Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Trị: Mưa lớn gây thiệt hại, các địa phương lên phương án khắc phục

Khánh Ngân - 21:47, 18/10/2021

Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị mưa trên diện rộng, có nơi mưa rất to, đã có những thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân. Đến chiều 18/10, mưa đã giảm, có nơi tạnh ráo. Các địa phương đang khẩn trương lên phương án khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất vụ thu đông.

Tràn Ba Lòng (xã Ba Lòng, huyện Đa Krông) nước vẫn còn chảy xiết, các phương tiện vẫn chưa thể lưu thông
Tràn Ba Lòng (xã Ba Lòng, huyện Đa Krông) nước vẫn còn chảy xiết, các phương tiện vẫn chưa thể lưu thông

Đã có người mất tích

Từ trưa ngày 16/10 đến 20h ngày 17/10, trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung bộ đã có mưa to đến rất to trên diện rộng, gây chia cắt giao thông ở một số địa phương, và đã có thương vong về người.

Tại Quảng Trị, những trận mưa liên tiếp trong các ngày 16 và 17/10 đã làm cho mực nước ở sông, suối trên địa bàn huyện miền núi Đakrông (nơi có gần 80% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số) lên nhanh, làm ngập các cầu tràn, ngầm tràn. 

Theo ghi nhận của phóng viên vào chiều 18/10, tại tràn Tà Rụt - A, đường vào trung tâm xã A Vao hiện mực nước vẫn đang cao, chảy xiết, các phương tiện giao thông vẫn chưa thể thông tuyến.

Còn tại tràn Ba Lòng, xã Ba Lòng, đến 16h chiều nay (18/10), mực nước vẫn đang vượt mặt tràn khoảng 2m. Nước cuồn cuộn chảy, xã Ba Lòng vẫn còn bị chia cắt. Trao đổi qua điện thoại, lãnh đạo UBND xã Ba Lòng cho biết: “Do mưa lớn kéo dài, nên trên địa bàn xã đã có 37 căn nhà bị ngập nước sâu từ 0,5 - 1,5m”.

Riêng Quốc lộ 15, đoạn qua tràn Đakrông, thôn A Rồng, xã A Ngo mực nước ngập sâu 0,5 - 2m, gây chia cắt đường vào trung tâm xã Ba Nang. Mặc dù trời đã tạnh mưa, nước ở các khe suối, tràn đã xuống dần, tuy nhiên người dân vẫn chưa thể đi qua tràn, vì rất nguy hiểm.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đakrông, trận mưa do hoàn lưu bão số 8 trên địa bàn, đã gây thương vong về người. Nạn nhân được xác định là Hồ Văn D., người Bru Vân Kiều, có hộ khẩu thường trú ở khóm 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Khi mưa lũ về, nạn nhân đang có mặt tại địa bàn huyện Đakrông, khi đi qua lội qua tràn thôn Ly Tôn, xã Tà Long lúc 18h30 ngày 16/10 và đã bị nước lũ cuốn trôi.

Ngược lên huyện biên giới Hướng Hóa, nhìn chung nước đã rút nhiều hơn so với những ngày trước đó. Tại xã Hướng Lập, được coi là địa phương ảnh hưởng nặng nhất trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Có mặt tại tràn bản Sê Pu đi thôn Cu Bai và bản Tà Păng, nước ngập tràn và tạm thời chia cắt giao thông. Mặc dù nước đã rút, nhưng người dân địa phương vẫn chưa thể qua tràn. 

Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, ông Hoàng Đình Bình, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hướng Hóa cho biết: “Mưa lớn trong nhiều ngày liên tiếp, đã làm cho 6 ngôi nhà bị tốc mái, 22 ha cây ăn quả, 2 ha hoa màu trên địa bàn huyện bị thiệt hại".

Mưa lũ đã làm cho nhiều công trình thủy lợi ở huyện Đakrông bị hư hỏng nặng
Mưa lũ đã làm cho nhiều công trình thủy lợi ở huyện Đakrông bị hư hỏng nặng

Các địa phương khẩn trương khắc phục

Chiều hôm nay, 18/10, thời tiết bắt đầu nắng ráo, các địa phương bị thiệt hại do mưa lớn kéo dài, khẩn trương thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả, tìm kiếm người mất tích.

UBND huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tổ chức dọn dẹp vệ sinh, môi trường, bảo đảm giao thông đi lại cho Nhân dân. Đồng thời, tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết để chủ động phương án ứng phó.

Đối với 6 căn nhà bị tốc mái, UBND huyện Hướng Hóa chỉ đạo các địa phương gia cố, khắc phục sửa chữa kịp thời cho người dân để yên tâm và ổn định cuộc sống. Riêng diện tích cây ăn quả bị thiệt hại, các xã đã cử cán bộ nông nghiệp, xuống từng hộ gia đình để kiểm tra thực tế, đồng thời tư vấn cho bà con dựng gốc, tỉa cành để cây tái sinh. Những diện tích, loại cây không thể tái sinh, thì lên phương án tìm cây giống trồng thay thế, để Nhân dân sớm ổn định cuộc sống.

Không như huyện Hướng Hóa, huyện Đakrông hiện vẫn còn nhiều vùng bị ngập lụt, chia cắt. UBND huyện, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện chỉ đạo các địa phương cắt cử lực lượng ứng trực, cắm biển cảnh báo không cho người và phương tiện đi qua. 

Huyện đang tiếp tục chỉ đạo lực lượng Công an huyện, dân quân xã triển khai công tác tìm kiếm người mất tích. Huy động lực lượng người và phương tiện khẩn trương khắc phục tuyến đường bị sạt lở, tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, bảo đảm giao thông đi lại cho Nhân dân. Đồng thời, tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết để chủ động phương án ứng phó.

Đối với các công trình thủy lợi hư hỏng sau mưa lũ, địa phương đang lên phương án khắc phục, sửa chữa tạm để kịp thời tưới, tiêu phục vụ bà con sản xuất cây vụ đông./.