Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ưu tiên chăm lo đời sống và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người lao động

Vân Khánh - 14:30, 01/06/2022

Hưởng ứng Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2022, ngày 31/5, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm “Vai trò công tác ATVSLĐ trong việc thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn sau đại dịch Covid-19”. Tọa đàm do Viện Khoa học ATVSLĐ (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức.

 Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam; bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam; ông Nguyễn Anh Thơ, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ đồng chủ trì buổi Tọa đàm.
Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam (giữa); bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam và ông Nguyễn Anh Thơ, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ đồng chủ trì buổi Tọa đàm.

Rà soát chính sách, pháp luật hiện hành về ATVSLĐ

Tại Tọa đàm, nhiều đại biểu kiến nghị, cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá, dự báo về các yếu tố nguy cơ, rủi ro hiện tại và tương lai đối với việc làm của người lao động (NLĐ) hậu đại dịch Covid-19. Trong đó bám sát những khuyến nghị, hướng dẫn, các bộ công cụ của ILO, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về ATVSLĐ để nghiên cứu, áp dụng, cụ thể hóa trong điều kiện của Việt Nam. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các chương trình huấn luyện ATVSLĐ hiện hành, bổ sung kiến thức mới về nhận diện, đánh giá các nguy cơ hiện hữu và tương lai, các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó, không để xảy ra những tình huống bất ngờ, mất kiểm soát…

Theo ông Nguyễn Khánh Long, Trưởng Phòng Chính sách Bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội), để góp phần bảo đảm hiệu quả, bền vững Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ hậu Covid-19, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tổ chức rà soát, đánh giá những nội dung chính sách, pháp luật hiện hành về ATVSLĐ. Trong đó cần tập trung làm rõ những điểm còn hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với xu thế chung của thế giới, gây hạn chế, khó khăn cho doanh nghiệp và NLĐ trong việc tuân thủ.

Quang cảnh buổi Tọa đàm
Quang cảnh buổi Tọa đàm

Đồng quan điểm, tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đại dịch Covid - 19 đã tác động nặng nề đến ngành chế biến thủy sản. Để phục hồi thì các doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các bộ, ngành đến gần hơnvới doanh nghiệp, trong đó Tổng Liên đoàn Việt Nam là cầu nối quan trọng. Ông Nam cùng đề xuất rà soát chính sách, pháp luật hiện hành về ATVSLĐ, từ đó sửa đổi, bổ sung để đơn giản và dễ tra cứu, sử dụng cho doanh nghiệp hơn. 

Còn quyền Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ Nguyễn Anh Thơ cho rằng, các nghiên cứu, báo cáo khảo sát đã xác định rõ từng nguy cơ, rủi ro đối với an toàn sản xuất, an toàn cháy nổ, môi trường, sức khỏe nghề nghiệp, nguy cơ lây mắc Covid-19, cũng như các yếu tố về sinh học hóa chất hay bất kỳ nguy cơ gây tai nạn, sự cố, bệnh tật nào khác. Đồng thời phân tích, đưa ra biện pháp, cách thức quản trị các rủi ro để phòng ngừa hiệu quả tai nạn, sự cố sản xuất, cháy nổ, ô nhiễm môi trường.

Từ thực tế đó, ông Nguyễn Anh Thơ cho rằng, được làm việc trong môi trường an toàn, NLĐ mới yên tâm làm việc, nâng cao năng suất lao động, góp phần vào sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước.

Quan tâm sức khỏe tâm thần NLĐ sau đại dịch

Tại buổi Tọa đàm, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập là sức khỏe tâm thần của NLĐ sau dịch Covid-19. Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Xã hội - Ban Kinh tế Trung ương), trong năm 2020, thế giới có thêm 76,2 triệu ca rối loạn lo âu và 53,2 triệu ca rối loạn trầm cảm, tương đương mức tăng 27,6% so với năm trước đó. Đại dịch Covid-19 đã làm tăng gần 1/3 số người mắc chứng rối loạn trầm cảm và lo âu ở hơn 200 quốc gia trên thế giới.

“Các rối loạn sức khỏe tâm thần sẽ làm gia tăng nguy cơ về các chứng bệnh khác và tình trạng tự tử. Không chỉ vậy, cường độ lao động ngày càng cao, do mức độ cạnh tranh ngày càng quyết liệt. “Tất cả điều đó kéo theo khả năng gia tăng nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu công tác ATVSLĐ không làm tốt”, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Xuân nói.

Còn theo bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, khi nói đến ATVSLĐ, thường mọi người nghĩ đến sức khỏe về thể chất. Tuy nhiên, sức khỏe tâm thần ngày nay đang nổi lên như một vấn đề nghiêm trọng trong giai đoạn Covid-19, không chỉ cho NLĐ mà còn đối với những nhóm khác.

“Trong thời gian dịch Covid-19, nhiều NLĐ bị cách ly, làm việc ở nhà, không có sự tiếp xúc với đồng nghiệp nên có thể bị trầm cảm, gặp những vấn đề về sức khỏe tâm thần. Một số người có thể tự xử lý được, nhưng cũng có những người sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, cần phải lưu ý đến sức khỏe tâm thần của NLĐ. Đây cũng có thể là một chỉ số để đo lường sức khở của NLĐ”, bà Ingrid Christensen chia sẻ.

Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm
Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành một số chính sách hỗ trợ đoàn viên, NLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Các chính sách đã kịp thời hỗ trợ đoàn viên, NLĐ, đội ngũ y tế để tăng cường nơi tuyến đầu chống dịch và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp.

“Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã tạm lắng và cuộc sống đang dần đi vào ổn định. Tuy vậy, việc chăm lo đời sống và bảo đảm ATVSLĐ cho đoàn viên công đoàn và NLĐ vẫn là ưu tiên hàng đầu của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Qua đó góp phần tham mưu, đề xuất các giải pháp bảo đảm ATVSLĐ, an sinh xã hội trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi nền kinh tế của Chính phủ giai đoạn sau đại dịch”, ông Anh cho biết.