Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Triển khai chính sách an sinh xã hội trong đại dịch Covid-19: Vẫn yếu ở khâu thực thi

Sỹ Hào - 19:10, 11/08/2020

Từ giữa tháng 7 đến nay, đại dịch Covid-19 bất ngờ quay trở lại và diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước. Những dự báo không mấy lạc quan về tình hình lao động - việc làm những tháng cuối năm đang đặt ra yêu cầu bức thiết phải gấp rút đưa gói chính sách hỗ trợ an sinh đến tay người lao động; đồng thời bổ sung những cơ chế hỗ trợ phù hợp với tình hình mới.

Việc hỗ trợ LĐ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 cần được triển khai kịp thời. (Ảnh minh họa)
Việc hỗ trợ LĐ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 cần được triển khai kịp thời. (Ảnh minh họa)

Chậm triển khai

Khi đại dịch Covid-19 quay trở lại, Cục Việc làm - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã tính đến kịch bản xấu nhất là, trong những tháng cuối năm, số lao động (LĐ) mất việc làm có thể tăng khoảng 60 - 70 nghìn người mỗi tháng. Số doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%; trong khi số LĐ bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5 - 5 triệu người.

Nếu diễn biến đi theo đúng kịch bản của Cục Việc làm, thì việc xây dựng các chính sách phù hợp để hỗ trợ DN, người dân cho những tháng cuối năm là hoàn toàn cần thiết, tránh tình trạng “đứt gãy” của nền kinh tế, đồng thời ổn định đời sống an sinh. Bởi với tác động của dịch Covid-19 (lần 1), quý II năm nay ghi nhận mức tăng trưởng của nền kinh tế thấp nhất trong vòng 10 năm qua (chỉ tăng 1,81%); cùng với đó là khoảng 1,3 triệu LĐ bị thất nghiệp.

Nhưng trước khi xây dựng chính sách mới, ngay lúc này các địa phương phải gấp rút giải ngân gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ (hỗ trợ 3 tháng 4, 5, 6 - Pv). Bởi theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tính đến ngày 13/7, các địa phương mới giải ngân được gần 11.600 tỷ đồng hỗ trợ cho gần 11.540 người và 9.425 hộ kinh doanh.

Đáng chú ý, hiện các địa phương cũng mới chỉ tập trung giải ngân gói hỗ trợ cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội (người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo được hỗ trợ hơn 11.000 tỷ đồng); chưa có nhiều LĐ bị mất việc, giãn việc và DN được tiếp cận gói hỗ trợ này.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, hết tháng 6 mới có gần 16 nghìn LĐ được hỗ trợ, trong khi theo dự kiến là 1 triệu người. Còn với DN, theo chính sách hỗ trợ, sẽ được vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để trả lương cho LĐ. Nhưng theo báo cáo của Ngân hàng CSXH và thông tin đăng tải trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hiện chưa có hồ sơ nào được giải ngân.

Gỡ các “nút thắt”

Những số liệu nêu trên cho thấy, việc thực thi chính sách hỗ trợ LĐ, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn là một khâu yếu. Nguyên nhân chính là do những quy định bắt buộc không phù hợp với thực tế.

Với LĐ bị mất việc, giãn việc nhưng không đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, thì cần có xác nhận của chính quyền địa phương nơi LĐ đăng ký thường trú là chưa nhận hỗ trợ từ chính sách này. Nhưng phần lớn LĐ làm ở các khu công nghiệp đều là những LĐ đi làm ăn xa, đăng ký tạm trú. Vì vậy, muốn tiếp cận gói hỗ trợ thì LĐ phải về quê xin xác nhận của địa phương. “Ăn một bát cháo, chạy ba quãng đồng”, tiền hỗ trợ chưa hẳn đã đủ tiền đi lại nên nhiều LĐ chấp nhận bỏ qua quyền lợi của mình.

Còn với DN, theo quy định, muốn tiếp cận chính sách hỗ trợ thì phải chứng minh tài chính của DN (nguồn tiền, lợi nhuận) bằng 0. Nhưng trên thực tế, DN chỉ khó khăn trong giai đoạn này, yêu cầu DN chứng minh tài chính bằng 0 thì rất khó. DN dù có muốn được hỗ trợ nhưng thủ tục quá khó thì họ đành chịu.

Đây là những “nút thắt” trong chính sách hỗ trợ DN, người LĐ cần được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp thực tế. Nếu không, dù tới đây Nhà nước có quyết định thực hiện thêm gói chính sách mới nào để hỗ trợ DN, người dân thì việc thực thi chính sách vẫn là một khâu yếu.