Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tọa đàm trực tuyến "Phụ nữ với thiên tai"

Ngọc Hà -CĐ - 08:00, 20/10/2021

Kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, tối ngày 19/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT) phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm “Phụ nữ với thiên tai”.

Nhiều câu chuyện được chi em phụ nữ chia sẻ liên quan đến công tác phòng chống thiên tai.
Nhiều câu chuyện được chi em phụ nữ chia sẻ liên quan đến công tác phòng chống thiên tai.

Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối các điểm cầu Tổng cục PCTT, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và tỉnh Gia Lai.

Tham dự chương trình có ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT; bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam; bà Phùng Thị My Ni, Chủ tịch UBMTTQ-Đội phó phụ trách hậu cần của Đội Xung kích PCTT xã Đông, huyện KBang, tỉnh Gia Lai và nữ ca sỹ Sèn Hoàng Mỹ Lam - Giải Nhất “Sao Mai 2017”, “Người hát tình ca 2018”.

Tại tọa đàm, các khách mời đã cùng chia sẻ những câu chuyện về “góc nhìn của phụ nữ về thiên tai”, bình luận xoay quanh các vấn đề “nhìn nhận đúng về phụ nữ trong thiên tai” và đưa ra các đề xuất, kiến nghị “làm thế nào để phát huy năng lực, đóng góp của phụ nữ với công tác PCTT”.

Là một người con của dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên tại tỉnh miền núi Lào Cai, nữ ca sỹ Sèn Hoàng Mỹ Lam mang đến chương trình những ký ức ngày bé của một thiếu nữ vùng cao mỗi mùa mưa lũ. Mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất không phải là điều hiếm gặp ở quê hương cô và những đứa trẻ vùng cao đã phải đối mặt với điều đó ngay từ bé. Với tập quán của đồng bào vùng cao, trước đây sinh sống chủ yếu ở các khu vực ven sông, ven suối, hoặc ở chân núi, lưng chừng núi nên nguy cơ càng lớn hơn. Thậm chí, mưa lũ, sạt lở có thể khiến những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, hoặc đôi khi bản thân những người phụ nữ mất đi cả tính mạng. Tuy rằng bây giờ đời sống của đồng bào vùng cao đang ngày càng được cải thiện, nhận thức người dân đã được nâng lên, nhưng Mỹ Lam vẫn mong muốn phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng được quan tâm nhiều hơn, trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng về PCTT, để có thể tự bảo vệ mình và những người thân khi không may có sự cố xảy ra.

Chị Phùng Thị My Ni hiện là Chủ tịch UBMTTQ xã Đông, huyện KBang, tỉnh Gia Lai, thành viên Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn của xã, Đội xung kích PCTT của xã. Chị đã từng đại diện tỉnh Gia Lai tham dự cuộc thi “Xung kích PCTT” - game show đầu tiên về PCTT trên sóng truyền hình Việt Nam vào năm 2020.

“Nơi tôi sống là xã Đông, huyện Kbang thuộc khu vực phía đông của tỉnh Gia Lai. Ở đây có dòng sông Ba đi qua và do địa hình đồi dốc, tập trung nhiều suối nên mùa mưa thường xảy ra lũ lụt kéo dài, gây thiệt hại lớn. Ngay thời điểm này, mưa lớn đang xuất hiện suốt một tuần qua, các thành viên nữ trong Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn, Đội xung kích PCTT của xã đã chủ động, tích cực trong việc vận động bà con Nhân dân di dời tài sản, gia súc ra khỏi khu vực Tây Sông Ba, đề phòng lũ quét. 

Hiện các con đường ra khu sản xuất gần như ngập úng hoàn toàn, chị em gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển và tiếp cận các hộ dân sinh sống gần sông. Có nhiều đoạn phải đi bộ 3-4 km. Các thành viên nữ chủ yếu phụ trách công tác hậu cần và huy động nguồn lực, chuẩn bị quân tư trang, vật dụng cho Đội xung kích. Bên cạnh đó, việc vận động sự vào cuộc của người dân trong ứng phó với mưa bão còn gặp khó khăn. Một số người dân còn thụ động và bảo thủ; mặc dù thông tin đã được thông báo thường xuyên trên hệ thống loa đài nhưng đôi khi bà con vẫn còn chủ quan”. Chị Phùng Thị Mỵ chia sẻ.

Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh: “Thực tế cho thấy, mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế xã hội, nhưng vấn đề bình đẳng giới vẫn tồn tại, bất cập ở một số nơi. Điều này không chỉ gia tăng rủi ro và tác động của thiên tai lên phụ nữ mà còn hạn chế khả năng và đóng góp của phụ nữ trong ứng phó với thiên tai. Vẫn còn định kiến giới, cho rằng thiên tai là “lĩnh vực của nam giới” chứ không phải công việc của phụ nữ, dẫn đến cách tiếp cận thiên vị là tập trung vào bảo vệ phụ nữ hoặc coi họ là nạn nhân, không phải là tác nhân bình đẳng trong PCTT. Chính vì vậy, phụ nữ bị hạn chế trong việc tiếp cận các khóa đào tạo hoặc nâng cao năng lực về PCTT, cảnh báo sớm và lập kế hoạch hoặc ra quyết định về PCTT tại cộng đồng.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng Cục PCTT chia sẻ thông tin về công tác PCTT với chị em phụ nữ.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng Cục PCTT chia sẻ thông tin về công tác PCTT với chị em phụ nữ.

Đồng quan điểm với bà Elisa Fernandez, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN nhấn mạnh, phụ nữ vừa là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, vừa là nhân tố quan trọng trong quá trình PCTT và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong gia đình, cộng đồng, có mối quan hệ gần gũi với những người xung quanh, cũng có khả năng tạo ra nguồn lực để thích ứng và giảm nhẹ thiên tai. Đối với Hội LHPN Việt Nam - tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, công tác PCTT là một trong những nội dung nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện qua nhiều nhiệm kỳ qua.

“Tại nhiều tỉnh/thành, Hội LHPN các cấp đã tổ chức các lớp dạy tập bơi cho trẻ em; hướng dẫn chị em thực hành các bước chuẩn bị PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”; truyền đạt cách thức đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản, vệ sinh môi trường để phòng tránh bệnh tật sau thiên tai. Với mạng lưới ở cộng đồng, các cấp Hội thu thập và cung cấp số liệu phụ nữ và trẻ em gái bị thiệt hại, nắm nhu cầu, tình hình thiệt hại của phụ nữ và trẻ em gái ở tất cả các lĩnh vực (nước sạch vệ sinh môi trường, dinh dưỡng anh ninh lương thực, sức khỏe, an toàn, an ninh, nơi tạm lánh….) giúp giải quyết tốt vấn đề thông tin hai chiều; từ đó đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm dân cư bị ảnh hưởng do thiên tai. Bên cạnh đó là tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, chia sẻ với cán bộ trong thực hiện hoạt động PCTT”.

Bên cạnh những thuận lợi, bà Nguyễn Thị Minh Hương cũng khẳng định, trong công tác PCTT còn những khó khăn cơ bản. Đó là: vẫn tồn tại sự nhìn nhận chưa đúng, chưa công bằng của xã hội, các cấp, các ngành đối với vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong các công tác phòng chống lũ lụt; tồn tại những định kiến đối với phụ nữ trong thiên tai như quan điểm cho rằng phụ nữ là “nhóm nạn nhân”; “phụ nữ không nên tham gia vào các hoạt động quản lý giảm thiểu rủi ro thảm hoạ như trong Ban Chỉ huy, đội cứu hộ, chỉ nên coi họ là một trong những đối tượng cần quan tâm đặc biệt trong thảm hoạ”. Trong bối cảnh thiên tai, định kiến này sẽ khiến vai trò tham gia của phụ nữ ở thế thụ động, phụ nữ bị hạn chế tham gia. Ngoài ra, việc cụ thể hoá các nguyên tắc về lồng ghép giới trong dự thảo văn bản chính pháp luật còn khó khăn; thông tin phân tách giới vẫn là điểm yếu nói chung trong các báo cáo cập nhật tình hình thiên tai và ảnh hưởng bởi thiên tai, nhu cầu giới trong thiên tai.

Bởi vậy, theo bà Hương, các kế hoạch hành động PCTT, thích ứng với BĐKH ở tất cả các cấp cần được xây dựng theo phương pháp có sự tham gia của đầy đủ các thành phần, bao gồm nam giới và phụ nữ ở mọi lứa tuổi và trình độ, sử dụng phương pháp tiếp cận quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về PCTT. Đầu tư vào các sáng kiến đổi mới do phụ nữ lãnh đạo để nâng cao năng lực thích ứng. Tăng cường cơ chế chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong người dân, phụ nữ nói riêng về PCTT. 

Đầu tư nguồn lực cho các hoạt động nâng cao năng lực về giới các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, BCH PCTT&TKCN các cấp, các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ làm công tác quản lý rủi ro thiên tai và BĐKH các cấp,... để lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và vấn đề phụ nữ vào công tác chỉ đạo về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng BĐKH. Đảm bảo công tác thu thập và tổng hợp các dữ liệu có tách biệt về giới tính và các thông tin liên quan về giới từ cấp địa phương, đặc biệt là các đánh giá về thiệt hại và nhu cầu sau thiên tai, thảm họa.

Theo các đại biểu tham dự tọa đàm, để bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái trong các thảm họa, chúng ta cần nâng cao nhận thức và năng lực của các bên liên quan của cộng đồng và Chính phủ về vấn đề an toàn và an ninh của phụ nữ và trẻ em; Cần xây dựng và thực hiện các quy tắc ứng xử cho người làm công tác PCTT hoặc hướng dẫn về bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bị bóc lột và lạm dụng tình dục. 

Trong thời gian tới, UN Women sẽ cùng với Tổng cục xây dựng một hướng dẫn về đảm bảo an toàn cho phụ nữ khi sơ tán và di dời trong thiên tai. Bên cạnh đó, để phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác PCTT, cần tạo thêm không gian hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho phụ nữ để họ có thể đóng góp nhiều hơn vào công tác PCTT tại Việt Nam, nhưng cũng để các công việc, đóng góp của họ được nhiều người biết đến và được ghi nhận nhiều hơn. Năng lực, kiến ​​thức, kỹ năng và quan điểm của phụ nữ sẽ làm cho các hoạt động PCTT hiệu quả hơn, bao trùm và bền vững hơn.

Chúc mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ông Trần Quang Hoài khẳng định: Phụ nữ đang và sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong công tác PCTT tại gia đình và cộng đồng. Trước, trong và sau mỗi đợt thiên tai, người phụ nữ luôn biết cách qua vượt mọi khó khăn, đóng góp sức mình trong việc chuẩn bị nhu yếu phẩm, chăm sóc sức khỏe cho gia đình và cộng đồng, trực tiếp tham gia vào công tác ứng phó, giảm thiêu rủi ro thiên tai tại các cấp. Hiện nay, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT có 02 đồng chí Ủy viên là nữ giới; còn tại địa phương, người phụ nữ cũng tham gia tích cực trong Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu từ cấp tỉnh, thành phố tới cấp xã, phường cũng như Đội xung kích PCTT tại địa phương. Luật PCTT cũng bổ sung những điều thể hiện rõ vai trò của nữ giới cũng như vấn đề bình đẳng giới trong công tác PCTT.