Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xây dựng chính sách Phát triển vùng DTTS và miền núi: Lấy nghiên cứu khoa học và thực tiễn cuộc sống làm nền tảng

Sỹ Hào - 09:34, 25/10/2019

Một chính sách được ban hành chỉ thực sự hiệu quả khi bảo đảm được yếu tố khả thi trong thực hiện, có ý nghĩa thiết thực đối với đồng bào DTTS. Điều này đòi hỏi công tác nghiên cứu khoa học phải được đặt lên hàng đầu, khi xây dựng chính sách.

Thực hiện chính sách hỗ trợ muối ăn trực tiếp cho người dân xã Tân Lập, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh tư liệu)
Thực hiện chính sách hỗ trợ muối ăn trực tiếp cho người dân xã Tân Lập, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh tư liệu)

Thiếu khoa học,ít thiết thực

Chính sách phát triển khu vực miền núi ngày càng đa dạng, trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến mọi lĩnh vực đời sống của đồng bào DTTS. Chỉ tính trong 3 năm (2016 - 2018), Chính phủ đã ban hành 41 chính sách, nâng tổng số chính sách đang triển khai ở vùng DTTS và miền núi lên thành 118 chính sách.

Nhưng thực tế có không ít chính sách sau khi được ban hành gần như không có khả năng thực hiện, do chưa tính đủ nguồn lực thực hiện. Như Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” theo Quyết định 1672/QĐ-TTg; Đề án được thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2020, nhưng đến cuối năm 2013 mới có kinh phí thực hiện. Từ năm 2016, Đề án tạm dừng vì thiếu kinh phí.

Hiệu quả của một số chính sách không đạt còn do nội dung hỗ trợ không “trúng” nhu cầu người thụ hưởng. Như việc thực hiện Quyết định 1672/QĐ-TTg nêu trên, theo Đề án thì 3 địa phương thụ hưởng (Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang) tự lập dự án thành phần để hỗ trợ phù hợp với điều kiện của địa phương, từng dân tộc. Nhưng nhiều nội dung hỗ trợ của 3 địa phương cơ bản “rập khuôn” nhau.

Cụ thể, đồng bào dân tộc Cống (Điện Biên, Lai Châu) cũng được hỗ trợ đài radio như đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ (Lai Châu) và đồng bào dân tộc Cờ Lao (Hà Giang). Trong khi đó, theo điều tra thực trạng KT-XH của 53 DTTS, tại thời điểm 2015, đồng bào dân tộc Cống đã có 69% tổng số hộ có tivi; còn dân tộc Mảng chỉ có 36,9%, dân tộc La Hủ có 29,9%, dân tộc Cờ Lao có 47,1% tổng số hộ có tivi.

Nội dung hỗ trợ gạo cũng “cào bằng” (15kg/người/tháng) khi mà mức sống của các dân tộc đã có sự khác biệt. Theo thống kê, năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của người dân tộc Mảng đạt khoảng 9,4 triệu đồng/người/năm, dân tộc La Hủ đạt khoảng 8,6 triệu đồng/người/năm, còn dân tộc Cống đạt khoảng 14 triệu đồng/người/năm.

“Đảo” quy trình xây dựng chính sách

Những năm gần đây, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi đã được xây dựng, điều chỉnh sát hơn với thực tiễn đời sống. Quan điểm xây dựng chính sách đã chuyển từ “cho con cá” sang “trao cần câu”.

Nhưng xét cho cùng, “trao cần câu” hay “cho con cá” thì cũng là “cho”, tức là chỉ thuần túy hỗ trợ, mang tính ngắn hạn, thiếu chiến lược. Nguyên nhân là do việc xây dựng chính sách đang theo quy trình “từ trên xuống”.

Theo ông Lương Thanh Hải, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, mỗi địa phương đều có đặc thù riêng; nhưng chính sách hiện đang là chính sách chung, do đó khi thực hiện địa phương rất bị động, hiệu quả không cao. Ông Hải cho rằng, việc xây dựng chính sách phải được thực hiện từ dưới lên, có sự tham gia của người được thụ hưởng thì mới có giá trị thiết thực khi triển khai.

Việc “đảo” quy trình là hết sức cần thiết, bởi hiện nay, quan điểm tiếp cận trong xây dựng chính sách cho vùng DTTS và miền núi đã thay đổi. Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 được xây dựng trên cơ sở những luận cứ khoa học và thực tiễn, xác định quan điểm đầu tư phát triển chứ không phải hỗ trợ. Đã là đầu tư phát triển thì tính khả thi, kết quả của chính sách phải được đặt lên hàng đầu. 

Tin cùng chuyên mục