Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kon Tum: Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngọc Chí - 01:01, 16/07/2024

Triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Qua đó, từng bước phát huy được tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân vùng DTTS và miền núi.

Tỉnh Kon Tum tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến khảo sát và đầu tư
Tỉnh Kon Tum tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến khảo sát và đầu tư

Giúp đồng bào DTTS thay đổi phương thức sản xuất

Năm 2021, Hợp tác xã Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông được UBND xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông tạo điều kiện liên kết với bà con dân tộc Xơ Đăng để cùng sản xuất gừng, nghệ xuất khẩu, xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất dến khâu tiêu thụ. Việc liên kết này đã và đang giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập.

Theo ông Hà Văn Phương – Giám đốc HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông, bà con xã Đăk Na còn sản xuất thủ công, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lại được bao bọc bởi những cánh rừng già quanh năm mát mẻ, đây là điều kiện phù hợp với việc sản xuất nguyên liệu gừng, nghệ để xuất khẩu. Đến nay, chuỗi liên kết trồng gừng đã phát triển lên hơn gần 20ha và hơn 10ha nghệ dưới tán rừng, với gần 40 hộ dân tham gia liên kết trồng.

Cây gừng đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào Xơ Đăng ở xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông
Cây gừng đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào Xơ Đăng ở xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông

Anh A Blinh, thôn Đăk Riếp 1, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: Trước đây mảnh đất của gia đình chủ yếu trồng sắn, năng suất thấp. Sau khi được HTX gợi ý tham gia liên kết trồng gừng xuất khẩu, tôi và 8 hộ dân trong thôn tham gia trồng được 6ha gừng. Mô hình liên kết trồng gừng đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân, HTX ký kết bao tiêu sản phẩm cho người dân với giá 7.000-10.000 đồng/kg. Không những vậy, người dân còn được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc.

Tương tự, năm 2022, Công ty TNHH MTV Rẫy Rừng được chính quyền xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông tạo điều kiện vào liên kết với đồng bào DTTS thôn Đăk Prồ trồng, tái canh 120ha cà phê xứ lạnh. Khi liên kết, Công ty đã hỗ trợ người dân về cây giống, phân bón; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm cao hơn giá thị trường. Đồng thời, hướng dẫn người dân trồng xen canh các loại cây trồng khác để tăng thêm thu nhập.

Ông Hồ Hoàng Minh Thắng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Rẫy Rừng chia sẻ: Trước đây, bà con trồng cây cà phê nhưng không chăm sóc nên năng suất rất thấp và cây bị suy thoái nhanh. Khi Công ty liên kết đầu tư sản xuất cùng với bà con thì chưa đặt đến vấn đề lợi nhuận. Cái chính ở đây là giúp bà con giữ đất, giữ rừng, thay đổi phương thức sản xuất và tăng thêm thu nhập.

Từ khi tham gia liên kết sản xuất cà phê với Cty TNHH MTV Rẫy Rừng, người Xơ Đăng ở xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông đã thay đổi phương thức sản xuất
Từ khi tham gia liên kết sản xuất cà phê với Công ty TNHH MTV Rẫy Rừng, người Xơ Đăng ở xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông đã thay đổi phương thức sản xuất

Ông Nguyễn Văn Bay – Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông cho biết: Cây cà phê xứ lạnh đồng bào DTTS trồng từ lâu, nhưng do phương thức canh tác lạc hậu nên năng suất và hiệu quả kinh tế chưa cao. Khi Công ty vào liên kết với bà con đã giúp bà con thay đổi nhận thức, giờ bà con đã biết cách làm cành, bón phân và trồng thêm cây rừng, cây chuối xen trong vườn để vừa cải tạo đất vừa tăng thêm thu nhập.

Đến nay, tỉnh Kon Tum đã phát triển được hơn 300 hợp tác xã với trên 10.800 thành viên; trong đó, có 17,5% thành viên hợp tác xã là đồng bào DTTS. Riêng thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, thuộc Chương trình MTQG 1719, tỉnh Kon Tum đã triển khai được 15 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 108 mô hình phát triển cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các mô hình kinh tế tập thể và tạo bước đệm phát triển lĩnh vực nông nghiệp vùng DTTS.

Chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế

Kon Tum là vùng đất nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, nơi có ngã ba Đông Dương tiếp giáp với nước bạn Lào và Campuchia; diện tích tự nhiên lớn thứ 8 trên cả nước với tỷ lệ đất chưa xây dựng trên 90%, khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt thuận lợi để phát triển nông nghiệp, sản xuất và chế biến cây công nghiệp, các loại cây dược liệu quý, nhất là sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum còn được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái vô cùng phong phú, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc và 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, với bản sắc văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, những tiềm năng, lợi thế này chưa được khai thác để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp với các ngành chính như: Chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp và phát triển kinh tế lâm nghiệp; là vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển về các loài dược liệu trong đó có Sâm Ngọc Linh, chế biến nông lâm sản; tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa đặc sắc của cộng đồng các DTTS.

Huyện Tu Mơ Rông tổ chức nhiều hoạt động để quảng bá, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS&MN
Huyện Tu Mơ Rông tổ chức nhiều hoạt động để quảng bá, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS&MN

"Để khai thác được những tiềm năng này, lợi thế này, các cấp, ngành cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn huyện nhất là lĩnh vực chế biến Nông, lâm sản và dược liệu; tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ về kỹ năng xúc tiến đầu tư, tập huấn khởi nghiệp cho các đối tượng muốn tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp có chất lượng, đạt hiệu quả. Hỗ trợ đầu tư sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông quốc lộ 40B; tỉnh lộ 672, 678 và đường Ngọc Hoàng - Măng Bút kết nối Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen gắn với du lịch chinh phục đỉnh Ngọc Linh, trải nghiệm Vườn Quốc Bảo Sâm Ngọc Linh, Thác Siu Puông" – ông Võ Trung Mạnh cho biết thêm.

Ngày 05/6/2024, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch số 1961 về việc “Tổ chức các hoạt động thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Kế hoạch với mục đích triển khai thực hiện hiệu quả Nội dung số 03, Tiểu dự án 2, Dự án 3, thuộc Chương trình MTQG 1719; đẩy mạnh hoạt động truyền thông về khởi nghiệp và Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025 tới các đoàn thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khởi nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương.

Bên cạnh đó, các hoạt động sẽ tạo lập môi trường thuận lợi để tổ chức, cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp được hỗ trợ, tư vấn khởi nghiệp; hỗ trợ thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đồng bào DTTS; đẩy mạnh phát triển sản xuất, kết nối cung cầu, tăng cường trao đổi hàng hoá nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần thực hiện đạt mục tiêu hỗ trợ chương trình khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh Kon Tum đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại cây dược, nhất là sâm Ngọc Linh
Tỉnh Kon Tum đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại cây dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh

Bà Y Thanh – Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết: Huyện đang kêu gọi thu hút các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu, gắn với công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, huy động, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu đầu tư, phát triển dược liệu trong thời gian tới; hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển dược liệu, nhất là hạ tầng giao thông, khu sản xuất, kho bãi… Với kỳ vọng sẽ có thêm các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi, giúp đồng bào DTTS nâng cao thu nhập.

Kon Tum là tỉnh có tỉ lệ đồng bào DTTS cao, chiếm trên 54%. Với điều kiện kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, việc khuyến khích khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư sẽ là “bàn đạp” để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi, gắn với phát huy lợi thế ngành nông nghiệp của địa phương.