Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ưu tiên tập trung nguồn lực thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Hoàng Quý - 12:18, 02/06/2022

Sáng 2/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Báo Dân tộc và Phát triển lược ghi ý kiến của một số đại biểu trong phiên thảo luận buổi sáng ngày 2/6.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp

Đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La): Ưu tiên tập trung nguồn lực thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, có 5 chỉ tiêu KT-XH quan trọng không đạt mục tiêu đề ra, trong đó có chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Điều này đặt yêu cầu quan tâm toàn diện hơn đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La
Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La

Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải quyết liệt ưu tiên tập trung các nguồn lực, ban hành kịp thời các quy định, hướng dẫn để triển khai thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) mà Quốc hội đã thông qua. Đó là Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Đây là các chương trình mà đồng bào, cử tri và Nhân dân cả nước đang rất kỳ vọng. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực triển khai 3 chương trình, nhưng việc phân bổ nguồn vốn để thực hiện còn chậm.

Đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An): Đề xuất nhân rộng mô hình thư viện sách giáo khoa

Lấy ví dụ thực tiễn tại địa phương, đại biểu Thái Văn Thành cho biết, ngành Giáo dục tại địa phương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng mô hình thư viện sách giáo khoa trên phương thức nhà nước và Nhân dân cùng làm, tỉnh sẽ dành một phần kinh phí để trang bị sách giáo khoa cho nhà trường.

Đại biểu Thái Văn Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
Đại biểu Thái Văn Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Cùng với đó, kêu gọi, huy động doanh nghiệp, các nhà xuất bản sách giáo khoa cho nhà trường, kêu gọi học sinh khóa trước học xong tặng lại sách để xây dựng thư viện sách giáo khoa. Việc làm này giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào DTTS, miền núi có sách để học và sách dùng nhiều lần sẽ tránh được lãng phí.

Qua đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân rộng mô hình này trong các địa phương trên cả nước để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng đồng bào DTTS, miền núi có sách để học.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐHQH tỉnh Bạc Liêu
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐHQH tỉnh Bạc Liêu

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu): Khiếu nại, tố cáo về đất đai còn nhiều và phức tạp

Liên quan đến lĩnh vực thực hiện chính sách đối với đồng bào DTTS, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã có Văn bản số 7957/VPCP-QHĐP về việc tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chế độ, chính sách tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu sửa đổi 12 nhóm chính sách đối với đồng bào DTTS và miền núi, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đề nghị Chính phủ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo để những chế độ chính sách này sớm được triển khai trong thực tế.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn): Cần có sự đổi mới về tư duy phát triển liên kết vùng, về phân bổ nguồn lực giải quyết các vấn đề quan trọng

Về tình hình phát triển KT-XH, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ vẫn là vùng còn nhiều khó khăn, khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người trong nội vùng với bình quân cả nước tiếp tục gia tăng, quy mô kinh tế còn khá nhỏ, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng chưa cao, các địa phương trong vùng đều chưa cân đối ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào DTTS.

Từ đó, cần phải có sự đổi mới về tư duy phát triển liên kết vùng, về phân bổ nguồn lực giải quyết các vấn đề quan trọng, trọng điểm là sự hoàn thiện về thể chế, chính sách, một nội dung quan trọng trong khơi thông nguồn lực cho phát triển vùng. Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần nhanh chóng cụ thể hóa các chủ trương, định hướng và nghị quyết bằng chương trình, bằng kế hoạch có tính đến ưu tiên đặc thù và có hiệu lực ngay để phát triển kinh tế nhanh và bền vững của vùng.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng
Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng): Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hiện đại hóa mạng lưới hạ tầng giao thông liên vùng

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi với nhiều kết quả to lớn, toàn diện: Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, hạ tầng cơ sở, đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế được đầu tư khá đồng bộ, các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa... ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố và vững chắc.

Đối với Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đây là Chương trình được cử tri đồng bào DTTS và miền núi đặc biệt quan tâm, kỳ vọng sẽ đem đến sự chuyển biến sâu sắc về KT-XH, tạo sức bật để đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đề nghị Quốc hội và Chính phủ sớm triển khai Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS. Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển KT-XH của các địa phương trong vùng. Nút thắt lớn nhất đối với sự phát triển của vùng là sự yếu và thiếu của hệ thống giao thông kết nối liên vùng. Do vậy, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện và hiện đại hóa mạng lưới hạ tầng giao thông liên vùng.