Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhiều bản làng bị cô lập, bốn bề lũ dữ

Thanh Hải - 10:25, 24/07/2025

Sáng 24/7, nước lũ trên sông Cả vẫn tiếp tục lên cao. Những bản làng bị cô lập suốt nhiều giờ qua ở vùng miền núi xứ Nghệ, vẫn đang đối mặt với bốn bề lũ dữ, sạt lở…

Bản làng xác xơ, cô lập sau lũ ở xã Mỹ Lý - Ảnh: CTV
Bản làng xác xơ, cô lập sau lũ ở xã Mỹ Lý - Ảnh: CTV

“Tâm chấn” của đợt lũ này gần như nằm trọn ở xã Tương Dương khi thời điểm cao nhất vào sáng 23/7 đã có đến 21 bản bị cô lập. Từ đỉnh đồi cao trên khu vực đài truyền thanh, truyền hình huyện Tương Dương cũ, nhìn rộng ra, cả một vùng mênh mông nước bạc, nhấp nhô những mái nhà sàn, những ngọn cây dẹp về một bên theo dòng nước chảy. Giữa dòng sông Cả, những bọt nước bàng bạc, cuốn theo cành cây, gỗ mục… ào ào đổ về xuôi.

Sáng 24/7, Chủ tịch UBND xã Tương Dương - ông Nguyễn Hồng Tài cho biết: Vẫn còn khoảng 15 bản đang bị cô lập, đáng chú ý là 4 bản bên kia sông gồm bản Chắn, bản Lau, bản Mác, bản Nhẫn với 470 hộ như những ốc đảo do 3 cây cầu treo bắc qua sông Cả đã bị cuốn trôi hoàn toàn.

Xã Nhôn Mai đang bị cô lập hoàn toàn - Trong ảnh: Người dân Nhôn Mai thẫn thờ nơi con lũ đi qua
Xã Nhôn Mai đang bị cô lập hoàn toàn - Trong ảnh: Người dân Nhôn Mai thẫn thờ nơi con lũ đi qua

Thông tin liên lạc vẫn đảm bảo với Ban Chỉ huy các bản. Tuy nhiên vẫn chưa thể tiếp cận được vì bị cô lập từ sáng 22/7. Với tình trạng nước dâng cao, chảy xiết hiện nay là điều không thể. Hiện chưa có thiệt hại về người, bà con đã di vén lên ở các hộ cao hơn và sử dụng lương thực tích trữ của gia đình, người thân - ông Tài thông tin.

Nằm trên địa phận sông Nậm Nơn, xã Lượng Minh cũng đang có đến 1.163 hộ, 5.199 khẩu bị ảnh hưởng do lũ, đáng chú ý, có đến 4/10 bản bị cô lập từ sáng 23/7. 

Theo báo cáo nhanh của xã Lượng Minh: Lũ đã cuốn trôi 1 cầu treo bản Xốp Mạt, hư hỏng cầu treo bản Lạ; tuyến đường độc đạo 543B đi qua xã bị ngập sâu 4km, sạt lở tứ tung; tuyến đường 543B vào 4 bản vùng trong bị chia cắt do cầu treo bị cuốn trôi, sạt lở ta luy âm và dương… Chủ tịch UBND xã Lượng Minh Nguyễn Văn Hòa nói nhanh: Vẫn chưa thể tiếp cận được với các bản bị cô lập do giao thông ách tắc, nước lũ chảy xiết và sạt lở nhiều vị trí xung yếu. Chúng tôi rất lo. Cũng may thông tin liên lạc vẫn đảm bảo và chưa có thiệt hại về người.

Việc tiếp cận các bản làng bị lũ quét đang rất khó khăn - Ảnh: CTV
Việc tiếp cận các bản làng bị lũ quét đang rất khó khăn - Ảnh: CTV

Ở các xã vùng rẻo cao như Nhôn Mai, Mỹ Lý… tình trạng bị cô lập hoàn toàn do lũ ống, lũ quét là một thực tế nhói lòng. 

Đến sáng 24/7, xã biên giới Nhôn Mai vẫn đang bị cô lập, chia cắt hoàn toàn với bên ngoài. Trong cuộc gọi chập chờn với ông Lê Hồng Thái - Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, thì được biết: Tuyến quốc lộ 16 nối trung tâm xã với các xã khác bị sạt lở nghiêm trọng với hàng chục điểm. Các bản bị chia cắt, không thể tiếp cận được. Toàn địa bàn bị mất điện diện rộng, sóng điện thoại chập chờn, việc duy trì liên lạc khó khăn.

Lũ quét từ núi xuống, nước dâng từ các khe suối, sông lên thủy điện xả lũ… khiến cả một vùng rộng lớn miền núi Nghệ An với hàng loạt xã, hàng chục bản làng chìm trong biển nước. Ở phạm vi vùng, thì các xã vùng miền núi Nghệ An cũng đang bị cô lập với các vùng khác ở miền xuôi. Quốc lộ 7A huyết mạch lên các xã vùng cao có hàng chục điểm ngập khiến phương tiện giao thông bị tắc cứng; công tác ứng phó mưa bão, tiếp cận các bản làng bị cô lập rất khó thực hiện.

Xót xa những bản làng bị sạt lở, lũ quét... nay vẫn đang bị cô lập - Ảnh: CTV
Xót xa những bản làng bị sạt lở, lũ quét... nay vẫn đang bị cô lập - Ảnh: CTV

Tính đến sáng 24/7, nhiều bản làng miền núi Nghệ An đã trải qua hơn 1 ngày bị ngập lũ, chia cắt và cô lập. Thời gian bị ngập lũ và cô lập càng kéo dài, việc tiếp cận của ngành chức năng càng khó khăn thì hậu quả mưa lũ cũng theo đó mà tăng lên theo cấp số.

Trong khi chờ nước lũ rút, chờ sự tiếp tế về nhân lực và phương tiện, cũng như các nhu yếu phẩm hàng ngày cho bà con vùng cô lập… thì phương án ứng phó “4 tại chỗ” vẫn tiếp diễn trong bao ánh mắt hi vọng của bà con dân bản.

Tin cùng chuyên mục
Gặp lại ở Phìn Sư

Gặp lại ở Phìn Sư

Tôi lên Phìn Sư, thăm lại gia đình Min Seo Thế, dân tộc Cơ Lao, vào một buổi sớm mùa hè. Mùa này, nước trời ào ạt đổ về từ các khe núi, chảy rậm rịch suốt ngày đêm vào các ô ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì (cũ) nay là thôn Phìn Sư, xã Tân Tiến. Phía xa xa, Seo Thế phăm phăm sải bước, hai tay nắm chặt đốc cày, khéo léo điều khiển con trâu phía trước theo đường cong như mảnh trăng lưỡi liềm của thửa ruộng. Một mình Thế, một con trâu, một thửa ruộng mà thấy cả mùa vàng đã bắt đầu nảy nở dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh.