Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thông điệp từ món quà 4 năm mới hoàn thành của nhà gái người Ve tặng nhà trai trong lễ cưới

Hồng Phúc - Văn Sơn - 14:42, 22/07/2025

Tại thành phố Đà Nẵng, người Ve – một nhóm thuộc dân tộc Giẻ Triêng vẫn lưu giữ một tập tục cưới hỏi đặc sắc: nhà gái tặng tấm dồ đôi cho nhà trai trong lễ cưới. Tấm dồ đôi do chính tay cô gái dệt phải mất từ 3-4 năm trước khi bước vào hôn nhân mới hoàn thành, do vậy tấm dồ đôi không chỉ mang thông điệp về sự khéo léo mà còn là tấm lòng thủy chung, nhân văn của người phụ nữ Ve.

Để hoàn thành một tấm dồ đôi có thể mất từ 3 đến 4 năm – là cả một quá trình kỳ công đòi hỏi sự nhẫn nại, khéo léo và tình cảm sâu sắc của người phụ nữ Ve. Ảnh: Văn Sơn
Để hoàn thành một tấm dồ đôi có thể mất từ 3 đến 4 năm – là cả một quá trình kỳ công đòi hỏi sự nhẫn nại, khéo léo và tình cảm sâu sắc của người phụ nữ Ve. Ảnh: Văn Sơn

Tại xã Đắc Pring, nơi tập trung đông người Ve sinh sống, nhiều phong tục truyền thống vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Người Ve sống bằng nghề làm rẫy, săn bắt, đánh cá. Họ theo chế độ song hệ: con trai theo họ cha, con gái theo họ mẹ. Họ có quan niệm rất văn minh rằng con cái, bất kể giới tính nào đều quý giá.

Trước khi lập gia đình, chàng trai người Ve phải cà răng và không còn ngủ ở nhà làng – đánh dấu bước trưởng thành. Còn người con gái, trước khi lấy chồng sẽ xỏ tai, đeo trang sức. Đó là những nghi thức tiền hôn nhân mang tính biểu trưng của cộng đồng người Ve ở miền núi Đà Nẵng.

Trong chuyện tình cảm, người Ve bày tỏ tình yêu bằng nghệ thuật dân gian: chàng trai dùng tiếng khèn, còn cô gái đáp lại bằng lời ca: 

“Em bổ cây giẻ liên này/ Em bổ cho chàng A Moó/ Em bổ cây giẻ lo này/ Em bổ cho chàng Ơ Mẩu”

Nhưng trong tiếng hát của thiếu nữ Ve đôi khi cũng chan chứa nỗi niềm: 

“Chảy nước mắt em nhiều lắm ơi anh ơi / Anh đã về bên kia con suối Tuk / Chảy nước mắt em nhiều lắm ơi anh ơi / Anh đã về bên kia con sông Pring / Anh ơi anh, em nhớ anh không lúc nào nguôi”.

Nhà gái với chiếc nia và tấm dồ đôi tặng nhà trai.
Nhà gái với chiếc nia và tấm dồ đôi tặng nhà trai.

Khi cả hai thuận ý, nhà trai sẽ nhờ mai mối đến thưa chuyện. Sau đó, hai gia đình tổ chức lễ "Ka để trăng" để chính thức bàn chuyện cưới hỏi. Kể từ đó, đôi trẻ sẽ thay phiên sang ăn cơm nhà nhau mỗi ngày trong vòng vài tháng đến một năm, trước khi tổ chức lễ cưới chính thức- gọi là lễ Bế chia.

Trong lễ cưới người Ve, lễ vật quan trọng nhất là tấm dồ đôi (rơ moong) do nhà gái mang sang. Tấm dồ đôi là một sản phẩm thổ cẩm dày, đẹp, kích thước khoảng 3 mét dài, 2 mét rộng, được ghép từ hai mảnh vải do chính cô gái dệt thủ công. Việc hoàn thành một tấm dồ đôi có thể mất từ 3 đến 4 năm – là cả một quá trình kỳ công đòi hỏi sự nhẫn nại, khéo léo và tình cảm sâu sắc.

Người mẹ của chú rể, tự tay cầm tấm dồ đôi khoác lên vai cô con dâu với ước nguyện cho đôi vợ chồng trẻ trăm năm hạnh phúc.
Người mẹ của chú rể, tự tay cầm tấm dồ đôi khoác lên vai cô con dâu với ước nguyện cho đôi vợ chồng trẻ trăm năm hạnh phúc.

Bà Pơ Loong Thị Liêm (64 tuổi, xã Đắc Pring) chia sẻ: "Thổ cẩm của phụ nữ Ve được làm bằng nguyên liệu tự nhiên từ cây, cỏ, lá, hoa của rừng núi, màu nhuộm từ lá cây, nghệ, bồ kết, tro bếp… Đến nay, chúng tôi còn lưu giữ truyền thống trên từng tấm vải thổ cẩm với các dải hoa văn trang trí kết hợp giữa màu đỏ và màu trắng, giữa màu chàm với màu vàng. Mỗi hoa văn trên vải đều kể lại câu chuyện về thần núi, thần suối, tổ tiên... ".

Già làng Pơ Loong Tý (78 tuổi) kể chuyện, theo truyền thống, tấm dồ đôi không chỉ để người Ve dùng đắp ấm chống lại cái rét của những cơn mưa rừng đằng đẵng mà còn được xem là món quà sính lễ trao tặng trong đám cưới. Với người Ve, đám cưới không có tấm dồ đôi thì không gọi là đám cưới. Nhà trai mang chiếc gùi thể hiện tài đan lát của chàng rể, còn nhà gái tặng tấm dồ đôi do chính cô dâu dệt, thể hiện tấm lòng son sắt, thuỷ chung. Tấm dồ đôi sau đó được mẹ chú rể khoác lên vai cô dâu như lời chúc phúc cho hôn nhân hạnh phúc bền lâu.

Hai mảnh thổ cẩm tượng trưng cho hai cuộc đời, giờ khép lại thành một mái ấm.
Hai mảnh thổ cẩm tượng trưng cho hai cuộc đời, giờ khép lại thành một mái ấm.

Số lượng tấm dồ đôi nhà gái chuẩn bị phụ thuộc vào khả năng và sự cần mẫn của cô gái. Tuy nhiên, dù chỉ một tấm, nó cũng mang đầy đủ ý nghĩa biểu trưng: hai mảnh vải tượng trưng cho hai cuộc đời, giờ khép lại thành một mái ấm. Họ sẽ cùng chung sống, sinh con đẻ cái, và được hai họ chúc phúc.

Ngày nay, dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhiều gia đình người Ve vẫn duy trì nét đẹp này như một phần hồn cốt văn hóa. Tấm dồ đôi không chỉ là hồi môn, mà là sự kết tinh của công sức, đạo lý, tinh thần nhân văn, điều khiến đám cưới người Ve trở nên đặc biệt, giàu bản sắc và đáng trân quý giữa đại ngàn Trường Sơn.

Khi hội nhập văn hoá diễn ra ngày càng mạnh mẽ ở miền núi Đà Nẵng, tấm dồ đôi của người Ve không chỉ là minh chứng của tình yêu đôi lứa, mà còn là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại. Trong không gian đậm chất núi rừng ấy, từng sợi chỉ, từng họa tiết trên tấm dồ đôi như tiếp tục kể câu chuyện của bản làng – bản tình ca bền bỉ giữa đại ngàn.

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Ổn định dân cư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Kon Tum: Ổn định dân cư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Những ngôi nhà mới khang trang đang dần hình thành tại các điểm dân cư được đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu. Mơ ước có căn nhà ở ổn định của các hộ đồng bào DTTS nghèo tại tỉnh Kon Tum đã trở thành hiện thực. Kết quả đó thể hiện sự quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Kon Tum trong việc triển khai thực hiện Dự án 1 và Dự án 2, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).