Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Tu Mơ Rông (Kon Tum): Hỗ trợ sinh kế giúp đồng bào Xơ Đăng thay đổi tư duy sản xuất

Ngọc Chí - 15:36, 04/11/2024

Triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), những năm qua, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) tập trung hỗ trợ cây, con giống, tập huấn khoa học kỹ thuật cho các hộ đồng bào Xơ Đăng trên địa bàn huyện. Qua đó, giúp đồng bào Xơ Đăng thay đổi tư duy sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Võ Trung Mạnh (ngoài cùng bên phải), Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông kiểm tra mô hình hỗ trợ đồng bào Xơ Đăng trồng sâm Ngọc Linh
Ông Võ Trung Mạnh (ngoài cùng bên phải), Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông kiểm tra mô hình hỗ trợ đồng bào Xơ Đăng trồng sâm Ngọc Linh

Đa dạng hình thức hỗ trợ

Huyện Tu Mơ Rông có 11 xã đều thuộc xã đặc biệt khó khăn, với 86 thôn, làng. Dân số toàn huyện hơn 29.000 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 95% dân số, chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng.

 Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trong vùng đồng bào DTTS, bình quân mỗi năm từ 6-9%/năm, huyện Tu Mơ Rông đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, trong đó, huyện xác định hỗ trợ sinh kế sẽ giúp cho đồng bào DTTS thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo.

Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Để việc hỗ trợ sinh kế cho người dân từ Chương trình MTQG 1719 thực sự phát huy hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc huyện, phối hợp với UBND các xã triển khai rà soát, lấy nhu cầu của người dân. 

Sau đó, UBND huyện đã ban hành các Quyết định phê duyệt danh mục định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và danh mục định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng.

Đối với một số xã có điều kiện khí hậu phù hợp với phát triển chăn nuôi gia súc thì xã định hướng người dân lựa chọn mô hình nuôi bò sinh sản
Đối với một số xã ở huyện Tu Mơ Rông có điều kiện khí hậu phù hợp với phát triển chăn nuôi gia súc, thì xã định hướng người dân lựa chọn mô hình nuôi bò sinh sản

Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện, các xã đã tập triển khai thực hiện hỗ trợ sinh kế cho đồng bào Xơ Đăng kịp thời, đúng, đủ. Nội dung hỗ trợ là các mô hình dự án phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Ông A Câu, thôn Kon Chai, xã Đăk Na, chia sẻ: Năm 2023, gia đình được hỗ trợ 1 con bò sinh sản, khí hậu ở xã phù hợp với việc chăn nuôi bò. Gia đình cũng đầu tư làm chuồng trại và thường xuyên chăn thả ở những nơi nhiều cỏ. Hiện bò phát triển rất tốt và dự kiến năm nay sẽ có được 1 bê con.

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Na, cho biết: Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719, xã đã thực hiện dự án liên kết chuỗi trồng gừng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trồng cây cà phê vối, chăn nuôi bò. Quá trình triển khai, xã họp thôn, định hướng để người dân lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu ở địa phương, điều kiện chăm sóc của gia đình.

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã giúp đồng bào Xơ Đăng thay đổi tư duy sản xuất và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719
Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã giúp đồng bào Xơ Đăng thay đổi tư duy sản xuất và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719

Thực hiện các Chương trình MTQG, đến nay, huyện Tu Mơ Rông đã triển khai 21 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh phí hơn 6,2 tỷ đồng, với 390 hộ tham gia; trong đó, riêng triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 về “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN”, thuộc Dự án 3, Chương trình MTQG 1719, là 8 dự án, với kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng.

Đối với trồng trọt, người dân chủ yếu đăng ký hỗ trợ các loại cây dược liệu như: Hồng đẳng sâm, mắc ca, lan kim tuyến, đương quy, ngũ vị tử, sâm Ngọc Linh; cây công nghiệp, như: Cà phê Catimor, cà phê vối và một số loại cây ăn quả; đối với chăn nuôi người dân đăng ký hỗ trợ chủ yếu là trâu, bò, heo.

Thay đổi tư duy sản xuất của đồng bào DTTS

Các Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng đã và đang góp phần thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho đồng bào Xơ Đăng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông.

Anh A Sel, thôn Mô Bành, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Trước đây, gia đình chỉ trồng mì, năm 2022, xã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ để gia đình chuyển sang trồng cây cà phê xen cây mắc ca với diện tích hơn 6 sào. Tôi cũng được tham gia tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc để áp dụng vào vườn cây. Trước đây, mình trồng thì ít chăm sóc, giờ đây phải thay đổi, trồng là phải làm cỏ, bón phân, tưới nước, cắt tỉa cành. Năm nay, cà phê đã cho thu bói, thấy cũng nhiều trái, gia đình rất phấn khởi.

Nhiều hộ đồng bào Xơ Đăng ở xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông đã mạnh dạn tham gia chuỗi liên kết trồng cây mắc ca
Nhiều hộ đồng bào Xơ Đăng ở xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông đã mạnh dạn tham gia chuỗi liên kết trồng cây mắc ca

Bà Mai Thị Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Ông, cho biết: Sau khi hỗ trợ cây giống, các hộ tham gia dự án đã chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, hiện tại cây sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện của địa phương. Dự án khi triển đã từng bước thay đổi tập quán canh tác của các hộ dân nói riêng và người dân trên địa bàn xã từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chuyển sang canh tác tập trung. Theo đó, người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển từ các cây trồng cho hiệu quả như, cây sắn, lúa rẫy sang trồng cây mắc ca cho năng xuất, giá trị kinh tế cao. Đến thời điểm hiện nay, dự án chuỗi liên kết trồng mắc ca trên địa bàn xã đã triển khai thực hiện, với diện tích hơn 47ha.

Trong quá trình triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719, huyện Tu Mơ Rông đã gắn việc với việc thực hiện Cuộc vận động ’’Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, từ trông chờ, ỷ lại sang chủ động, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích.

Ông A Vinh, thôn trưởng thôn Mô Bành, xã Đăk Rơ Ông, cho biết: Thôn có 175 hộ, triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, đến nay thôn có 75 hộ được hỗ trợ liên kết trồng cây giống mắc ca, với diện tích hơn 11ha. Sau thời gian trồng, cây mắc ca lên rất tốt, bà con rất phấn khởi. 

Việc hỗ trợ này, đã giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, trước đây chỉ biết cây sắn, cây lúa thì giờ đây, nhà nào cũng chuyển qua trồng cây cà phê, cao su và mắc ca. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, việc mà trước đây bà con ít quan tâm đến.

Nhờ triển khai có hiệu quả các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thay đổi diện mạo các thôn, làng ở huyện Tu Mơ Rông
Nhờ triển khai có hiệu quả các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thay đổi diện mạo các thôn, làng ở huyện Tu Mơ Rông

Từ việc chỉ đạo, định hướng của UBND huyện Tu Mơ Rông trong việc hỗ trợ phát triển sinh kế của địa phương, đã giúp đồng bào Xơ Đăng phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện thay đổi phương thức sản xuất, mạnh dạn thay đổi, phát triển những loại cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao, lâu dài và bền vững. Đến cuối năm 2023, toàn huyện giảm còn 2.145 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 30,36%; hộ cận nghèo là 338 hộ, chiếm tỷ lệ 4,78%.

Từ một hộ nghèo, giờ đây gia đình anh A Linh ở thôn Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông đã vươn lên trở thành hộ khá. A Linh chia sẻ: Có được cuộc sống như ngày hôm nay, là nhờ chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nên gia đình đã nhận thức được giá trị của cây sâm Ngọc Linh. Ngoài sự hỗ trợ của huyện, gia đình đã vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện để mua thêm cây giống sâm Ngọc Linh về trồng. Hiện gia đình đã trồng được gần 5.000 gốc sâm Ngọc Linh có độ tuổi từ 2 đến 10 năm.

Với những cách làm linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của người dân, việc hỗ trợ sinh kế cho đồng bào Xơ Đăng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, đã và đang phát huy hiệu quả. Tin rằng, với nguồn lực đầu tư của Chương trình MTQG 1719 và các chương trình khác, sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng huyện Tu Mơ Rông sớm thoát nghèo, ổn định và phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 góp phần giữ vững, nâng chất tiêu chí NTM ở vùng biên giới biển tỉnh Sóc Trăng

Chương trình MTQG 1719 góp phần giữ vững, nâng chất tiêu chí NTM ở vùng biên giới biển tỉnh Sóc Trăng

Thị xã Vĩnh Châu nằm ở khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống (chiếm hơn 70% dân số), trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 53%. Những năm qua, triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), diện mạo vùng nông thôn của thị xã đã đổi thay đáng kể, cuộc sống của đồng bào đã ấm no và đang ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ lồng ghép từ Chương trình góp phần giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới.