Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Về nơi hoa nở trên tay

Hồng Phúc - Văn Sơn - 8 giờ trước

Những ngày cuối tháng 7, dưới cái nắng cháy giòn, chúng tôi từ Bến Giằng ngược lên xã biên giới Đắc Pring (TP. Đà Nẵng). Chiều buông xuống, không gian núi rừng như lắng lại trong tiếng lách cách của khung dệt. Ở góc làng nhỏ, những người phụ nữ Ve vẫn bền bỉ ngồi bên khung cửi, dệt nên những tấm thổ cẩm như cách gìn giữ linh hồn của cộng đồng mình giữa đại ngàn Trường Sơn.

Những người phụ nữ Ve bên khung dệt. Ảnh: Văn Sơn
Những người phụ nữ Ve bên khung dệt. Ảnh: Văn Sơn

Cộng đồng người Ve (nhóm địa phương thuộc dân tộc Gié Triêng) đến nay còn bảo lưu, sở hữu nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó các hoa văn thổ cẩm với những ý nghĩa độc đáo. Màu đen tượng trưng cho đất rừng trù phú, màu vàng thể hiện khát vọng và tình yêu, màu đỏ là màu của mặt trời, màu của sự sống, màu chàm thể hiện cây cỏ, cây cối xanh tốt, và màu trắng là màu tinh khôi như chính tấm lòng người Ve. Tùy vào tài năng và sự khéo léo mà người phụ nữ Ve có cách phối màu riêng, tạo những đường nét độc đáo trên những tấm thổ cẩm. Mỗi họa tiết là một câu chuyện kể về núi rừng, tổ tiên, làng bản… Trên nền đen, chàm, những đường hoa văn trắng, vàng, đỏ như kể lại ký ức của cả một cộng đồng.

Bà Kring Thị Viết (65 tuổi, thôn 49a) kể rằng, ngày xưa người Ve dùng vỏ cây rừng để dệt. Sau này, họ biết trồng bông trên nương, tự cán, đánh tơi, kéo sợi rồi nhuộm màu từ các nguyên liệu tự nhiên: cây nao jun cho màu đen, lá chàm tạo màu chàm, củ nghệ cho màu vàng, cây tà vạt tạo sắc đỏ… Mỗi màu sắc đều mang biểu tượng riêng: đen là đất rừng, đỏ là sự sống, vàng là khát vọng, trắng là sự tinh khôi, còn chàm là cây cỏ tốt tươi.

Bà Kring Thị Viết (65 tuổi) dân tộc Ve, ở thôn 49a, xã Đắc Pring, thành phố Đà Nẵng đang truyền nghề về cách tạo hoa văn trên nền tấm thổ cẩm. Ảnh: Văn Sơn
Bà Kring Thị Viết (65 tuổi) dân tộc Ve, ở thôn 49a, xã Đắc Pring, thành phố Đà Nẵng đang truyền nghề về cách tạo hoa văn trên nền tấm thổ cẩm. Ảnh: Văn Sơn

Khi sợi đã khô, phụ nữ Ve dàn lên khung (toar pai) để dệt. Mỗi tấm thổ cẩm dài 2,5 – 3m, rộng khoảng 2m, mất đến 2–3 tháng dệt, nhưng chỉ bán được khoảng 4 triệu đồng. Chi phí nguyên liệu chiếm hơn 2/3, nên công thợ rất ít ỏi. Dẫu vậy, như chị Hiên Thị Bưng (36 tuổi, thôn 48) chia sẻ, họ vẫn miệt mài bên khung cửi, vì "yêu và thương cái nghề của dân tộc mình".

Chị Kring Thị Mười (34 tuổi, thôn 49a) cũng nối nghiệp mẹ, thành thạo nhuộm màu, tạo hoa văn. Dù không giàu có, nhưng sự say mê khiến họ gắn bó với thổ cẩm như một phần máu thịt. Tại các lễ hội, sự kiện văn hóa ở địa phương, những nghệ nhân dệt như bà Viết, chị Bưng… luôn là những người đại diện, trình diễn và truyền lửa nghề cho lớp trẻ. Đó không chỉ là giao lưu văn hoá, mà còn là trách nhiệm giữ hồn dân tộc trên từng sợi chỉ, nét hoa văn.

 Trang phục thổ cẩm truyền thống của thanh niên nam nữ người Ve. Ảnh: Văn Sơn
Trang phục thổ cẩm truyền thống của thanh niên nam nữ người Ve. Ảnh: Văn Sơn

Trao đổi với chúng tôi, ông Hốih Ưu, Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Pring, thành phố Đà Nẵng cho biết: Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, thổ cẩm truyền thống của người Ve cũng đã có những thay đổi để thích nghi, phù hợp hơn với thị hiếu và vẫn giữ được những đặc trưng vốn có. Chính vì vậy, hiện nay dù trong sinh hoạt đời thường, người Ve ăn mặc đơn giản, nhưng trong các dịp lễ hội quan trọng, họ vẫn mặc những bộ trang phục cổ truyền dân tộc của mình.

Ông cho rằng, đây là dấu hiệu đáng mừng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ve trên vùng Trường Sơn. Địa phương đã và đang có nhiều sự hỗ trợ, khuyến khích phát triển, động viên bà con thêm yêu quý và gìn giữ vốn văn hóa của dân tộc mình để nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ve ngày càng có nhiều khởi sắc, mang lại giá trị kinh tế cũng như tạo động lực bảo tồn văn hoá truyền thống trên địa bàn xã vùng biên Đắc Pring. 

Trong các dịp lễ hội quan trọng, người Ve vẫn mặc những bộ trang phục truyền thống của dân tộc của mình. Ảnh: Văn Sơn
Trong các dịp lễ hội quan trọng, người Ve vẫn mặc những bộ trang phục truyền thống của dân tộc của mình. Ảnh: Văn Sơn

Sau những tiếng lách cách thân thuộc, những bông hoa thổ cẩm nở rực rỡ trên những đôi tay của phụ nữ Ve. Đôi bàn tay rám nắng, thô ráp vì nương rẫy lại trở nên dịu dàng đến lạ khi chạm vào khung cửi – nơi họ dệt nên sắc màu, họa tiết và cả những câu chuyện tuơi đẹp về cộng đồng dân tộc mình. Mỗi tấm thổ cẩm là kết tinh những chất liệu đẹp đẽ trong đời sống: có mùa lúa rẫy, có nắng nỏ, mưa dầm, có ánh lửa bập bùng và cả hình ảnh những người Ve kiêu hãnh, vững trãi giữa đại ngàn. Những người phụ nữ Ve không chỉ dệt thổ cẩm, họ dệt ký ức, dệt tình yêu, dệt hồn núi rừng vào từng đường nét. Tình yêu của họ với nghề truyền thống thật giản đơn: giữ được tấm vải là giữ được bản sắc dân tộc mình.

Và vì thế, dù giữa thời đại của hàng hóa công nghiệp, nơi tưởng chừng những giá trị xưa cũ dễ bị lãng quên, những người mẹ, người chị ở Đắc Pring vẫn kiên trì ngồi bên khung cửi – như cách họ gìn giữ một bông hoa rực rỡ trong tay mình.

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Ổn định dân cư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Kon Tum: Ổn định dân cư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Những ngôi nhà mới khang trang đang dần hình thành tại các điểm dân cư được đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu. Mơ ước có căn nhà ở ổn định của các hộ đồng bào DTTS nghèo tại tỉnh Kon Tum đã trở thành hiện thực. Kết quả đó thể hiện sự quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Kon Tum trong việc triển khai thực hiện Dự án 1 và Dự án 2, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).