Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tìm “điểm tựa” cho những nghệ nhân “giữ lửa” di sản

Mỹ Dung - 18:29, 17/06/2025

Trong dòng chảy văn hóa phong phú và đa dạng của tỉnh Quảng Ninh, các nghệ nhân dân gian chính là những “ngọn lửa sống” lặng thầm gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa giá trị truyền thống. Họ không chỉ là người nắm giữ tinh hoa văn hóa dân tộc, mà còn là “cầu nối” giữa quá khứ và hiện tại, góp phần định hình bản sắc cộng đồng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Các nghệ nhân người Dao biểu diễn múa trong Lễ cầu mùa ngoài cánh đồng
Các nghệ nhân người Dao biểu diễn múa trong Lễ cầu mùa ngoài cánh đồng

Huyện vùng cao Bình Liêu quy tụ nhiều nghệ nhân dân gian tiêu biểu, được ví như những “cột mốc văn hóa” giữa đại ngàn. Đội ngũ nghệ nhân ở Bình Liêu đang miệt mài cống hiến mỗi ngày trong các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật ở thôn, bản. Sự kiên trì và tận tụy ấy đã mang lại những thành quả vượt ngoài phạm vi bản làng, truyền dạy cho nhiều lớp kế cận.

Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Bình Liêu Tô Đình Hiệu cho biết: “Chính các nghệ nhân dân gian là những tư liệu sống quý giá, giúp công tác bảo tồn văn hóa dân tộc được thực hiện một cách đầy đủ, khoa học và chính xác”.

Nhờ phát huy vai trò của nghệ nhân, Bình Liêu đã xây dựng nhiều sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo như Lễ hội đình Lục Nà, Hội Soóng Cọ, Hội Kiêng Gió, Hội Hoa Sở... Đặc biệt, đề án phát triển bản văn hóa dân tộc Tày tại thôn Bản Cáu, xuất bản sách dạy tiếng Tày và tổ chức tour “Then tour” - hành trình khám phá văn hóa dân tộc Tày đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ du khách trong và ngoài nước.

Không riêng Bình Liêu, xã Bằng Cả, TP. Hạ Long cũng là nơi gìn giữ văn hóa của người Dao Thanh Y với ba Nghệ nhân Ưu tú tiêu biểu: ông Lý Văn Út, ông Đặng Văn Thương và bà Trương Thị Quý. Họ đã biên soạn và trình diễn lại Lễ cấp sắc, đưa nghi lễ này trở thành phần sống động trong đời sống văn hóa cộng đồng. Tại nhiều địa phương khác (Đông Triều, Móng Cái, Vân Đồn...), các nghệ nhân vẫn nỗ lực vượt khó giữ gìn văn hóa truyền thống tại địa phương.

Thầy mo cùng mọi người dự lễ “Mượng ma” nhảy múa quanh cây “xặng bok”
Thầy mo cùng mọi người dự lễ “Mượng ma” nhảy múa quanh cây “xặng bok”

Gánh trên vai trọng trách gìn giữ di sản, nhưng do tuổi cao, sức yếu trong khi chế độ đãi ngộ còn hạn chế khiến các nghệ nhân gặp không ít khó khăn. Việc truyền dạy cũng gặp nhiều rào cản do thiếu nguồn lực, lớp học và chính sách hỗ trợ. Nghệ nhân ngày càng ít đi, đòi hỏi sớm có giải pháp bồi dưỡng thế hệ kế cận để văn hóa truyền thống không bị đứt gãy.

“Đến thời điểm hiện tại cũng chưa có chế độ hỗ trợ hay đãi ngộ gì cho các nghệ nhân. Muốn truyền nghề lắm, nhưng giờ càng ngày càng già, sức yếu, điều kiện lại không có. Chỉ mong Nhà nước quan tâm hơn để nghề không mai một theo mình”, Nghệ nhân Ưu tú Đặng Văn Thương chia sẻ.

Thực trạng này cũng đã từng được PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận: “Đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân ở Quảng Ninh đang gặp không ít khó khăn. Mức thu nhập chưa bảo đảm cuộc sống, thiếu cơ chế hỗ trợ, ít cơ hội giao lưu và học hỏi khiến họ không thể phát huy trọn vẹn tài năng và sáng tạo. Đây là điều thực sự đáng lo ngại”.

Để bảo tồn gắn liền với phát triển, cần có chính sách thiết thực cho nghệ nhân cả về vật chất lẫn tinh thần. Xa hơn, nghệ nhân không chỉ là người bảo vệ văn hóa, mà còn là “nguồn tư liệu sống” - nền tảng để tạo dựng sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, thu hút du khách và góp phần phát triển kinh tế địa phương. Do đó, việc tạo “điểm tựa” từ chính sách đãi ngộ chính là bảo tồn di sản sống, một chiến lược dài hơi đòi hỏi sự chung tay từ chính quyền, cộng đồng và toàn xã hội.

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Ổn định dân cư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Kon Tum: Ổn định dân cư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Những ngôi nhà mới khang trang đang dần hình thành tại các điểm dân cư được đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu. Mơ ước có căn nhà ở ổn định của các hộ đồng bào DTTS nghèo tại tỉnh Kon Tum đã trở thành hiện thực. Kết quả đó thể hiện sự quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Kon Tum trong việc triển khai thực hiện Dự án 1 và Dự án 2, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).