Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tín ngưỡng phồn thực tạo nên bản sắc Chăm

PV - 11:38, 12/08/2020

Bên cạnh tục thờ sinh thực khí, trong kiến trúc, điêu khắc của người Chăm, tín ngưỡng phồn thực cũng thể hiện rõ nét, nhất quán. Mọi mặt đời sống người Chăm đều mang tính phồn thực.

Lễ cúng luôn có lễ mặn, lễ nhạt
Lễ cúng luôn có lễ mặn, lễ nhạt

Dâng cúng luôn có lễ nhạt, lễ mặn

TS Trương Văn Món, Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá Chăm, cho hay trong thờ cúng của người Chăm luôn có biểu tượng đối ngẫu kết hợp âm dương.

Lễ Ri chà nư cành là một ví dụ. Đây là một lễ hội dân gian lâu đời của người Chăm, được tổ chức vào đầu năm để cầu mưa, cầu bình an, vạn vật sinh sôi nảy nở. Lễ Ri chà nư cành thường được tổ chức chính thức trong hai ngày thứ năm (còn gọi là ngày vào) và ngày thứ sáu (ngày ra) của tuần. Theo quy định, ngày thứ năm cúng gà, ngày thứ sáu cúng dê.

Trong lễ vật dâng cúng, luôn có hai phần: nhạt và mặn. Khi cúng, người ta cúng vào hai ngày chẵn, lẻ. Ngày đầu người ta cúng dê, dê tượng trưng cho dương; ngày hôm sau cúng gà, tượng trưng cho âm.

“Ví dụ chuối của người Chăm khi cúng thần trời, người ta để ngửa lên, cúng thần đất lại úp xuống. Thịt một con vật như dê, khi người ta luộc, chia thịt ra để cúng thì từ rốn con dê hay rốn con bốn chân đến hai chân trước và đầu để trên mâm cao, từ rốn trở xuống đuôi, hai chân sau để ở mâm thấp. Đó cũng là sự đối ngẫu âm và dương. Tất cả đều toát lên ý nghĩa phồn thực, hội nhập và chuyển hóa lẫn nhau. Người Chăm quan niệm có cái đó con người mới sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi, cơm cá đầy khoang, mưa thuận gió hòa. Nếu không rất khó phát triển” - theo TS Món.

Sinh thực khí – năng lượng sáng tạo!

Trong lễ cúng Ri chà nư cành, người Chăm sẽ múa điệu múa âm dương mang đậm tính phồn thực. Người ta làm 3 lễ vật dâng cúng bằng gỗ có hình dáng như sinh thực khí nam, chọn trong làng một người đàn ông khỏe mạnh, cầm khúc gỗ hình sinh thực khí đó múa cùng bà bóng.

“Đó là biểu hiện phồn thực rõ nhất của người Chăm. Ý nghĩa sâu xa: trời với đất giao hòa. Từ đó con người, vật nuôi, cây trồng sinh sôi. Triết lý phồn thực đơn giản nhất hồi xưa của người Chăm là như vậy. Đó là tín ngưỡng tôn giáo cổ xưa” - TS Món nói.

Bên cạnh các nghi thức cúng lễ dân gian, sau này, khi người Chăm du nhập tôn giáo Bà La Môn từ Ấn Độ thì tục thờ sinh thực khí người đàn ông (Linga) và sinh thực khí của người phụ nữ (Yoni ) vô cùng sống động trong đời sống người Chăm. Có lẽ không ở đâu trên đất nước ta, Linga và Yoni lại có số lượng nhiều, hình dáng đa dạng và kích thước lớn như ở vùng đất người Chăm sinh sống.

Người Chăm cho rằng Linga và Yoni chính là biểu hiện hai mặt âm dương của vũ trụ, là cội nguồn sáng tạo, là sự khởi sinh của muôn loài. Vì thế, biểu tượng sinh thực khí Linga và Yoni, người Chăm gọi là Năng Lượng Sáng Tạo! Sự xuất hiện của Linga – Yoni trong tục thờ tự của người Chăm chính là biểu hiện sống động về tín ngưỡng phồn thực. 

Phải có nhà cái, nhà đực!

Bên cạnh tục thờ sinh thực khí, trong kiến trúc, điêu khắc của người Chăm, tín ngưỡng phồn thực cũng thể hiện rõ nét, nhất quán. Tháp Chăm tượng trưng cho ngọn núi Mê ru ở Ấn Độ. Nhìn xa, chóp tháp có hình tượng của linga, toàn bộ tháp lại là biểu tượng của yoni.

TS Món cho hay toàn bộ điêu khắc đền tháp Chăm từ Mỹ Sơn đến Ninh Thuận đều khoác lên mình vẻ phồn thực. Ví như tháp Chăm thường có 3 tầng, bởi với người Chăm con số 3 là con số phát triển, may mắn. Vì thế, cụm tháp Chăm cũng thường có 3 tháp như tháp Po Klong Garai có tháp cổng, tháp lửa và tháp chính. 

Kiến trúc tháp luôn mang yếu tố nước và lửa. Tháp cổng là nơi rước nước tắm tượng Linga – Yoni, trong khi đó tháp lửa là nơi cất giữ ngọn lửa thiêng. Bên trong tháp, các tượng dù đứng hay ngồi luôn ở tư thế thiền, mắt lim dim nhìn vào cõi xa xăm. Và đặc biệt, tượng nữ thường được mô tả với bộ ngực nở nang, cặp mông căng tròn, đều là biểu tượng của sự phồn thực.

Không chỉ kiến trúc đền tháp, ở kiến trúc nhà cửa, tín ngưỡng phồn thực hiện lên rất rõ ở quan điểm làm nhà: Làm nhà không đúng thì làm ăn không tốt, đường con cái gặp khó khăn. Vì thế khi làm nhà người ta thuân thủ đúng theo nguyên tắc nhà phải có nhà cái, nhà đực. Nhà tục – nhà dơ là tượng trưng cho phụ nữ. Còn nhà mư dâu tượng trưng cho đực.

Áo Chăm – Sự hài hòa âm dương

Tín ngưỡng phồn thực của người Chăm thể hiện đa dạng, xuyên suốt mọi mặt trong đời sống văn hóa. Ngay trên trang phục, sự phồn thực ấy chính là hai mảng màu đối lập. Xưa, áo dài phụ nữ Chăm luôn có hai phần: phần trên màu tím, màu hoa cà, phần dưới màu xanh hay màu đen.

Theo TS Món: "Màu rực rỡ, chói chang, màu chóe là màu Chăm. Cái đó người ta lý giải tại sao vùng nắng nóng mà người Chăm hay mặc áo đỏ, áo vàng, áo tím, áo xanh. Đó cũng là khát khao của sự phồn thực. Sau này ảnh hưởng người Kinh, người Chăm mới mặc áo dài một màu, còn hồi xưa luôn luôn hai phần”.

Ngay trong trang phục của tầng lớp tu sĩ người Chăm cũng có hai phần: phần âm và phần dương. Mặc áo trắng, đội khăn đỏ nổi bật. Màu đỏ tượng trưng cho mặt trời, màu trắng tượng trưng cho mặt trăng. Đặc biệt, tu sĩ Hồi giáo Bà Ni mặc áo cổ tim, tượng trưng cho nữ nhưng trước ngực lại đeo tua vải đỏ hình sinh thực khí nam và đầu không để tóc, tượng trưng cho người đàn ông. Còn tu sĩ Chăm Bà La môn mặc áo cổ đàn ông, nhưng lại đeo một chiếc túi hình sinh thực khí nữ và đầu búi tóc tượng trưng cho nữ giới. Theo TS Trương Văn Món, điều này thể hiện trong dương có âm và trong âm có dương.


Đám cưới: Đón rể từ 2 giờ chiều

Người Chăm theo chế độ mẫu hệ. Đám cưới, chàng rể phải theo vợ về nhà. Theo TS Trương Văn Món, chú rể tượng trưng cho dương, cô dâu tượng trưng cho âm. Vì thế khi đón rể, người ta sẽ đón về nhà vợ bắt đầu từ 2 giờ chiều. Bởi buổi chiều là âm, âm dương kết hợp mới có sinh sôi nảy nở. Phòng cô dâu luôn luôn phải có hai chum đựng gạo, một lớn, một nhỏ thể hiện chum cái, chum đực. Trong chum, người ta để vỏ dừa vun đầy gạo, với hy vọng đôi trẻ làm ăn phát đạt, con đàn cháu đống.

Trong lễ vật nhà cô dâu đến cầu hôn chú rể hoặc trong lễ cưới có hai loại bánh rất quan trọng. Một là bánh Sakaya, tượng trưng cho dương, tượng trưng cho trời và một bánh giống như bàn tay người lớn, tượng trưng cho âm. Loại bánh thứ hai không thể thiếu là bánh tét. Người ta gói một loại bánh tét hình linga, một loại hình chữ nhật tượng trưng cho yoni. Tất cả đều thể hiện mong muốn cho đôi vợ chồng hạnh phúc, cuộc sống sung túc.