Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Tỷ phú” dân tộc Ngái: Nghệ nhân chè làm giàu từ tâm

PV - 19:21, 05/07/2021

Góp mặt tại buổi giao lưu trực tuyến Gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, ông Lê Quang Nghìn là một nghệ nhân chè Tân Cương, một doanh nhân người dân tộc Ngái tiêu biểu ở TP. Thái Nguyên.

Tỷ phú người dân tộc Ngái, ông Lê Quang Nghìn. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Tỷ phú người dân tộc Ngái, ông Lê Quang Nghìn. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Tỷ phú chè Tân Cương

Dù năm 2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, thế nhưng gia đình ông Lê Quang Nghìn như thông lệ vẫn đạt được thành tích hộ nông dân sản xuất giỏi của xóm Hồng Thái, xã Tân Cương. Đặc biệt, ông còn là một tỷ phú người dân tộc Ngái, ông đã đặt toàn tâm và niềm tin vào phát triển cây chè Tân Cương trứ danh.

Bản thân ông Nghìn không phải là người gốc Tân Cương, Thái Nguyên. Vào năm 1918, các cụ nhánh họ nhà ông đã di cư từ huyện Lộc Bình, Lạng Sơn về Tân Cương sinh sống. “Thời đó, các cụ muốn thay đổi cuộc sống, tạo ra nhiều giá trị hơn, vậy nên lựa chọn mảnh đất màu mỡ như Tân Cương là điều dễ hiểu. Đáng quý là các cụ vẫn mang theo quần áo, đồ dùng sinh hoạt của người Ngái nhằm giữ gìn nét văn hóa, tập quán của dân tộc mình”, ông chia sẻ.

Với kinh nghiệm và kiến thức của thế hệ đi trước, ông Nghìn hiểu rõ giá trị thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu của Tân Cương, ông cho biết cây chè đặc biệt có những thế mạnh nổi trội khi được canh tác tại đây. Đất chua đi kèm những nguyên tố vi lượng với tỷ lệ phù hợp thuộc quyền đặc hữu của cây chè, tạo điều kiện cây chè sống lâu năm. Nếu được quan tâm chăm sóc, một cây có thể cho ra sản lượng quanh năm, mang lại thu nhập đều đặn cho người trồng chè.

Nhờ đó, cây chè đã đồng hành cùng người nông dân Tân Cương đến nay đã hơn 100 năm. “An cư lạc nghiệp”, gia đình ông Nghìn đã bén duyên với cây chè từ những ngày đầu ở nơi đây, đó là những ngày của thời kỳ bao cấp cho tới khi Nhà nước chuyển giao đất cho dân canh tác. Năm đời nhà ông đã gắn bó sương gió cùng cây chè. Ông Nghìn nói: “Tôi luôn trân trọng vì đã được lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống, được các cụ truyền cho tình yêu nghề, để đem tới cho đời thứ chè đặc sản làm nức lòng người thưởng trà”.

Tới đời nhà ông, gia đình có hai người con, một trai và một gái. Cô con gái đã lấy chồng người Kinh nhưng luôn hướng về doanh nghiệp gia đình. Để góp sức, vợ chồng cô đã mở một cửa hàng bán chè, đẩy mạnh sức tiêu thụ cũng như hỗ trợ trong việc sản xuất. Cậu em trai thì học Đại học Y năm thứ 4. Mặc dù bận bịu trường lớp, đặc biệt là với ngành y đòi hỏi thời gian nghiên cứu sâu, thế nhưng mỗi khi học xong, cậu lại xắn tay áo, sao chè giúp đỡ bố mẹ. Mỗi lần như vậy, ông Nghìn lại tự hào và cảm động vì con mình hiểu được sự vất vả của bố mẹ, của nghề chè.

Công việc sản xuất và kinh doanh của gia đình ông Nghìn đã gặt hái được những thành công mà nhiều hộ trong xã phải nể phục. Gia đình hiện sở hữu 1,5ha đất trồng chè, cùng với đó là 15 lao động hái chè thủ công. Tuy vậy, ông Nghìn luôn có khát khao và ý chí được phát triển và mở rộng quy mô kinh doanh hơn nữa. Hiện ông đang đầu tư thêm vào cơ sở sản xuất chè, bằng cách mở thêm lò, mua thêm nguyên liệu từ những nhà lân cận, từ đó có thể trả công cho các nhân viên cao hơn, lợi nhuận của gia đình cũng tăng trưởng.

Hiện nay, nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật trong nuôi trồng, ngoài gia đình ông Nghìn, hàng trăm hộ kinh doanh ở Tân Cương cũng đã có được thu nhập ổn định. Một năm người nông dân có thể đạt được tám vụ chè thơm tươi. 

Ông Nghìn trong quy trình đóng gói chè. (Ảnh: NVCC)
Ông Nghìn trong quy trình đóng gói chè. (Ảnh: NVCC)

Tỉ mỉ từ tâm

Người dân Tân Cương cũng hiểu được những thế mạnh thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên mảnh đất này mang lại. Do đó ở đây, hầu hết các gia đình đều lựa chọn canh tác chè, không mấy mặn mà với các ngành nghề khác.

Tuy nhiên, với hơn 40 năm kinh nghiệm, ông Nghìn cho rằng làm chè là một nghề rất vất vả, đòi hỏi người lao động phải có tính kiên trì, tỉ mỉ và chu toàn trong từng công đoạn, từ hái chè, phơi khô, vò chè cho tới sao chè. “Người làm chè phải hết mình với cây chè”. Như vậy Tân Cương mới có được sản vật mà khó có vùng nào có thể so sánh. Ông tin rằng phải là người yêu nghề thì mới có thể theo đuổi nghiệp trồng chè.

Ngoài ra, ông Nghìn còn là một người nhạy bén với thị trường chè và khẩu vị người tiêu dùng. Ngày nay, yêu cầu thị trường càng ngày càng cao. Người thưởng trà yêu cầu trà phải đẹp, cánh nhỏ và thơm hơn. Nhưng những đòi hỏi này không làm khó được nghệ nhân chè người Ngái, bằng những kỹ thuật canh tác chè kỳ công và công sức bỏ ra, ông Nghìn có thể thu về những đợt chè chất lượng cao, đúng ý khách, khi đó giá thành cũng không còn quan trọng với người mua nữa.

Hiện chè Tân Cương được giao bán trung bình khoảng 300.000 đến 600.000 đồng/cân. Đây là những loại phổ thông, sử dụng hàng ngày và thường được các cơ quan đặt mua. Tuy nhiên, đối với những người sành trà, Tân Cương còn có một hương thơm rất khó phai, đó chính là Trà Đinh - sản vật trà đẳng cấp và xa xỉ nhất vùng chè Thái Nguyên. Ông Nghìn cho biết loại chè ngon nhất của ông có giá 5 triệu đồng/cân.

Đặc biêt, đối với trà Đinh, từng nõn chè non nhất, chất lượng nhất phải được lựa chọn tỉ mỉ trên những đồi chè được chăm bón dinh dưỡng nhất của vùng chè Tân Cương Thái Nguyên. Để có được một cân trà khô, cần tới 20 người hái chè chuyên nghiệp hái trong khoảng hai tiếng đồng hồ và phải hái vào thời điểm thích hợp nhất.

Các nõn chè sau khi được hái sẽ trải qua quá trình chế biến, trong đó công đoạn sao trà là khâu quan trọng và kỳ công nhất. Người nghệ nhân chè như ông Nghìn cần thành thục các kỹ năng như chỉnh lửa, chọn củi hay vo chè đều tay. Làm nghề lâu năm, ông bảo: “Thú vui đơn giản nhất là quan sát từng nõn chè nhỏ và mỏng được sao, từng chút từng chút, chúng trở nên xoắn vân đều tăm tắp, khô giòn và nựng thơm hương cốm” – sẵn sàng đề hài lòng những người thưởng trà khó tính nhất./.