Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tản mạn bên dòng sông Sê Pôn

Thanh Nguyễn - 16:35, 27/07/2021

Khi đặt chân đến bên bờ Sê Pôn tôi lại vấn vương câu hát “anh ở bên này Đông Trường Sơn, em ở bên này Tây Trường Sơn...”. Dòng sông ấy đã ôm trọn thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) rồi chảy ngược về phía mặt trời lặn, qua đất nước Triệu Voi; mang trong mình tình hữu nghị của hai dân tộc Việt- Lào.

Người dân các bản thuộc hai nước Việt-Lào ở đôi bờ sông Sê Pôn thường qua lại, thăm thân trên những còn thuyền - ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19
Người dân các bản thuộc hai nước Việt-Lào ở đôi bờ sông Sê Pôn thường qua lại, thăm thân trên những còn thuyền - ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19

Nơi dòng Sê Pôn chảy qua đất Việt…

Tôi men theo những bản làng bên bờ Sê Pôn của đất nước Việt Nam để cảm nhận rõ hơn “nửa dòng sông trôi”.

Nép mình bên dòng sông Sê Pôn, là nhà tù Lao Bảo tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Từ con đường mòn bên cạnh nhà tù, cắt ngang tuyến đường tuần tra  thênh thang, xuống một con dốc là đến bờ sông Sê Pôn. 

Đi qua nhà tù Lao Bảo là trung tâm bản Ka Túp. Từ đây, trên con đường tuần tra sát biên được rải bê tông rộng rãi, là mái nhà của đồng bào Pa cô, Bru-Vân Kiều. Còn sau lưng họ là dòng Sê Pôn lờ lững trôi ngược về phía mặt trời lặn, rồi nhập vào dòng Mê Kông vĩ đại ngay tại thị xã Pakse của Lào…

Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân là người gốc Nghệ, nhưng rành rẽ như dân bản địa thực thụ: Sông Sê Pôn chảy qua 8 xã, thị trấn vùng biên giới của huyện Hướng Hoá dài chừng 25 km. Mỗi xã, thị trấn ở bên này sông thuộc huyện Hướng Hoá, đối xứng với mỗi cụm bản bên kia sông thuộc hai huyện Sê Pôn, Mường Nòng, tỉnh Savannakhet, nước bạn Lào. Bên kia sông là dãy núi cao của Lào mà người Việt gọi bằng một cái tên rất đẹp - dãy Yên Mã Sơn, tiếng Lào là Samatẹt. 

Trưởng bản Ka Túp, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa Hồ Văn Thảo là người Bru - Vân Kiều, kể chuyện: Khúc sông này đẹp nhất vì có dãy Yên Mã Sơn soi bóng lung linh, có cồn cát ở giữa, có những bến sông mơ màng ngủ dưới sương sớm đợi những chuyến đò từ nước bạn. Tuổi thơ của những người con Hướng Hoá, đã tắm trên một dòng sông là ranh giới chung của hai nước, nhưng không có đứa trẻ nào biết con sóng bên kia của Lào, con sóng bên này của ta.

Chuối được thu hoạch bên kia bờ Sê Pôn- Ảnh chụp trước khi có dịch
Chuối được thu hoạch bên kia bờ Sê Pôn- Ảnh chụp trước khi có dịch

Dọc theo dòng sông về phía Việt Nam là các thôn người Kinh, Bru - Vân Kiều, Pa Cô lên khai hoang lập ấp sau ngày Quảng Trị giải phóng. Những dải đất dọc sông là địa điểm đắc địa, ai cũng muốn ở vì gần nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu, đất đai lại màu mỡ. 

Cao hơn tí là những triền đồi ven sông Sê Pôn được bà con gieo trỉa lúa khô. Đây là thứ lúa nếp rất dẻo dùng để nấu xôi. Người Lào cũng như các dân tộc Việt Nam đều rất trân trọng hạt lúa, họ cũng quan niệm hạt lúa là hạt ngọc, là thứ thiêng liêng nhất của con người.

Triền sông Sê Pôn còn rợp màu xanh của những khóm chuối lúc lỉu. Thứ chuối mít móc thơm và ngọt nức tiếng của Quảng Trị, được đồng bào DTTS trồng sát mé sông.

Chúng tôi cũng đã gặp sát sông Sê Pôn là những rẫy sắn. Nhà máy Tinh bột sắn của công ty thương mại Quảng Trị thực sự đã là “cứu cánh” cho các dân tộc Việt-Lào sống sát bờ sông này. Từ khi có nhà máy thì các bản của người Lào cũng như các xã ven sông của đất Việt giàu lên không ngừng.

Dòng sông thắm tình hữu nghị

Bà con dân tộc Bru-Vân Kiều, Pa Cô ví dòng sông Sê Pôn là một dải lụa trời. Những đêm trăng, Sê Pôn càng trở nên thơ mộng. Chàng trai Bru Vân Kiều có giọng hát làm xiêu lòng cô gái Lào bên kia sông: “Cái siêng năng em hãy gác lại/ Cái lười biếng em hãy cất đi/ Ta cùng thức theo vầng trăng sáng đêm nay/Ta cùng vui theo năm tháng tròn đầy”. 

Đứng bờ bên kia, cô gái Lào sung sướng giơ tay vẫy rồi cất lời tình tứ: “Anh bắt được con nai/ Em muốn anh là con rể của mẹ./Anh săn được con gấu/ Em muốn anh là con rể của cha". Cứ thế, trăng Sê Pôn càng diễm lệ, bồng bềnh trong lời ca của đôi lứa hát giao duyên.

Lãnh đạo xã Thanh trao quà cho nhân dân bản Đen Vi Lay, huyện Sê Pôn, (Lào) - Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19
Lãnh đạo xã Thanh trao quà cho nhân dân bản Đen Vi Lay, huyện Sê Pôn, (Lào) - Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19

Ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, cho biết: Nhiều đôi bạn trẻ hai bên có cảm tình với nhau qua tiếng kèn lời ca. Mỗi người đứng một bên bờ sông Sê Pôn đối diện và ra dấu hiệu chuyện trò. Không ít cô gái Lào đã thuộc những câu hát “sim” (giao duyên) của người Bru- Vân Kiều. Có nhiều đôi bạn trẻ của hai nước đã thành vợ thành chồng. Một dòng sông của tình yêu đôi lứa là thế.

Sê Pôn còn là dòng sông hữu nghị, thắm máu của hai dân tộc trong cuộc chiến đấu chống giặc Mỹ. Những trận chiến Khe Sanh, Nam Lào…, đã là minh chứng rõ nhất cho điều ấy. Dân tộc Lào, đã cùng Nhân dân Hướng Hoá gùi đạn pháo xe tăng tập kết ở xã Thuận, rồi vượt sông Sê Pôn bằng những tấm bè để đánh Làng Vây - cứ điểm quan trọng án ngữ phía tây Khe Sanh. 

Hình ảnh những chiếc xe tăng, cùng bộ binh quân giải phóng ở vùng lam sơn chướng khí này, đã khiến tướng lĩnh Mỹ và quân đội Sài Gòn kinh ngạc. Cũng phải, bởi lịch sử chiến tranh thế giới chắc chẳng nơi đâu mà đạn pháo, xe tăng lại được gùi cõng bằng những đôi chân trần của người dân, được đóng bè tre nứa vận chuyển để đảm bảo bí mật bất ngờ như ở Việt Nam.

Bộ đội Biên phòng đóng trên địa bàn Xã Thuận (Hướng Hóa) trò chuyện cùng bà con Bru -Vân Kiều
Bộ đội Biên phòng đóng trên địa bàn Xã Thuận (Hướng Hóa) trò chuyện cùng bà con Bru -Vân Kiều

Năm 1977, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt - Lào được ký kết, chia đôi bờ Sê Pôn sang hai quốc gia. Khi ấy, người dân Bru - Vân Kiều, Pa Cô hai bên sông mới thực sự hiểu khái niệm đường biên ngay trên con sông mà hàng ngày họ vẫn qua lại thăm thân, làm ăn, giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ khắc phục thiên tai... 

Con sông Sê Pôn mà cả hai bờ uống chung dòng nước đã là lãnh thổ của hai quốc gia nhưng với bà con Việt-Lào hai bên thì nó không bao giờ có khoảng cách. Sông kết nối 23 bản làng sống bên dãy Trường Sơn với những bản làng bên nước bạn Lào. Hàng chục năm qua, những bản ở hai bên bờ sông đối diện đều kết nghĩa anh em. Từ giữa dòng Sê Pôn, những bản làng Việt-Lào bình yên hai bên sông với khói bếp bay lên đầm ấm; lẫn trong tiếng chày giã gạo cứ nhịp nhàng, khoan thai…

Tin cùng chuyên mục
Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum) đã phát huy vai trò của mình, chung tay, góp sức cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, Người có uy tín là một “kênh truyền thông” hữu hiệu Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) đến với Nhân dân.