Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ông Thông Khói, Người có uy tín làng Chăm: “Bà con còn tín nhiệm, thì mình còn cống hiến”

Lê Vũ - 19:53, 05/09/2023

Dành gần 50 năm cuộc đời với nhiều công sức, tâm huyết cho sự phát triển của cộng đồng người Chăm thôn 3, nay là khu phố 3, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), ông Thông Khói từ lâu đã trở thành "Người có uy tín" trong lòng đồng bào nơi đây. Hiện nay, dù đã bước sang tuổi 80 nhưng ông vẫn mang suy nghĩ "bà con còn tín nhiệm, thì mình còn cống hiến". Do vậy, ông vẫn đảm nhiệm và phát huy tốt vai trò Chi hội trưởng chi hội người cao tuổi, Người có uy tín trong đồng bào Chăm tại khu phố 3.

Mặc dù đã ở tuổi 80 nhưng ông Thông Khói vẫn rất minh mẫn và đầy nhiệt huyết với vai trò là Người có uy tín
Mặc dù đã ở tuổi 80 nhưng ông Thông Khói vẫn rất minh mẫn và đầy nhiệt huyết với vai trò là Người có uy tín

Chúng tôi được tiếp xúc với ông Thông Khói trong một dịp công tác tại địa phương. Mặc dù đã ở tuổi 80, nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn, hoạt bát. Đặc biệt khi nhắc đến các hoạt động phong trào như khuyến học, phổ biến pháp luật, an sinh xã hội, hỗ trợ đời sống cho đồng bào… thì ông rất tâm huyết và sẵn sàng chia sẻ mọi thông tin cần thiết.

 “Cũng có người hỏi tôi sao già rồi, không nghỉ ngơi an nhàn, mà lại tham gia các công tác tại địa phương làm gì? Tôi thì chỉ quan niệm thế này, bà con còn tín nhiệm thì mình còn cống hiến. Mà đã cống hiến thì phải hết mình, hơn nữa là mình càng cao tuổi thì càng phải làm gương cho con cháu”, ông Thông Khói nói.

Ông cho biết, những năm đầu sau giải phóng, với vai trò là Đội trưởng sản xuất Lâm Thiện, ông tích cực bám đồng để kiểm tra, theo dõi và trực tiếp cùng bà con phát triển sản xuất. Đến năm 1979, Đội sản xuất của ông đổi thành Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ma Lâm 3, ông được tín nhiệm giữ vai trò Chủ nhiệm HTX. Năm 1997, HTX nông nghiệp Ma Lâm 3 thực hiện giải thể theo Luật HTX và chuyển sang hành chính thôn 3, ông tiếp tục được bổ nhiệm làm trưởng thôn; rồi sau đó là Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi, Người có uy tín trong đồng bào Chăm tại khu phố 3, thị trấn Ma Lâm từ năm 2014 cho đến nay. Đây là khu phố có nhiều đồng bào Chăm sinh sống tập trung nhất, nên còn được gọi là làng Chăm

Cho dù ở vai trò công tác nào, ông Thông Khói cũng hết mình với công việc và tận tình với bà con nên ông luôn được bà con kính trọng và tin tưởng. Vì thế, trong công tác vận động, tuyên truyền người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Đảng Nhà nước, các quy định của địa phương, quy ước khu phố; thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh được bà con rất ủng hộ.

Ông cũng là người tiên phong trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ nhiều tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, nhất là các hoạt động mê tín dị đoan. Theo đó, việc ma chay, cưới hỏi của đồng bào từ đó cũng được tổ chức đơn giản hơn, không còn cảnh tập trung ăn uống 2-3 ngày gây lãng phí như trước. Hay như chuyện tảo hôn  giờ đây đã không còn.

 “Ban điều hành thôn quản lí từng nhân khẩu, hễ phát hiện gia đình có biểu hiện gả con trước tuổi là chúng tôi nhắc nhở, yêu cầu thực hiện đúng theo qui định của pháp luật.”, ông Thông Khói cho biết.

Ông cũng tự hào chia sẻ: Xóm làng có yên ổn, an ninh, trật tự được đảm bảo, thì bà con mới chí thú làm ăn, chuyên tâm phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa. Do đó, hiện nay khu phố đã xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả các mô hình về an ninh trật tự tại địa bàn dân cư như: Mô hình “khu phố an toàn về an ninh trật tự”, mô hình “khu phố tự quản phòng chống ma túy”. Bản thân ông cùng tập thể Ban điều hành, Ban công tác Mặt trận khu phố, thường xuyên vận động bà con đồng bào Chăm đồng thuận và tích cực tham gia các mô hình, thể hiện trách nhiệm cộng đồng trong việc tham gia tố giác tội phạm, vi phạm; nhắc nhở con cháu chấp hành pháp luật, không sa vào các tệ nạn xã hội, nhất là cờ bạc, số đề, ma túy…

Ông Lê Công Bình - Tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển (bên phải) cùng ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận (bên trái) thăm hỏi và chia sẻ về công tác dân tộc với ông Thông Khói
Ông Lê Công Bình, Tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển (bên phải) cùng ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận (bên trái) thăm hỏi và chia sẻ về công tác dân tộc với ông Thông Khói

Ông Nguyễn Văn Tấn,Trưởng phòng Dân tộc huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Ông Thông Khói đảm nhiệm vai trò Người có uy tín ổn định và lâu năm nhất tại địa phương. Tuy nhiên, ngay cả trước khi chính thức được bầu là Người có uy tín theo quy định từ năm 2014, thì ông đã là “Người có uy tín “ hoàn toàn trong lòng bà con đồng bào Chăm ở đây rồi. Nhiều năm nay, cũng nhờ có ông mà công tác giáo dục, khuyến học tại địa phương có nhiều tiến bộ. Hễ có con cháu gia đình nào bỏ học là ông đến tận nhà vận động, khuyên giải, gia đình nào khó khăn trong việc cho con em tới trường thì ông tìm hướng giúp đỡ, bằng cách vận dụng chính sách và cả huy động nguồn lực xã hội. “

Ông Tấn còn cho biết thêm, với sự am hiểu về phong tục, tập quán, văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào Chăm, cũng như sự tín nhiệm của bà con, ông Thông Khói còn góp phần rất quan trọng trong việc tham gia, phối hợp cùng tổ hòa giải Khu phố hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn tại địa phương. Ông luôn biết cách tìm hiểu, lắng nghe các ý kiến của bà con để tìm ra giải pháp vận động, thuyết phục các bên tranh chấp một cách hợp tình, hợp lý, trên tinh thần "bán anh em xa, mua láng giềng gần", vì tình làng, nghĩa xóm mà "chín bỏ làm mười". Nhờ đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào Chăm khu phố 3, thị trấn Ma Lâm luôn ổn định, đời sống Nhân dân cơ bản đảm bảo, đồng bào yên tâm sản xuất, chăm lo phát triển kinh tế.

Có thể nói, gần 50 năm gắn bó với việc làng, việc xóm, là cũng ngần ấy thời gian ông Thông Khói đem hết tâm huyết, công sức của mình để góp phần cải thiện đời sống đồng bào, xây dựng tình đoàn kết, gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đây cũng chính là lý do mà ông luôn được bà con tín nhiệm, yêu mến và luôn nhắc đến ông với niềm tự hào của làng Chăm, thị trấn Ma Lâm.