Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thực hiện Chương trình MTQG ở Nghệ An: Tiếng nói của già làng, trưởng bản, Người có uy tín

Thanh Nguyễn - 10:58, 15/03/2023

Hơn một năm qua, việc triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025, trên địa bàn Nghệ An luôn được cộng đồng các DTTS quan tâm, đón đợi. Để góp phần hiệu quả Chương trình, không thể thiếu được vai trò của đội ngũ những già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong vai trò tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia thực hiện. Báo Dân tộc và Phát triển xin lược ghi một số ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm từ một số già làng, trưởng bản, Người uy tín xung quanh việc thực hiện Chương trình MTQG này.

Một góc bản làng vùng cao Nghệ An ngày càng phát triển
Một góc bản làng vùng cao Nghệ An ngày càng phát triển

Ông Mạc Quang Việt, Người có uy tín bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương: Phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong giám sát thực hiện Chương trình MTQG

Việc thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025 ở Nghệ An là rất cần thiết, ý nghĩa và đầy nhân văn; thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ dành cho vùng DTTS&MN. Bản thân tôi rất phấn khởi khi đồng bào DTTS được thụ hưởng Chương trình này.

Thực hiện Chương trình MTQG ở Nghệ An: Tiếng nói của già làng, trưởng bản, Người có uy tín 1

Tôi thấy rằng, đây là chương trình rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực, phủ kín tất cả đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Mặt khác, nguồn lực đầu tư của Chương trình rất lớn, phân kỳ theo từng giai đoạn với những nhiệm vụ trọng tâm cụ thể nên đó sẽ là nguồn lực lớn để góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, kéo gần khoảng cách vùng miền. Chương trình có sự vào cuộc tham gia, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao nên đây thực sự là cơ hội lớn để góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn miền núi còn nhiều khó khăn, bất cập, yếu kém.

Để chương trình phát huy hiệu quả thì, công tác giám sát ở cơ sở của đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín là cần thiết. Muốn vậy, đội ngũ này phải là thành viên của tổ, ban giám sát ở địa phương. Bên cạnh đó, già làng, trưởng bản, Người có uy tín ở các địa phương phải được thông tin bàn bạc, trao đổi, được tham gia đóng góp ý kiến trong xây dựng kế hoạch, chương trình, biện pháp thực hiện và thực tế thực hiện, thì hiệu quả chương trình mới cao.

"Chẳng hạn, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thì già làng, trưởng bản, Người có uy tín cần được tham gia bàn thảo, tham gia thực hiện. Để làm sao, dự án đạt được mục tiêu cao nhất là khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Bởi từ việc bảo tồn, khôi phục tốt thì mới là tiền đề để phục vụ du lịch tốt và hiệu quả. Tránh tình trạng chỉ nặng về du lịch quá quên mất các yếu tố khác thì hoàn toàn không nên", ông Mạc Quang Việt nêu ví dụ.

Ông Lương Xuân Thuyết, già làng, Người có uy tín ở Bản Mà, xã Ngọc Lâm, Thanh Chương: Người dân cần được bàn bạc, kiểm tra, giám sát

Thực hiện Chương trình MTQG ở Nghệ An: Tiếng nói của già làng, trưởng bản, Người có uy tín 2

Đồng bào các DTTS sẽ là đối tượng được thụ hưởng chính từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định 1719 của Chính phủ. Rất nhiều dự án từ Chương trình được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hạ tầng cơ sở, nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức… của bà con. Với những mục đích và mục tiêu như thế nên ý nghĩa từ chương trình là rất lớn.

Từ thực tiễn có thể thấy, trong rất nhiều chương trình, dự án thực hiện cho vùng đồng bào DTTS&MN trước đây thì còn nhiều chương trình, dự án hiệu quả chưa cao, chưa phát huy được mục đích ban đầu khi lập dự án đề ra. Mà điều này là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nguồn vốn bố trí chưa kịp thời và đầy đủ; khảo sát bố trí dự án chưa sát với nhu cầu thực tế của vùng miền; thậm chí có nhiều dự án tạo sinh kế nhưng đổ bể do không tìm được đầu ra cho sản phẩm…

Vì vậy, ở chương trình lần này, người dân chúng tôi mong muốn, cấp trên có những điều chỉnh, thay đổi ngay từ đầu, rút kinh nghiệm từ thực tiễn để các dự án được đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất, người dân được hưởng lợi nhiều nhất. Đặc biệt, những thiếu sót, yếu kém qua các đợt sơ kết hàng năm cần được điều chỉnh kịp thời.

Theo tôi, để chương trình đạt được hiệu quả, ngoài việc cấp ủy chính quyền các cấp xem đây là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ để nỗ lực thực hiện; cũng như các giải pháp thúc đẩy thực hiện Chương trình, thì đối với người dân, ở địa bàn được thụ hưởng cần được thông tin bàn bạc, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện chương trình cụ thể hơn, tránh tình trạng thông tin mang tính hình thức, khi được hỏi, bà con không biết mình được thụ chính sách gì. Mặt khác, việc bố trí nguồn lực để đầu tư cần ưu tiên các phần việc, nội dung cấp bách, cấp thiết; trách đầu tư dàn trải, nhỏ giọt để tránh tình trạng công trình kéo dà,i gây lãng phí tiền của và làm giảm niềm tin trong Nhân dân.

Ông Trương Công Viên, già làng, Người có uy tín làng Trung Chính, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn: Giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất cho những địa bàn khó khăn nhất, của những dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.

Thực hiện Chương trình MTQG ở Nghệ An: Tiếng nói của già làng, trưởng bản, Người có uy tín 3

Phải khẳng định là, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN là một Chương trình lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS&MN.

Chương trình đã ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất cho những địa bàn khó khăn nhất, của những dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, đáp ứng mong mỏi của nhân dân cũng như đồng bào các DTTS. Vì thế, quá trình thực hiện cần đảm bảo đủ nguồn vốn, ưu tiên và lựa chọn vấn đề cấp thiết nhất trong số những vấn đề cấp thiết để thực hiện trước.

Chúng tôi hi vọng và mong muốn Chương trình sẽ phát huy sự chủ động, sáng tạo và ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của đồng bào ở vùng đặc biệt khó khăn và khó khăn đặc thù. Muốn đạt được điều này, khi triển khai Chương trình, các cấp chính quyền, cán bộ thực hiện phải nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn về cơ chế chính sách, nguyên tắc thực hiện, các nội dung được đầu tư và đối tượng được thụ hưởng để đầu tư đúng trọng tâm, nhất là các vấn đề về an sinh xã hội, sinh kế cho người dân… Ngoài ra, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng để tạo được sự lan tỏa, đồng tình, hưởng ứng cao trong Nhân dân.