Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Xinh Mun dự kiến giảm 18,19% so với năm 2019

Khánh Thi - 11:15, 20/11/2024

Mặc dù chuẩn nghèo được nâng lên nhưng so với dữ liệu điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Xinh Mun vẫn giảm mạnh; dự kiến giảm 18,19%.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống vật chất được nâng lên, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Xinh Mun được giữ gìn, phát huy. (Trong ảnh: Lễ cúng Sà Típ của đồng bào dân tộc Xinh Mun ở bản Phiêng Khàng, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La)
Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống vật chất được nâng lên, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Xinh Mun được giữ gìn, phát huy. (Trong ảnh: Lễ cúng Sà Típ của đồng bào dân tộc Xinh Mun ở bản Phiêng Khàng, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La)

Đồng bào dân tộc Xinh Mun chủ yếu sinh sống tập trung tại một số huyện biên giới của tỉnh Sơn La (Yên Châu, Sông Mã, Mộc Châu) và một số ít cư trú ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Giai đoạn 2021 – 2025, Xinh Mun là một trong 32 dân tộc còn nhiều khó khăn theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những tiêu chí để xác định dân tộc còn nhiều khó khăn giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 là tỷ lệ hộ nghèo từ 33,45% trở lên. Tại thời điểm năm 2019, theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Xinh Mun là 65,3%.

Với các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho các dân tộc còn nhiều khó khăn trong giai đoạn 2021 – 2025, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Xinh Mun đã giảm mạnh. Số liệu trong hồ sơ “Tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2026 – 2030” đang được Ủy ban Dân tộc tham vấn ý kiến các bộ, ngành, địa phương cho thấy, dự kiến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Xinh Mun ở Sơn La, Điện Biên giảm 18,19% so với năm 2019.

Kết quả giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Xinh Mun, là rất ấn tượng trong bối cảnh các chỉ số đo lường tình trạng nghèo đã được nâng lên. Điều này cho thấy, hiệu quả của các chính sách đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo đa chiều từ năm 2021 đến nay.

Tại thời điểm năm 2019, việc rà soát hộ nghèo được xác định theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, tiêu chí thu nhập chuẩn nghèo được quy định là 700 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn.

Từ năm 2022 đến nay, việc rà soát hộ nghèo thực hiện theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025; thu nhập chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn lên được điều chỉnh tăng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với giảm hộ nghèo thì tỷ lệ người Xinh Mun từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết chữ phổ thông cũng giảm mạnh. Theo quy định tại Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg ngày 31/12/2020, các dân tộc có khó khăn đặc thù, các dân tộc còn nhiều khó khăn là những dân tộc có tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết chữ phổ thông từ 28,65% trở lên.

Tại thời điểm năm 2019, kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS cho thấy, tỷ lệ người Xinh Mun từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 35,3%.

 Dự kiến đến hết năm 2024, theo kết quả rà soát trong hồ sơ “Tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2026 – 2030” của Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ người Xinh Mun từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết chữ phổ thông giảm xuống dưới 28,65%.

Tin cùng chuyên mục
Vùng miền núi Phú Yên không ngừng khởi sắc

Vùng miền núi Phú Yên không ngừng khởi sắc

Vùng miền núi tỉnh Phú Yên gồm 3 huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh. Đây là nơi sinh sống của 33 dân tộc anh em, trong đó có 32 dân tộc thiểu số (chủ yếu là Ê Đê, Chăm, Ba Na, Tày, Nùng, Dao…) với trên 60.000 người. Nơi đây cũng từng là căn cứ cách mạng, ghi dấu một thời oanh liệt của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cho dù chưa hết khó khăn, nhưng diện mạo ở nhiều xã khó khăn đã có nhiều thay đổi; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao...