cho khách tại tiệm đồ trong khuôn viên chùa Bôtum Vong Sa Som Rong
Chị Thạch Sari sửa soạn trang phục truyền thống cho khách tại tiệm đồ trong khuôn viên chùa Bôtum Vong Sa Som Rong

Chúng tôi vào tham quan tiệm cho thuê trang phục dân tộc Khmer của chị Thạch Sari tại chùa. Dù trời đã xế chiều nhưng du khách đến thuê đồ vẫn đang nhộn nhịp. Vừa trang điểm cho cặp vợ chồng để chụp ảnh cưới trong khuôn viên chùa, chị vừa kể, trước chị làm nghề may quần áo, nhà cách đây hơn 30km, trong một lần đi lễ phật tại chùa, tình cờ nghe chuyện một nhóm học sinh hỏi thăm thuê đồ dân tộc chụp ảnh. Chị đã nảy ra ý nghĩ mở tiệm may và cho thuê quần áo tại Chùa.

 Mấy hôm sau, chị đã vào chùa thưa cùng Sư cả (Trụ trì chùa) về tâm ý của mình, là muốn vào chùa để mở một tiệm cho thuê đồ dân tộc với giá bình dân. Với mong muốn có thêm chút thu nhập; đồng thời cũng là để giới thiệu trang phục truyền thống của dân tộc đến du khách gần xa. Khi nghe chị trình bày, Sư cả đồng ý cho chị mở một gian hàng gần 10m2 trong khuôn viên chùa và  không thu bất cứ khoản phí nào.

“Khi mới mở, tôi vừa may vừa cho thuê đồ, còn bây giờ tôi không có thời gian may nữa mà phải nhờ thêm anh, em trong gia đình giúp. Cả gia đình bây giờ cùng làm tại đây, vì muốn mặc, trang điểm và bới tóc theo phong cách cô gái Khmer thì mất từ 60 - 90 phút, mấy chị em chia nhau từng khâu để không mất thời gian của khách.”,  chị Sari phấn khởi chia sẻ.

Chị Sari cho biết thêm, quần áo và phụ kiện tương đối nhiều và đắt tiền, nên những bộ đồ mới cho thuê từ 300 - 500 ngàn đồng một lượt khách, còn các em học sinh dân tộc Khmer chúng tôi không lấy tiền chỉ cho mượn, thường các em bỏ tiền vào thùng công đức cho chùa vài ngàn.

Chị Thạch Sari đang trang điểm cho du khách thuê đồ tại tiệm trong khung viên chùa Bôtum Vong Sa Som Rong
Chị Thạch Sari trang điểm cho du khách thuê đồ tại tiệm

Ngoài gian hàng cho thuê đồ dân tộc của chị Thạch Sari, còn có các gian hàng của các hộ gia đình Khmer khác, phục vụ ẩm thực bằng những món ăn đặc trưng do tự tay đồng bào chế biến, như bún tiêu thịt vịt, bún nước lèo, các loại thức uống từ trái và đường thốt nốt.

Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: tỉnh Sóc Trăng cũng vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu đưa du lịch trở thành thành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, Đề án định hướng và khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, đồng bào Khmer có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận của thế giới và quốc gia như: nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm, múa rô băm, múa rom vong, nghệ thuật dù kê, lễ hội đua ghe ngo; hay những ngôi chùa Khmer với kiến trúc độc đáo, màu sắc rực rỡ... 

Tin cùng chuyên mục
Văn Lãng (Lạng Sơn): Học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương

Văn Lãng (Lạng Sơn): Học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương

Nhằm trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo, trong các ngày 29-30/11, Đoàn công tác của huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã đến học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.