Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Việt Nam giúp nước bạn Lào đào tạo nguồn nhân lực

Ngọc Ánh-Thùy Giang - 18:05, 18/09/2023

Nhiều năm qua, hai Đảng và Nhà nước Việt Nam - Lào đã chủ trương mở rộng hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó coi hợp tác về giáo dục - đào tạo là lĩnh vực hợp tác chiến lược, biểu hiện tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt - Lào.

Chương trình văn nghệ chào mừng Đoàn công tác Lào đưa học sinh sang nhập học tại Sơn La
Chương trình văn nghệ chào mừng Đoàn công tác Lào đưa học sinh sang nhập học tại Sơn La.

Hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực cho nước bạn

Trên trang Face book cá nhân, cô giáo Trịnh Thị Lan đăng dòng trạng thái về niềm vui khi nhận được lá thư và món quà là mấy bộ sinh (trang phục) truyền thống của Lào do một lưu học sinh Lào gửi tặng từ Lào.

Đó là một lá thư được viết bằng tiếng Việt khá thuần thục, chân thành của em Đa Von Công - vốn là lưu học sinh Lào đã tốt nghiệp Trung cấp Y sĩ tại Lai Châu. Hiện em đang công tác tại Bệnh viện của U-đôm-xay (Bắc Lào).

Có thể nói những hành động đẹp như thế này của lưu học sinh Lào đối với thầy cô giáo, với bạn bè và Nhân dân Việt Nam là không hiếm. Đó là những tình cảm sâu đậm còn lại mãi sau khoảng thời gian các em sống và học tập tại Việt Nam.

Bắc Lào gồm 8 tỉnh là: U đôm xay, Xa Nhạ Bu Ly, Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bò Kẹo, Phông Sa Lỳ, Luông Nặm Thà, Luông Pha Bang. Các tỉnh Tây Bắc Việt Nam, mỗi tỉnh đều có chương trình hợp tác, đào tạo nhân lực cho chủ yếu các tỉnh Bắc Lào.

Lễ trao bằng tốt nghiệp cho lưu học sinh Lào của Trường Cao đẳng cộng đồng Lai Châu.
Lễ trao bằng tốt nghiệp cho lưu học sinh Lào của Trường Cao đẳng cộng đồng Lai Châu.

Đối với tỉnh Lai Châu, dù không có đường biên giới với Lào, nhưng Hiệp định Việt - Lào và các Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Lai Châu với một số tỉnh Bắc Lào được ký kết, quan tâm thực hiện, tạo sự gắn kết, thân tình đặc biệt. Từ năm 2014, Lai Châu thực hiện đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh U Đôm Xay và Phong Sa Lỳ với tổng số 90 em. Chuyên ngành theo học là Trung cấp Y sĩ và Cao đẳng Mầm non.

Hai tỉnh Lào Cai, Yên Bái cũng đang thực hiện các chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho nước bạn Lào. Trong 17 năm qua, đã có hơn 400 lưu học sinh Lào sau khi hoàn thành khoá học tiếng Việt tại Yên Bái đã tiếp tục học tập tại các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh hoặc đại học trên toàn quốc. Năm 2022, Yên Bái đã đào tạo cho 70 lưu học sinh của các tỉnh Xa Nhạ Bu Nhi, TP. Viêng Chăn thuộc các ngành Y sĩ, Điều dưỡng, Văn hoá nghệ thuật và du lịch… Tỉnh Lào Cai cũng đã hoàn thành khoá đào tạo cho các sinh viên của tỉnh Bò Kẹo theo học tại Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai từ năm 2018.

Một tỉnh khác của Tây Bắc Việt Nam là Hoà Bình hiện cũng đang đào tạo cho nhiều lưu học sinh đến từ tỉnh Hủa Phăn. Trong đó, ngành học được các em yêu thích là Công nghệ ôtô và Quản trị mạng máy tính của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình và một số ngành kinh tế kỹ thuật tại Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình.

Tổ chức Tết truyền thống Bunpimay cho lưu học sinh Lào tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Điện Biên.
Tổ chức Tết truyền thống Bunpimay cho lưu học sinh Lào tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Điện Biên.

Còn Điện Biên, nơi có cửa khẩu Tây Trang cũng là tỉnh nằm giáp với các tỉnh Bắc Lào nên được nhiều học sinh, sinh viên, cán bộ Lào lựa chọn làm nơi học tập. Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) tỉnh Điện Biên cho biết: Trong 20 năm qua (từ 2003-2023), Điện Biên đã tiếp nhận và đào tạo tiếng Việt cho 17 khóa lưu học sinh Lào với tổng số 1.558 lưu học sinh. Riêng trong năm học 2023, Trung tâm đang đào tạo tiếng Việt cho 52 lưu học sinh và cán bộ Lào.

Theo Đề án hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với 3 tỉnh Bắc Lào (Luông Pha Bang, U đôm xay, Phông Sa Lỳ) qua các giai đoạn, từ 2010 đến nay, Điện Biên đã đào tạo nhiều trình độ cho học sinh, sinh viên Lào như: Trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đào tạo lý luận chính trị ngắn hạn cho cán bộ. Lưu học sinh sau thời gian học tại TTGDTX tỉnh đảm bảo yêu cầu về năng lực tiếng Việt sẽ được chuyển qua học tại các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Tại khu vực Tây Bắc, Sơn La là tỉnh duy nhất có trường đại học và có đủ điều kiện để đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ nên nhiều lưu học sinh của Bắc Lào đã được gửi học tập tại Đại học Tây Bắc.

Chương trình Ngoại khoá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt cho LHS Lào tại Sơn La.
Chương trình ngoại khoá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Sơn La.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng Phòng Đào tạo - Thông tin (Đại học Tây Bắc) cho biết: Trong khoảng 11 năm (từ 2010- 2021), Trường Đại học Tây Bắc đã tuyển sinh được 853 lưu học sinh Lào. Riêng năm 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên trường không thực hiện tuyển sinh. Từ năm 2022, trường tuyển sinh thêm 47 lưu học sinh, học tại lớp dự bị Tiếng Việt. Tính đến cuối năm 2022, nhà trường đang có 38 lưu học sinh đang học thạc sĩ và 383 lưu học sinh học đại học; có 157 lưu học sinh đã tốt nghiệp trở về công tác tại Lào.

Cùng với Đại học Tây Bắc, 2 trường cao đẳng ở Sơn La là: Trường Cao đẳng Sơn La, Trường Cao đẳng Y tế Sơn La và Trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Sơn La cũng đã tích cực thực hiện, đạt nhiều hiệu quả trong công tác đào tạo lưu học sinh Lào.

Nhìn chung, Chỉ thị số 33/CT-CP ngày 05/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho nước CHDCND Lào đã được Đảng bộ và Nhân dân, nhiều cơ sở giáo dục ở 6 tỉnh Tây Bắc Việt Nam quan tâm thực hiện. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nước bạn Lào luôn được các địa phương xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đạt nhiều kết quả.

Quan tâm, hỗ trợ đắc lực cho lưu học sinh Lào

Trong quá trình đào tạo, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, các tỉnh và các trường luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các lưu học sinh Lào trong học tập và sinh hoạt.

Em Sy Sạ Vắt Thị Lay Khăm, lưu học sinh Lào tại Lai Châu chia sẻ: Thời gian đầu mới sang Việt Nam học, chúng em còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Do chưa thạo tiếng Việt nên chủ yếu giao tiếp với các bạn Lào. Nhưng chúng em đã được các thầy cô quan tâm, đào tạo tiếng Việt và kỹ năng sống, giữ gìn bản sắc và hóa dân tộc. Bên cạnh đó, chúng em còn được tham gia nhiều hoạt động của tỉnh, của trường như giao lưu văn nghệ, thể thao, các cuộc thi, lễ hội truyền thống, hoạt động dã ngoại, tham quan di tích, làm các món ăn Việt Nam... Vì vậy, chúng em nhanh chóng hoà nhập với môi trường mới, am hiểu về văn hoá, phong tục tập quán, con người Việt Nam.

Lưu học sinh Lào tại Chương trình giao lưu chào mừng Tết truyền thống Bunpimay cho lưu học sinh Lào tại Trường Cao đẳng cộng đồng Lai Châu.
Lưu học sinh Lào tại Chương trình giao lưu chào mừng Tết truyền thống Bunpimay cho lưu học sinh Lào tại Trường Cao đẳng cộng đồng Lai Châu.

Sy Sạ Vắt cùng các bạn sinh viên Lào cũng cho biết, trong thời gian học tập tại tỉnh Lai Châu, em đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Những ngày Quốc Khánh Lào, Tết cổ truyền Bunpimay… luôn được tỉnh và nhà trường tổ chức sôi nổi, giúp em và các bạn vơi bớt nỗi nhớ nhà và yên tâm học tập.

Em Su Ly Nhông Xay Nhạ Vông Do học chuyên ngành Y sĩ, là lớp trưởng nên nói tiếng Việt rất tốt. Em kể thêm về các trải nghiệm tại Việt Nam: “Chúng em rất thích ở Việt Nam, món ăn ngon, khí hậu mát mẻ hơn ở Phong Sa Lỳ quê em. Đặc biệt là môi trường học tập ở Việt Nam rất tiến bộ, các thầy cô, bạn bè người Việt Nam rất thân thiện, dễ mến”.


Lưu học sinh Lào ngành Mầm non chụp ảnh kỉ yếu trong trang phục truyền thống Việt Nam năm học 2022 tại Lai Châu.
Lưu học sinh Lào ngành Mầm non chụp ảnh kỉ yếu trong trang phục truyền thống Việt Nam năm học 2022 tại Lai Châu.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng phòng Đào tạo, Thông tin, Đại học Tây Bắc cho biết: Lưu học sinh khi học tập tại Đại học Tây Bắc, bên cạnh việc nhận được hỗ trợ đào tạo theo chính sách, còn được nhận học bổng hoặc của Hiệp định hoặc của tỉnh Sơn La, của trường Đại học Tây Bắc.

Những kết quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường tình đoàn kết hữu nghị “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững” của hai đất nước Việt Nam và Lào.