Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chuyện về vị Anh hùng nơi biên viễn

PV - 16:46, 02/05/2018

Không chỉ ở xã Chiềng On (Yên Châu, tỉnh Sơn La) giáp biên giới Việt Nam-Lào, mà ở nhiều địa phương khác ai cũng biết ông Vì Văn Ỏm, dân tộc Xinh Mun, nguyên Bí thư Đảng ủy Chủ tịch UBND xã, người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong việc xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con ở vùng biên giới. Ông đã được Ðảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Giữ bản làng bình yên

Mặc dù đã bước sang tuổi 78, tóc bạc trắng như cước, nước da đen sạm, nhưng trông ông vẫn cường tráng, nhanh nhẹn, rắn rỏi, mắt tinh anh, chuyện trò cởi mở, hài hước, dễ gần.

Là người dân tộc Xinh Mun, ngoài tiếng cha sinh mẹ đẻ, ông biết nói thành thạo các thứ tiếng: Thái, Mông, Kinh, Lào…; Ông bảo, là lãnh đạo phải gần gũi với bà con các dân tộc, phải biết “nội ngữ” để đến với bản người Mông thì nói tiếng Mông, đến với người Thái thì nói tiếng Thái, sang các bản người Lào thì nói tiếng Lào. Đây cũng là bí quyết giúp ông hoà nhập được ngay với bà con.

Niềm vui của Anh hùng Lao động Vì Văn Ỏm bên vườn mận gia đình. Niềm vui của Anh hùng Lao động Vì Văn Ỏm bên vườn mận gia đình.

 

Những năm 80 của thế kỷ trước, khi ông được bầu giữ chức Phó Chủ tịch xã, phụ trách bản Đin Chí nơi có 57 hộ bà con người Mông sinh sống. Bản Đin Chí được mệnh danh “điểm đen” với 43 người nghiện thuốc phiện. Cách làm của ông là “cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng dân tộc với bà con”, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, tích cực tuyên truyền, giải thích theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, hướng dẫn cho bà con cách làm kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; tách lẻ các đối tượng nghiện thuốc phiện ra để thuyết phục, cảm hóa, vận động người già tự cai trước để làm gương cho bọn trẻ cai theo... Qua mấy năm liền bám bản, bám từng đối tượng, cuộc “cách mạng” cai nghiện hút thuốc phiện ở bản Đin Chí đã thành công ngoài mong đợi.

Trong vai trò là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Chiềng On, ông Vì Văn Ỏm luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, nên những vụ tranh chấp đất đai, mất đoàn kết, gây rối an ninh trật tự, khi có sự xuất hiện của ông là mọi việc được dàn xếp ổn thỏa. Các cuộc họp bản, họp xã, họp dòng họ các dân tộc trên địa bàn xã, có ông góp ý, phát biểu là dân phấn khởi tin tưởng, nể phục và chấp hành.

Ông cũng là người có công trong việc xây dựng tình đoàn kết nhân dân 2 bên biên giới Việt-Lào, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Ông Bun Khăm, Trưởng bản Cụm bản Nà Noong, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (Nước CHDCND Lào) nói rằng: “Chúng tôi luôn coi ông Ỏm như là người thân thiết, uy tín của nhân dân các bộ tộc Lào nơi biên giới này”.

Đẩy lùi đói nghèo

Ông Vì Văn Ỏm nhớ lại, cách đây hơn 20 năm, có dịp về Hà Nội họp, ông được giới thiệu về giống ngô lai mới ở Đan Phượng-(Hà Tây cũ), vừa dễ trồng, năng suất cao. Mặc dù kinh phí đi đường chẳng dư giả gì, nhưng ông quyết định dốc túi mua 30kg ngô lai giống về trồng thử, ông trồng 20kg còn 10kg chia cho các hộ trong bản cùng trồng. Kết quả, riêng gia đình ông vụ đầu đã thu hơn 17 tấn ngô hàng hóa.

Phấn khởi, với kết quả bước đầu, ông mạnh dạn vận động toàn thể bà con trong xã chuyển 570ha nương định canh trồng giống ngô cũ sang trồng giống ngô mới và ông trích tiền bán ngô của gia đình để mua 1 tấn ngô giống về chia cho các hộ trong xã trồng đại trà. Kết quả vụ đó thắng to, năng suất đạt từ 8-9 tấn/ha (trong khi giống ngô địa phương chỉ đạt từ 1,5-2 tấn/ha). Từ đó, cây ngô lai phát triển ở cả vùng Chiềng On, rồi lan sang các xã Phiêng Khoài, Lóng Phiêng, Chiềng Tương. Đặc biệt, ông còn vận động bà con ủng hộ giống ngô lai giúp bạn Lào cùng phát triển, trong đó gia đình ông giúp 300kg ngô giống. Đến nay, các cụm bản Phiềng Sa, Nà Noong, Keo Lôm thuộc huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (Nước CHDCND Lào) đều phát triển kinh tế bằng cây ngô lai rất hiệu quả.

Một góc bản Nà Đít, trung tâm xã Chiềng On (Yên Châu) hôm nay. Một góc bản Nà Đít, trung tâm xã Chiềng On (Yên Châu) hôm nay.

 

Gần đây, nhận thấy cây ngô lai làm đất bạc màu, xói mòn, ông lại vận động bà con chuyển sang trồng chè, mía, mận hậu, tre măng bát độ và các cây ăn quả chất lượng cao trên đất dốc theo chủ trương của tỉnh. Vụ mận năm nay, xã Chiềng On mỗi hộ trung bình ước thu 15 đến 20 tấn mận. Riêng gia đình ông Ỏm hiện có hơn 2ha chè, 6ha cây ăn quả, chủ yếu là mận hậu, 3.000m2 ruộng 2 vụ cùng đàn gia súc, gia cầm, đều được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đạt năng suất cao, trừ chi phí gia đình ông thu nhập trên 600 triệu đồng/năm. Nhiều hộ trong xã được gia đình ông cho vay vốn không lấy lãi và được hướng dẫn cách trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm nên thoát đói nghèo.

Gần nửa thế kỷ tham gia công tác, trong đó có mấy chục năm làm cán bộ xã (từ năm 1988 đến năm 2010, hai khóa liền làm Chủ tịch UBND xã, hai khóa làm Bí thư Đảng ủy xã), ông đã góp sức làm cho Chiềng On từ lúc còn nghèo đói, lạc hậu, nay đã có nhiều đổi thay mạnh mẽ. Hôm nay đến thăm xã Chiềng On, được đi trên các tuyến đường trải nhựa thênh thang ra tận cột mốc biên giới, trụ sở xã, trạm xá, trường học, chợ được xây dựng khang trang, điện lưới quốc gia đã về đến các bản, đời sống của bà con dân tộc vùng biên giới ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Đặc biệt trong tất cả các bản của xã, bản nào cũng có ô tô, hiện cả xã có hơn 450 ô tô các loại phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của bà con. Những đổi thay ấy một phần không nhỏ bắt đầu từ tâm huyết, trách nhiệm và cách nghĩ, cách làm của ông Vì Văn Ỏm.

ANH ĐỨC