Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Uống rượu kiểu “khát vọng” dưới góc nhìn pháp lý

Văn Hoa - 11:07, 28/05/2021

Báo Dân tộc và Phát triển điện tử ngày 5/4/2021 đăng tải bài viết: “Uống rượu “Khát vọng”- Một kiểu câu khách cần lên án”. Bài viết phản ánh nhiều nhà hàng, điểm du lịch ở một số tỉnh miền núi phía Bắc xuất hiện cách uống rượu “khát vọng” mang tính chất lố bịch, dung tục trong những cuộc trà dư tửu hậu; không phải là bản sắc văn hóa của dân tộc Thái như nhiều người ngộ nhận. Sau khi báo phát hành đã nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả, trong đó có không ít người là luật sư, cán bộ làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa. Báo Dân tộc và Phát triển xin chuyển đến bạn đọc một số ý kiến tiêu biểu.

Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến (tóc trắng)- Thư viện sống về văn hóa Thái, chia sẻ về nét đẹp trong văn hóa uống rượu của người dân tộc Thái
Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến (tóc trắng) đang chia sẻ về nét đẹp trong văn hóa uống rượụ của dân tộc Thái

Cần kịp thời chấn chỉnh

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Qua thực tiễn nắm bắt các nghi thức, tập tục sinh hoạt của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc, thì cách uống rượu “khát vọng” (hình ảnh người phụ nữ mặc trang phục dân tộc Thái quàng vai, khoác eo để uống rượu với khách) mà báo chí đã phản ánh hoàn toàn không phải nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. 

"Đây là hiện tượng một số nhà hàng vì lợi ích kinh tế, vì thu hút khách du lịch đã tự đặt ra cách thức giao lưu, tiếp khách gây hiểu nhầm, phản cảm, làm sai lệch nét đẹp văn hóa mời rượu của người Thái", bà Nhung khẳng định.

Theo Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, ngành Văn hóa ủng hộ việc khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch, mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, góp phần tuyên truyền quảng bá giá trị các văn hóa của điểm đến. 

"Tuy nhiên, hoàn toàn không đồng tình với việc sử dụng sai lệch, làm méo mó gây hiểu lầm và lợi dụng các sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái nói riêng, và các DTTS nói chung vì mục đích thương mại câu khách, hoặc mục đích khác dẫn tới làm tổn hại hình ảnh, cách nhìn thiếu chuẩn mực về đồng bào DTTS", bà Nhung cho biết.

Bà Nhung nhấn mạnh, trên phương diện quản lý Nhà nước, đề nghị chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo, quán triệt đến Ban quản lý các khu, điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng; cũng như cộng đồng dân cư tại địa phương trong việc xây dựng, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS; tránh lạm dụng, gây hiểu lầm về phong tục, tập quán, nét văn hóa truyền thống của DTTS trong hoạt động dịch vụ du lịch, việc đăng tải các nội dung không chuẩn mực trên các phương tiện truyền thông… để từ đó, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh.

Hình ảnh uống rượu “Khát vọng” đáng lên án, gây hiểu nhầm, phản cảm, làm sai lệch nét đẹp văn hóa mời rượu của người Thái.
Hình ảnh uống rượu “Khát vọng” đáng lên án, gây hiểu nhầm, phản cảm, làm sai lệch nét đẹp văn hóa mời rượu của người Thái.

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật

 Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Theo Khoản 5, Điều 3, Nghị định 178/2004/NĐ-CP và Thông tư 09/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, thì những hành động biến tướng thời gian qua báo chí đã nêu được xem là khiêu dâm.

Bởi những hành vi này xâm phạm đến truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục; các hành vi khiêu dâm được coi là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt theo quy định riêng của từng lĩnh vực. Pháp luật quy định mức phạt cho nội dung khiêu dâm như sau:

Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng vì bán hoặc phát tán ảnh, sản phẩm văn hóa khiêu dâm; phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng vì bán, cho thuê băng đĩa và đĩa khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy; phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng vì sử dụng các phương thức phục vụ khiêu dâm tại vũ trường, nhà hàng, quán Karaoke, cơ sở lưu trú du lịch …; phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng vì dạy khiêu vũ với nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy …

Đặc biệt, nếu sử dụng người dưới 18 tuổi để thực hiện các hành vi này, thì theo khoản 1, Điều 147 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định: Những người từ 18 tuổi trở lên có thể xúi giục, dụ dỗ hoặc ép buộc những người dưới 16 tuổi thực hiện nội dung khiêu dâm hoặc trực tiếp, tiếp tục chứng kiến các màn trình diễn khiêu dâm trong bất kỳ hình thức sẽ bị kết án từ 6 tháng đến 3 năm tù.

Bộ luật Hình sự cũng quy định rõ ràng về đối tượng của tội phạm này, người phạm tội phải từ 18 tuổi trở lên, có đủ khả năng chịu trách nhiệm hình sự và bất kể giới tính là nam hay nữ.

Tương tự, Luật sư Nguyễn Thanh Hòe (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cũng nhận định: Với hành vi xuyên tạc văn hoá truyền thống dân tộc, kích thích dâm ô, ham muốn tình dục trái với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam như một số hình ảnh nêu trên, thì chủ nhà hàng này có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Qua khảo sát của chúng tôi, kiểu uống rượu “khát vọng” đã diễn ra từ lâu, được nhiều nhà hàng tại Tây Bắc, coi nó là một phương thức hữu hiệu để thu hút khách du lịch. Hiệu quả kinh tế chỉ mang lại cho một vài cá nhân, nhưng nó gây nên hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, nó truyền bá cách nhìn lệch lạc về nhân cách, phẩm chất, cách hiểu sai văn hóa của cả một dân tộc. Hầu hết các nhà hàng do chưa nhận thức được mối nguy hại của sự việc trên, nên vẫn “hồn nhiên” thực hiện mà chưa biết được hành vi trên là vi phạm pháp luật.