Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Về làng cổ Phước Tích

Phạm Tiến - 08:25, 02/05/2023

Nếu nghề gốm truyền thống đã đem lại sự giàu có và danh tiếng cho người dân làng cổ Phước Tích, thì chính cảnh sắc ở Phước tích với dòng Ô Lâu trong xanh và những ngôi nhà rường cổ lại đem đến cho Phước tích có một sức hút lạ kỳ.

 Nghề gốm ở Phước Tích chuyển hướng trở thành trải nghiệm thú vị cho khách tham quan.
Nghề gốm ở Phước Tích chuyển hướng trở thành trải nghiệm thú vị cho khách tham quan.

Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) được hình thành từ thế kỷ 15, gần sát với thời điểm Nhà nước phong kiến Đại Việt mở mang bờ cõi về phương Nam.

Thời gian đầu ngôi làng này có tên là Phúc Giang, với Giang ý chỉ một vùng sông nước, Phúc trong phúc lộc, phúc đức. Dưới thời Tây Sơn, tên ngôi làng được đổi thành Hoàng Giang, để tưởng nhớ công ơn khai phá, xây dựng làng của dòng họ Hoàng. Tới thời vua Gia Long, một lần nữa ngôi làng này được đổi tên thành Phước Tích, với mong muốn người dân trong làng sẽ tích được nhiều phúc đức để lại cho đời sau. Đúng như ý nghĩa tên gọi của ngôi làng, các thế hệ người dân ở đây đều tiếp nối truyền thống của cha ông để lại. Từ đời này sang đời khác, họ vẫn hăng say lao động, miệt mài sáng tạo để làm nên những giá trị to lớn cho làng quê. Những kiến trúc cổ độc đáo, những nét văn hóa dòng họ, làng xóm, làng nghề đã tạo nên một nét đẹp văn hóa làng quê đậm nét của miền Trung.

Dòng Ô Lâu trong xanh ôm lấy Phước Tích. (Ảnh tư liệu)
Dòng Ô Lâu trong xanh ôm lấy Phước Tích. (Ảnh tư liệu)

Trải qua hơn 500 năm cùng với bao thăng trầm, Phước Tích vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị truyền thống của làng quê Việt. Ở Phước Tích hiện có 117 ngôi nhà, trong đó có 30 nhà rường cổ với tuổi đời 100 - 200 năm. Các nhà rường đều được chạm trổ tinh xảo ở những chi tiết như tường và xà nhà. Hầu hết những ngôi nhà ở làng Phước Tích đều là nhà rường 3 gian 2 chái, với kiến trúc nhà vườn đặc trưng của người Huế. Hệ thống đường, cây xanh nối liền với nhau một cách tự nhiên và sinh động làm nên một vùng sinh thái độc đáo.

Mang trong mình nét và lưu giữ nét đặc trưng làng quê Việt, Phước Tích đang là điểm đến hấp dẫn kỳ lạ. Đất và người Phước Tích bình dị, hiền hòa mà cất giữ bao ân tình. Một vòng quanh Phước Tích để càng trân trọng hơn những trầm tích văn hóa kết tinh bao thời đại làm nên linh hồn quê hương, dân tộc.

Có dịp về thăm làng cổ trong những ngày đầu Hè, nét rêu phong cổ kính như dẫn tôi về giữa bao ân tình của làng quê Việt đặc trưng. Bến nước, gốc đa và cả những ngôi nhà rường cổ cứ cuốn tôi trải nghiệm từ Miếu Cây Thị đến bến sông cuối làng.

Khách du lịch trải nghiệm đi xe đạp quanh làng cổ Phước Tích.
Khách du lịch trải nghiệm đi xe đạp quanh làng cổ Phước Tích.

Dòng Ô Lâu trong xanh ôm trọn lấy rồi tô vẽ thêm cho Phước Tích đẹp như một bức tranh. Đầu làng là Miếu Đôi linh thiêng đã tồn tại hơn 700 năm. Gọi là Miếu Đôi vì có 2 ngôi miếu giống hệt nhau được xây dựng làm nơi thờ tự hai ông tổ nghề gốm của làng. Miếu bên phải thờ Khai Canh, bên trái thờ Đào Nghệ (Bổn Nghệ). 

Cột mốc trên 700 năm ở Miếu Đôi cũng là chừng ấy năm nghề gốm có mặt ở làng Phước Tích. Và cũng chính nghề gốm đã đem lại sự giàu có cho cư dân trong làng. Thời vàng kim, gốm làng Phước Tích được đem đi buôn bán khắp các tỉnh miền Trung. Bờ sông Ô Lâu có đến 12 bến nước tấp nập đưa gốm lên thuyền đi muôn nơi. Thời ấy, Phước Tích có hơn 10 lò gốm đỏ lửa suốt ngày đêm đem lại sự giàu có và tiếng tăm qua bao thế hệ. Gốm ở Phước Tích được nặn bằng tay, nấu thủ công và không tráng men nên không cái nào giống cái nào. Sản phẩm gốm thủ công ở Phước Tích còn được dùng đồ dâng lên vua chúa nhà Nguyễn. 

Ngày nay, gốm ở Phước Tích không còn tấp nập ở bến Ô Lâu để ngược xuôi muôn nơi. Gốm Phước Tích đã chuyển sang một hướng rẽ mới, hướng để du khách trải nghiệm tham quan. Nghề tổ truyền của làng, thời nào gốm cũng góp phần làm cho Phước Tích hưng thịnh.   

Vào làng là đoạn đường rợp bóng cây xanh dẫn lối đi qua những ngôi nhà vườn truyền thống được sắp xếp theo dạng ba xóm gắn kết với nhau. Điều thú vị là những ngôi nhà rường trong làng dường như được quy hoạch từ trước. Các căn nhà đều có một khu vườn rộng và cách nhau bởi những hàng chè xanh thẳng tắp.

Kiến trúc nhà rường cổ làm cho Phước Tích có sức hút lạ kỳ.
Kiến trúc nhà rường cổ làm cho Phước Tích có sức hút lạ kỳ.

Một điều đặc biệt có lẽ không ở một làng quê nào có đó là Phước Tích có tới 12 ngôi nhà rường được xếp hạng có giá trị đặc biệt.

Trải qua hơn 500 năm với bao thăng trầm, Phước Tích không những không hư hao, ngược lại còn mỗi ngày một đẹp. Nét rêu phong của thời gian như làm cho các công trình kiến trúc ở Phước Tích thêm sức hấp dẫn. Cùng với Đường Lâm (Hà Nội), Làng cổ Phước Tích đã trở thành 2 ngôi làng ở Việt Nam được công nhận là Di tích quốc gia.