Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thực hiện chính sách dân tộc ở Bắc Kạn: Khi Nhà nước và Nhân dân cùng làm

Khánh Thư - 14:53, 07/10/2024

Những năm qua, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của các chương trình, chính sách dân tộc (CSDT) đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi tỉnh Bắc Kạn. Sự tham gia tích cực, chủ động của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh vào quá trình thực hiện cũng là một yếu tố quan trọng, góp phần tăng hiệu quả của các chương trình, dự án.

 Nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi của tỉnh. (Trong ảnh: Bản Khâu Đấng, xã Bộc Bố - Điểm du lịch trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở Pác Nặm)
Nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi của tỉnh. (Trong ảnh: Bản Khâu Đấng, xã Bộc Bố - Điểm du lịch trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở Pác Nặm)

Nhà nước đầu tư

Là tỉnh miền núi, Bắc Kạn có dân số khoảng 326.000 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 88%. Mặc dù đã có bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực, nhưng hiện Bắc Kạn vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn so với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Hiện toàn tỉnh có 108 xã, phường, thị trấn thì có 66 xã khu vực III (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg) và 648 thôn đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT).

Cách đây 5 năm, báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bắc Kạn lần thứ III - năm 2019 đã nêu rõ, theo bộ tiêu chí nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn 21,88%; hộ cận nghèo là 11,82%; GRDP bình quân đầu người của tỉnh mới đạt khoảng hơn 30 triệu đồng. Cơ sở hạ tầng dù đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh...

Việc thực hiện hiệu quả CSDT đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Kạn, với mức tăng bình quân 5,5% trong giai đoạn 2019 - 2024. Từ năm 2024 đến năm 2029, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân đạt tối thiểu từ 6,5 đến 7,0%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3,5%/năm.

Là tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn đều thuộc vùng DTTS và miền núi nên các chương trình, CSDT là nguồn lực chính để Bắc Kạn tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết các vấn đề cấp bách ở vùng DTTS, nâng cao đời sống của Nhân dân. Chỉ tính riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719), giai đoạn 2022 - 2024, tỉnh đã được phân bổ gần 2.118,8 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hơn 2.010,5 tỷ đồng) để triển khai 10 dự án thành phần, 12/14 tiểu dự án.

Theo bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, nguồn lực đầu tư đó đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi của tỉnh. Đến nay, 85% xã trên địa bàn tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã đạt cấp 6 trở lên; 95% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 92% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 98,5%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5%;... Toàn tỉnh có 28 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng 19 xã so với năm 2019; 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 74 thôn được công nhận thôn đạt chuẩn NTM, trong đó có 22 thôn thuộc các xã khu vực III.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. (Trong ảnh: Tuyến Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên - Chợ Mới hoàn thành tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và du lịch Bắc Kạn)
Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. (Trong ảnh: Tuyến Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên - Chợ Mới hoàn thành tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và du lịch Bắc Kạn)

Nhân dân cùng làm

Nguồn lực từ các chương trình, CSDT cơ bản bao phủ tất cả các lĩnh vực của Bắc Kạn, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đến cuối năm 2023, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 50,3 triệu đồng, tăng 16 triệu đồng so với năm 2019. Các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, y tế,... đều đạt được những thành tựu tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, bà Triệu Thị Thu Phương, những kết quả đạt được trong CTDT và thực hiện các chương trình, CSDT trên địa bàn tỉnh những năm qua có sự đóng góp rất lớn của đồng bào các dân tộc ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh.

Minh chứng là, thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ III - năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến trên các lĩnh vực. Ghi nhận, tôn vinh công lao và thành tích của đồng bào các dân tộc, tại Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện lần thứ IV - năm 2024 được tổ chức xong trong tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đã tặng Giấy khen cho 105 tập thể và 137 cá nhân.

“Tại Đại hội Đại biểu các DTTS cấp tỉnh lần thứ IV - năm 2024 dự kiến tổ chức trong tháng 10 tới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 5 cá nhân; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 20 tập thể và 29 cá nhân có thành tích xuất sắc trong CTDT giai đoạn 2019 - 2024”, bà Phương cho biết.

Bà Phương cho biết thêm, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV - năm 2024 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đại hội không chỉ đánh giá kết quả đã đạt được trong thực hiện CSDT, trong công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2019 - 2024 và đề ra nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả CTDT giai đoạn 2024 - 2029 mà còn là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng để nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; từ đó tiếp tục đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Kạn ngày càng giàu đẹp và phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chòm riêng chà pây của đồng bào Khmer

Vĩnh Long: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chòm riêng chà pây của đồng bào Khmer

Ông Thạch Dương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long thông tin, trong năm 2024, Ban Dân tộc đã phối hợp Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể dục Thể thao tỉnh Vĩnh Long cùng UBND các huyện, thị xã có đông đồng bào Khmer, các chùa Khmer trên địa bàn, mở các lớp truyền dạy văn hóa nghệ thuật nói chung và loại hình nghệ thuật Chòm riêng chà pây cho đồng bào Khmer địa phương. Việc truyền dạy nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống đồng bào Khmer.