Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xâm hại di sản văn hóa: “Căn bệnh đã nhờn thuốc”

PV - 15:52, 11/04/2018

Trùng tu các công trình di sản văn hóa, di tích lịch sử xuống cấp theo thời gian không còn là vấn đề xa lạ. Tuy nhiên, việc lạm dụng trùng tu quá đà xâm hại đến di tích lại là vấn đề đáng lo ngại, rất cần đến sự can thiệp của các nhà quản lý văn hóa. Và câu chuyện xâm hại di tích lại được dấy lên tại một số điểm di tích nổi tiếng của cả nước. Điều này lại một lần nữa đặt ra câu hỏi, nhà quản lý văn hóa ở đâu khi để cho các di sản văn hóa liên tục bị xâm hại?

Công trình trái phép tại Khu di tích Tràng An cổ đang được tiến hành tháo dỡ. Công trình trái phép tại Khu di tích Tràng An cổ đang được tiến hành tháo dỡ.

 

Có thể nói việc ngang nhiên vi phạm Luật Di sản văn hóa, tự ý trùng tu xây dựng mới hàng loạt công trình trong phạm vi “được bảo vệ đặc biệt” của Di sản quốc gia, Di sản quốc gia Hạng đặc biệt, thậm chí là Di sản Thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận không chỉ mới diễn ra. Trước đó, đã có nhiều công trình như: Trùng tu Chùa Trăm Gian năm 2012; Trùng tu Lăng Ngô Quyền, xã Đường Lâm năm 2014; Công trình xây dựng chùa không phép tại chùa Hương năm 2015;…Tuy nhiên, hành vi xâm phạm trái phép đó dường như không có thiên hướng giảm, ngược lại ngày càng có nhiều vụ việc xâm hại di tích, với tính chất nghiêm trọng, trắng trợn hơn.

Đơn cử vào tháng 11/2017, dư luận xôn xao vụ việc di tích quốc gia nghìn năm tuổi-chùa Khúc Thủy, xã Cự Khê, Thanh Oai (Hà Nội) bị xâm hại bởi nhiều hạng mục công trình “lạ” khi nhà ni, nhà tăng được xây dựng hai tầng với kiến trúc lai căng, sơn màu lòe loẹt. Phía sau tòa tam bảo, một số “tòa ngang dãy dọc” khác cũng đang được xây dựng dở dang, trong đó, có tòa nhà bê-tông cốt thép cao đến ba tầng. Ở khu vực này cũng có hai pho tượng phật mới được đưa vào thờ tự. Những công trình trên không phù hợp với vẻ cổ kính và kiến trúc truyền thống mang đậm dấu ấn tôn giáo vùng Đồng bằng Bắc bộ.

Dù Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội đã có văn bản yêu cầu di dời những tượng Phật được đặt trái phép trong khuôn viên di tích, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng cho di tích quốc gia, nhưng theo khảo sát thì tất cả những vi phạm nêu trên vẫn được “bảo tồn nguyên trạng”. Khi được hỏi về những chậm trễ trong việc thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, khắc phục hậu quả vi phạm tại chùa Khúc Thủy, nhà chùa cho biết: “Chùa không có kinh phí để di dời những hạng mục vi phạm”. Ông Đặng Cát Lượng, người dân thôn Khúc Thủy cho hay, cũng với lý do không có kinh phí nên đến nay chưa có biện pháp xử lý vi phạm tại chùa Khúc Thủy.

Gần đây nhất, người dân cả nước một lần nữa xôn xao về vụ việc vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An-Di sản Thiên nhiên thế giới-thuộc địa bàn xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) được bảo vệ nghiêm ngặt song vẫn bị Công ty Cổ phần du lịch Tràng An (Ninh Bình) xâm hại khi xây dựng trái phép hàng nghìn bậc thang lên núi Cái Hạ (còn gọi là núi Huyền Vũ). Cụ thể, vào tháng 8/2017, Công ty Cổ phần du lịch Tràng An tiến hành xây dựng cây cầu lên đỉnh núi Huyền Vũ, với chiều dài khoảng 1.115m, trên 2.000 bậc. Vị trí xây dựng nằm sâu bên trong khu du lịch Tràng An.

Dưới sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, công trình sai phạm tại núi Cái Hạ hiện đang triển khai công tác tháo dỡ. Tuy nhiên, những sự việc diễn ra trong thời gian qua đã cho thấy một vấn đề: Những công trình, hạng mục sai phạm vẫn tiếp tục tồn tại thách thức pháp luật. Sự thật này khiến dư luận không khỏi hoài nghi sẽ còn những di sản khác tiếp tục bị xâm hại.

Nói về hành vi xâm hại di tích, di sản văn hóa, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc từng cho rằng, chính hình thức “phạt cho tồn tại” như hiện nay là nguyên nhân dẫn đến việc “nhờn luật”, bất chấp các văn bản quản lý để vi phạm. Cùng với đó là sự thiếu giám sát, thiếu quyết liệt của các cơ quan quản lý khiến cho pháp luật chỉ tồn tại trên văn bản mà không đi vào thực tiễn cuộc sống. “Như câu chuyện Công ty Cổ phần

khu du lịch Champarama đã đổ hàng nghìn khối đất, đá lấn biển vịnh Nha Trang trái phép để làm dự án Khu nghỉ dưỡng Champarama Rerort & Spa mà chỉ phạt hành chính 100 triệu đồng rồi cho tồn tại thì chỉ là phạt danh nghĩa, càng làm cho doanh nghiệp nhờn luật”, ông Dương Trung Quốc nêu ví dụ…

Cần phải khẳng định rằng, việc nhiều di tích bị xâm hại, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Việc xử lý sai phạm chỉ quyết liệt trên văn bản, giấy tờ mà thiếu sự quyết liệt trên thực tế. Đã đến lúc phải xem xét lại trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý để xảy ra vi phạm, gây tổn hại đến những di tích là vốn quý của quốc gia. Để bảo vệ di tích, di sản văn hóa, các cơ quan quản lý nhà nước cần quyết liệt thực thi pháp luật để xử lý sai phạm.

HỒNG MINH