Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Về vùng đất có hơn 90% là hộ nghèo

Thanh Hải - 17:07, 20/11/2021

Mất hơn 2 giờ từ Trung tâm xã Tri Lễ để vào bản Huồi Mới bằng xe máy, có khi cuốc bộ, và cũng gần chừng ấy thời gian, chúng tôi mới vào đến Nậm Tột. Hai bản người Mông này ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) nằm tít tắp trên núi cao, sát với biên giới Việt- Lào, càng trở nên xa xôi, cách trở trên con đường độc đạo nền đất lởm chởm, quanh co, bên núi bên vực.

Những chuyến xe hàng vượt đường rừng gian khó đến với bản Huồi Mới
Những chuyến xe hàng vượt đường rừng gian khó đến với bản Huồi Mới

Đường vào Huồi Mới, Nậm Tột

Chiếc xe máy của chúng tôi khi trồi lên, lúc hụp xuống trên quãng đường đất lởm chởm, một bên núi, một bên vực, trên hành trình vào Huồi Mới, bản của người Mông ở xã Tri Lễ.

Con đường đất độc đạo nối liền Huồi Mới và trung tâm xã, chỉ có núi tiếp núi, rừng tiếp rừng mênh mông, hun hút. Có đoạn, gặp dốc cao, anh bạn đi cùng phải gài số 1, nhưng bánh xe cứ quay tít trên nền đất khét lẹt. Tôi đành xuống xe cuốc bộ. Nhưng chỉ đi chừng trăm mét, tôi đã hoa mắt, chân mỏi nhừ.

Trận mưa bão cách đây không lâu khiến con đường càng thêm gian khó. Đất sạt lở tứ tung, nước đọng thành vũng lớn kéo dài trên nền đường trơn trượt; có chỗ nước chảy ngang đường, bào mòn từng vệt dài. Chưa kể những con suối chắn ngang với cây đổ, đất bồi; những khúc cua tay áo ngoằn nghèo liên tiếp...

Đường vào Huồi Mới
Đường vào Huồi Mới

Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) Bùi Văn Hiền xuýt xoa: Mình dăm bữa, nửa tháng mới đi công tác một lần, còn bà con dân bản ngày nào cũng phải đi thì khốn khổ đến mức nào.

Sau quãng đường gian nan, hiện ra trước mắt chúng tôi dưới chân núi và rừng già là những nóc nhà lợp bằng ván gỗ của người dân bản Huồi Mới. Những ván gỗ pơ mu lâu ngày, trải qua nắng mưa đã thâm nâu, bạc thếch.

Trưởng bản Huồi Mới Và Bá Thái đón chúng tôi từ đầu dốc. Anh bảo: Hôm nay mình nghỉ không lên rẫy, ở nhà đón cán bộ thôi. Lâu lắm rồi bản mới có “người lạ” đến thăm. Trong câu chuyện ngay từ đầu bản, Và Bá Thái bộc bạch: Khó khăn nhất ở bản mình là đường giao thông. Nếu đi bộ thì mất 3 giờ từ trung tâm xã vào, gặp trời mưa thì đành chịu, phải ngồi ở nhà thôi vì đường trơn trượt, nguy hiểm. Ngoài quãng đường hàng chục km từ trung tâm xã vào, thì con suối sâu “án ngữ” ngay đầu bản đã bao lần khiến dân mình bị cô lập vì mưa lũ, do chưa có cầu cứng đấy.

Một góc bản Huồi Mới
Một góc bản Huồi Mới

Huồi Mới là bản vùng sâu của xã Tri Lễ, thuộc huyện Quế Phong. Cư dân miền biên viễn chủ yếu là đồng bào Mông. Trưởng bản Huồi Mới Và Bá Thái không giấu giếm: Bản hiện có 137 hộ, với 842 nhân khẩu. Đời sống bà con còn gặp rất nhiều khó khăn, khi kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp, sống dựa vào nương rẫy, chăn nuôi, trồng trọt; tỷ lệ hộ nghèo đến hơn 90%. Tuy nhiên, do đường giao thông khó khăn, cách trở, nên càng khiến Huồi Mới như biệt lập hơn.

Nhưng Huồi Mới chưa phải là bản khó khăn, vất vả nhất ở Tri Lễ. Nếu bản Nậm Tột tự nhận mình là số 2 về mức độ khó khăn của cung đường, thì chẳng có bản nào ở xã Tri Lễ dám nhận mình là số 1. Lối đi duy nhất vào bản là một con đường đất tự phát rộng khoảng 1m, vượt qua nhiều con dốc quanh co, vô cùng hiểm trở và lầy lội hơn so với quãng đường vào Huồi Mới.

Đường vào Nậm Tột
Đường vàobản Nậm Tột

Trưởng bản Nậm Tột là Lý Bá Tủa nói rằng, bản Nậm Tột có 47 hộ đồng bào dân tộc Mông, gần 300 nhân khẩu, sống phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp nhỏ lẻ. Anh Tủa cho biết: do sống phụ thuộc nương rẫy, nên cuộc sống bà con rất khó khăn. Đường giao thông cách trở đã kìm hãm rất lớn sự phát triển kinh tế nơi đây.

Nói về những vùng đất “sơn cùng thủy tận” này, ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ xác nhận: Cuộc sống bà con cơ bản là tự cung tự cấp. Tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Nếu như cả xã là khoảng 73%, thì hai xã Huồi Mới, Nậm Tột những 92 - 93%. Trong rất nhiều khó khăn, thì cách trở về địa bàn, đường sá đi lại chính là những khó khăn, trở ngại lớn nhất.

Cây cầu tạm trên con đường vào bản Nậm Tột
Cây cầu tạm trên con đường vào bản Nậm Tột

“Vùng khó” bao giờ hết khó

Trước khó khăn của đồng bào Mông tít tắp trên núi cao ở Tri Lễ, UBND tỉnh Nghệ An và UBND huyện Quế Phong, đã có những giải pháp hỗ trợ, quan tâm cho vùng đất giáp biên này, trong đó có giao thông.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, tháng 12/2019, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình hạng mục giao thông vào vùng dự án giai đoạn 3 (Km5+500 - Km9+140) thuộc Dự án “Di dân khẩn cấp vùng thiên tai và đặc biệt khó khăn biên giới xã Tri Lễ, huyện Quế Phong”.

 Dự án do UBND huyện Quế Phong làm chủ đầu tư, với tổng giá trị dự toán gần 45 tỷ đồng. Việc triển khai hạng mục này trong dự án, sẽ bảo đảm nhu cầu đi lại, giảm bớt khó khăn trong lưu thông cho các hộ dân vùng di dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng nơi vùng biên.

Nhưng, Dự án đang thi công thì gặp mưa lớn gây hư hỏng, sạt lở nghiêm trọng, khiến việc đi lại của người dân từ các bản Huồi Mới, Nậm Tột ra trung tâm xã Tri Lễ và ngược lại gặp rất nhiều khó khăn, đường đi vô cùng hiểm trở, với khối lượng đất đá rất lớn đang ngổn ngang... 

Ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Hạng mục đường giao thông (thuộc Dự án Di dân khẩn cấp vùng thiên tai và đặc biệt khó khăn biên giới xã Tri Lễ - PV) được triển khai được hơn 1 năm nay. Do địa hình phức tạp, một bên là núi, một bên là vực sâu, nên quá trình thi công có mưa bão thì lại xảy ra sạt lở.

Nằm về phía Tây Nam, cách trung tâm huyện Quế Phong hơn 30 km, đời sống người dân các bản làng vùng sâu, vùng xa ở Tri Lễ như Huồi Mới, Nậm Tột, Pả Khốm, Tam Hợp, Huồi Xái… còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Tri Lễ hiện có 10.233 nhân khẩu, 2.038 hộ dân với 4 dân tộc sinh sống là Thái, Kinh, Mông, Khơ Múk, nằm giáp ranh với bản Phà Đánh và Phăn Thoong của nước CHDCND Lào.

Đường giao thông đi lại khó khăn khiến cho đời sống người dân Nậm Tột thêm khó
Đường giao thông đi lại khó khăn khiến cho đời sống người dân Nậm Tột thêm khó

Để giúp người dân nơi đây thoát nghèo, các cấp, các ngành đã trăn trở tìm các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương. Tuy nhiên, muốn thay đổi suy nghĩ, tập quán, thói quen sản xuất của người dân không phải là ngày một, ngày hai, mà là một hành trình dài kiên trì tuyên truyền, vận động “cầm tay, chỉ việc” của cả hệ thống chính trị.

Các cây trồng chủ lực ở Tri Lễ ngoài chanh leo còn có lúa, cây măng đắng, cây đào... Cấp ủy, chính quyền xã Tri Lễ cũng đã tập trung chỉ đạo bà con phát triển chăn nuôi đại gia súc, duy trì nhiều mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi gắn với trồng rừng cho thu nhập ổn định. Hiện toàn xã có tổng đàn trâu 32.154 con; tổng đàn bò 4.134 con; ngựa 105 con và 100% hộ dân nuôi nhốt xa khu dân cư để bảo đảm môi trường.

Tri Lễ gần đấy mà xa đấy. Đường đến trung tâm xã và một số bản phía ngoài tương đối thuận tiện nên việc trao đổi hàng hóa và đi lại của người dân dễ dàng. Nhưng những bản xa, đường giao thông còn khó khăn đang là hạn chế rất lớn đến việc phát triển kinh tế, sinh hoạt của Nhân dân. Nói như lời Chủ tịch UBND xã Tri Lễ Vi Văn Cường, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn cao, thì mục tiêu bao giờ thoát nghèo, hết khó đang là thách thức không dễ dàng...

Tin cùng chuyên mục
Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum) đã phát huy vai trò của mình, chung tay, góp sức cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, Người có uy tín là một “kênh truyền thông” hữu hiệu Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) đến với Nhân dân.