Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thủ tướng: Chính phủ thấu hiểu các khó khăn trong sản xuất kinh doanh

PV - 14:50, 03/03/2020

Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 vào sáng 3/3, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý cho một chỉ thị mới, trong đó đưa ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhờ tinh thần chủ động, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng cho rằng, hệ thống chính trị đã chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 một cách căn bản, đạt kết quả đáng mừng.

Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam. Cho nên, ngay từ đầu, bên cạnh việc tham khảo, tham vấn các đánh giá từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức khác nhau, chúng ta tham khảo chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, “Việt Nam đã bình tĩnh, có thể rất tỉnh táo trong nhìn nhận vấn đề theo nhãn quan của mình và chuẩn bị sẵn sàng mọi khả năng từ rất sớm”.

Đến nay, chúng ta chỉ có 16 ca mắc; đã điều trị hồi phục sức khỏe cho cả 16 người; 18 ngày qua không ghi nhận ca nhiễm bệnh mới. Dịch ở Việt Nam không bị lan tràn, ít ảnh hưởng nhất, mặc dù chúng ta có biên giới dài và giao thương lớn với Trung Quốc.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là ngành y tế, các chiến sĩ áo trắng đã quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra, đạt được kết quả khả quan bước đầu trong phòng chống dịch. Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước đã ủng hộ.

Tuy nhiên, trong nhiều ngày qua, tại nhiều nước trên thế giới, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, số người mắc tăng nhanh, lan rộng sang nhiều nước. Thủ tướng yêu cầu, “tuyệt đối không được chủ quan, do dự, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng chống dịch đã đề ra”. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tiếp tục đóng góp ý kiến cho công tác này.

Về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho biết, do dịch COVID-19, tất cả các nền kinh tế lớn của thế giới đều bị ảnh hưởng. Doanh thu hàng không toàn cầu được dự báo là thiệt hại khoảng 30 tỷ USD; du lịch thiệt hại khoảng 80 tỷ USD. Tâm lý bi quan khiến tất cả thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm mạnh. USD tăng giá mạnh (đã tăng 4% kể từ đầu năm); giá vàng tăng cao nhất trong 7 năm qua; giá dầu thế giới đã giảm thấp, có thời điểm xuống dưới 50 USD/thùng.

Đối với Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định, dịch bệnh COVID-19 có tác động trước hết đến hàng không, du lịch, dịch vụ, tiếp đến là thương mại, đầu tư, đặc biệt là gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Về tình hình tháng 2, theo Thủ tướng, tuy bị ảnh hưởng nhiều mặt, nhưng cơ bản chúng ta giữ ổn định. Xuất khẩu vẫn tăng. Nhập siêu trong kiểm soát. Xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Nhập siêu khoảng 176 triệu USD.

Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, dịch bệnh dần được kiểm soát.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với cùng kỳ. Các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện.

Nhìn tổng quát, dưới tác động của dịch COVID-19, nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn, bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là ngành hàng không, du lịch, vận tải. “Chúng ta thấy có những khách sạn gần như đóng cửa, nhiều khu du lịch vắng người”, Thủ tướng cho rằng, không thể vì doanh thu, mở cửa đón khách du lịch tràn lan để ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Tốc độ tăng của nhiều ngành giảm so với cùng kỳ, trong đó có ngành chế biến chế tạo, tổng mức bán lẻ hàng hóa, nhập khẩu nguyên vật liệu, nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu, sự đứt gãy chuỗi cung ứng… Đây là những vấn đề cần thảo luận để có những giải pháp tháo gỡ, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hai tháng qua, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, khoảng 7,38%, còn 6 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương chưa phân bổ hết vốn kế hoạch. Điều này cũng cần thảo luận để khắc phục.

Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý về chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.

“Sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Chính phủ thấu hiểu điều này, các ngành, các cấp phải thấu hiểu điều này để có biện pháp chỉ đạo sát hơn”, Thủ tướng nói.

Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về phiên họp này.