Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tìm lại giá trị đích thực của du lịch cộng đồng

Sỹ Hào - 09:32, 16/10/2022

Mai Châu (Hòa Bình) là điểm rất sáng trên bản đồ du lịch qua miền Tây Bắc cũng như của cả nước, với mô hình du lịch cộng đồng. Dẫu đã có thời điểm “làng làng làm du lịch, nhà nhà mở dịch vụ du lịch”, nhưng du lịch cộng đồng nơi đây sẽ không bị “bão hòa”, nếu đi trúng hướng và khai thác đúng giá trị.

Trưởng Bản Văn Lò Văn Phúc trực tiếp thuyết minh hiện vật tại Bảo tàng Thái Mai Châu
Trưởng Bản Văn Lò Văn Phúc trực tiếp thuyết minh hiện vật tại Bảo tàng Thái Mai Châu

Bản Văn làm du lịch

Tuyến đường độc đạo dẫn vào Bản Văn (thị trấn Mai Châu) được trải nhựa, chạy thẳng tắp qua những triền lúa đang thì con gái. Bản có 96 hộ, 93% là đồng bào dân tộc Thái. Đây là một trong những bản hiếm hoi còn lưu lại những nét văn hóa đặc trưng, thuần chất nhất của đồng bào dân tộc Thái ở Mai Châu. Về địa hình thì nơi đây có những lợi thế riêng, có suối, có núi, có cả những thửa ruộng bậc thang,…

Lò Văn Phúc - chàng trai 8x, đã qua 2 nhiệm kỳ làm Trưởng bản, giọng chậm rãi, đều đều: “Người dân trong bản đã biết làm du lịch từ hơn 20 năm nay rồi. Tuy không nổi tiếng như Bản Lác bên xã Chiềng Châu, nhưng nhờ du lịch mà đời sống của bà con cũng khấm khá hơn”.

Lời của anh Trưởng bản có dáng người đậm chắc này quả không ngoa. Cả bản chỉ có chưa đầy 30ha đất trồng lúa một vụ, năng suất cũng không cao, cứ ngỡ sẽ nghèo, sẽ vất vả. Nhưng tại thời điểm này, bản đã đạt chuẩn nông thôn mới, đang trên hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao; cả bản hiện chỉ còn 3 hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt gần 31 triệu đồng/người/năm.

Ấy là nhờ bản làm du lịch – như cách nói của Trưởng bản Phúc, là khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên, cũng như văn hóa truyền thống của bà con dân tộc Thái nơi đây. Và, “đón đầu” cho du lịch Bản Văn là Bảo tàng Thái Mai Châu – một kiến trúc nhà sàn truyền thống kết hợp với khuôn viên “chek in” hiện đại, độc đáo nằm ngay đầu con đường dẫn vào bản.

Bảo tàng Thái Mai Châu là điểm nhấn trong mô hình du lịch cộng đồng ở Bản Văn
Bảo tàng Thái Mai Châu là điểm nhấn trong mô hình du lịch cộng đồng ở Bản Văn

Chủ nhân của bảo tàng là chị Nguyễn Thị Tô Xuân, quê “áo lụa Hà Đông” và cộng sự. Như cách chị Xuân nói, phải thêm từ “cộng sự” là bởi, cái bảo tàng này tuy chị sở hữu, nhưng là tài sản của đồng bào dân tộc Thái, rộng hơn là của cả đất nước. Hàng trăm hiện vật trưng bày trong bảo tàng, gần đây nhất thì cũng có hàng chục năm tuổi, hoặc có niên đại hàng trăm năm; thậm chí có bộ rìu đá của đồng bào Thái cũng xấp xỉ ngàn năm tuổi… Trong đó, có bộ sách chữ Thái cổ, mà như chị bảo, có một du khách người Nga đã sang nhiều lần, nài nỉ chị cho ghi chép, nghiên cứu.

Bảo tàng là của chị Xuân và cộng sự còn bởi, chị tiếp nhận tài sản này với một chữ “duyên”. Cách đây hơn 8 năm, hữu duyên nên chị nhận chuyển nhượng lại số hiện vật từ một người bạn kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng tại Bản Văn.

“Lúc đó cũng có nhiều cá nhân, tổ chức muốn mua lại lắm, cả Đài Truyền hình bên Thái Lan cũng muốn được sở hữu. Nhưng có lẽ hợp duyên, rồi quý cái tâm huyết của mình nên bạn mình quyết định giao khối tài sản đó để mình bảo quản, phát huy giá trị”, chị cười rõ tươi.

Chị Nguyễn Thị Tô Xuân giới thiệu chiếc khăn piêu của đồng bào Thái được trưng bày tại bảo tàng
Chị Nguyễn Thị Tô Xuân giới thiệu chiếc khăn piêu của đồng bào Thái được trưng bày tại bảo tàng

Và, chị Xuân phải có “cộng sự” để bồi đắp cho khối tài sản tinh thần vô giá này ngày càng đầy đặn thêm. Chị bảo, để gia tăng “tài sản” cho Bảo tàng Thái Mai Châu, chị và cộng sự phải cất công sưu tầm trong dân. Khi tìm được hiện vật ưng ý thì phải “đưa cái lý” phù hợp để bà con giao cho mình; có cái thì đổi bằng hiện vật, có cái thì phải mua với giá cao. Và tất nhiên không phải một lần là “giao dịch” thành công ngay. Có những hiện vật phải đi lại mấy lần mới “rước” được về Bảo tàng.

Tìm lại giá trị đích thực

Nhờ tâm huyết của chị Xuân và cộng sự, hiện Bảo tàng Thái Mai Châu đang lưu giữ, trưng bày hàng trăm hiện vật có giá trị, cũng như các hiện vật gần gũi trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào. Bên cạnh bộ sách chữ Thái cổ, bộ rìu đá, bộ dụng cụ của thầy mo, cồng chiêng, khèn bè,… tại Bảo tàng Thái Mai Châu còn có bộ sưu tập tiền giấy từ những năm 1914 đến nay, được đồng bào Thái sử dụng. Cùng với đó là bộ tiền xu, cái có tuổi đời lâu nhất cũng từ năm 1904,… Những hiện vật này, là những dấu mốc cho một quá trình lưu hành tiền tệ của đồng bào dân tộc Thái.

“Những hiện vật tại bảo tàng giúp du khách hiểu hơn về đời sống sinh hoạt hằng ngày cũng như những nét văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Thái xưa và nay. Bảo tàng giúp du khách về Bản Văn hình dung được phong tục, tập quán của người dân địa phương, từ đó có thêm những trải nghiệm thú vị”, chị Xuân nói.

Chị Xuân bảo, chị mong muốn bảo tàng là “cái cột, cái rường” để phát triển mô hình du lịch cộng đồng mà chị và các cộng sự đang triển khai ở Bản Văn. Cùng với nét nguyên sơ của một bản thuần chất thì đây sẽ là hồn cốt của du lịch cộng đồng ở Bản Văn.

Bảo tàng Thái Mai Châu hiện lưu giữ, trưng bày hàng trăm hiện vật có giá trị
Bảo tàng Thái Mai Châu hiện lưu giữ, trưng bày hàng trăm hiện vật có giá trị

Chị nói, khi khởi sự kinh doanh mô hình du lịch cộng đồng ở Bản Văn, chị muốn trả lại đúng nghĩa của từ “cộng đồng” trong khai thác tài nguyên giá trị của địa phương. Bởi, đã đi tham quan rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng, nhưng chị thấy có điểm chung là thiếu sự kết nối.

Ngay trong một điểm du lịch cộng đồng cũng có tình trạng “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”; nhà nhiều khách thì sống khỏe, nhà ít khách thì tự chịu, không có sự chia sẻ. Trong một điểm mà còn như vậy, thì giữa các điểm du lịch trên cùng một địa bàn, hoặc liên vùng đều muốn “đi một mình để đi cho nhanh”.

“Không nói đâu xa, ở một số điểm du lịch cộng đồng, các diễn viên xòe, múa cứ phải chạy sô cho các đoàn khách tham quan, không còn thời gian trau chuốt điệu vũ, dần dần sẽ dẫn tới mất chuẩn. Để phát triển bền vững, đi xa hơn thì du lịch Bản Văn phải hướng đến cộng đồng, cộng đồng cùng làm và cộng đồng cùng hưởng lợi”, chị Xuân tâm sự

Thấy cái gật gù rất miễn cưỡng thể hiện rõ là… không hiểu gì của tôi, chị cười giải thích: “Thế này nhá, khi đầu tư vào đây, mình đã thỏa thuận kỹ về phân chia tỷ lệ phần trăm từ kinh doanh. Trong đó, sẽ trích 30% lợi nhuận để chia đều cho các hộ trong bản. Ví dụ, tích điểm của tháng này lợi nhuận đạt 100 triệu đồng, thì 30 triệu đồng sẽ được trích để chia đều cho 96 hộ trong bản; như vậy ai cũng được hưởng lợi. Ấy là dắt tay nhau để đi xa hơn”.

Chị Nguyễn Thị Tô Xuân bên bộ sưu tập tiền cổ tại Bảo tàng Thái Mai Châu
Chị Nguyễn Thị Tô Xuân bên bộ sưu tập tiền cổ tại Bảo tàng Thái Mai Châu

Chị Xuân bảo thêm, để “dắt tay nhau đi xa hơn”, chị và các cộng sự đã xây dựng đề án thành lập Hợp tác xã. Có Hợp tác xã làm nòng cốt, thì mô hình du lịch cộng đồng ở Bản Văn của chị và các cộng sự sẽ hoạt động chuyên nghiệp; du lịch cộng đồng sẽ phát triển nếu có sự chung tay cùng làm, cùng thụ hưởng.

“Hơn nữa, kinh doanh chuyên nghiệp sẽ góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống. Như biểu diễn văn nghệ, sẽ tổ chức múa xòe chung, không diễn đơn lẻ ở các hộ gia đình nữa. Như vậy vừa tạo điểm nhấn, vừa phát triển loại hình nghề thuật độc đáo của đồng bào dân tộc Thái vừa được tôn vinh là Di sản phi vật thể của nhân loại”, chị Xuân nói.

Lắng nghe chia sẻ của “gia chủ” Bảo tàng Thái Mai Châu, tôi lại nghĩ tới khuyến nghị của TS. Trần Hữu Sơn, một chuyên gia về lĩnh vực du lịch cộng đồng. Ông Sơn đã từng nói, phát triển du lịch cộng đồng không nên làm ồ ạt kiểu như “làng làng làm du lịch, nhà nhà mở dịch vụ du lịch” mà nhất thiết phải có quy hoạch cụ thể, rõ ràng. Thế nên mới nói, con đường mà chị Xuân và các cộng sự đang đi đã mở ra một hướng phát triển mới, “đánh thức” tiềm năng du lịch của Bản Văn trong tương lai gần. 

Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đặt mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa,… để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Thực hiện Dự án này, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS; hỗ trợ tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các DTTS; hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu…