Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm từ mô hình khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số

Văn Phong - 04:03, 15/11/2023

Với tinh thần khởi nghiệp, ý chí dám nghĩ, dám làm, nhóm thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) xã Như Cố, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đã thành lập nên Hợp tác xã Nông nghiệp thanh niên Như Cố với mô hình sản xuất đa dạng, mang lại doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương.

Toàn bộ quy trình sản xuất rau, quả của HTX được thực hiện nghiêm ngặt
Toàn bộ quy trình sản xuất rau, quả của HTX được thực hiện nghiêm ngặt

Như Cố là xã vùng núi thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Đây là nơi có địa hình chủ yếu là đồi núi, hệ thống công trình thủy lợi đa dạng và phong phú, thuận lợi cho tưới tiêu phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Thêm vào đó, điều kiện khí còn hậu thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng. Xã Như Cố còn có nguồn nhân lực thanh niên dồi dào, có kinh nghiệm trong lao động sản xuất.

Nhận thấy những tiềm năng chưa được khai thác có hiệu quả, ngay từ khi còn là sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, anh Lường Đình Hùng đã ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Hùng trở về quê, đảm nhiệm vị trí Bí thư Đoàn Thanh niên xã Như Cố. Từ đó anh đã tổ chức nhiều phong trào, tập hợp đông đảo thanh niên tại địa phương tham gia.

Tháng 4/2017, với tinh thần thanh niên xung kích làm kinh tế, anh Hùng đã cùng 25 thanh niên DTTS mạnh dạn thành lập Tổ hợp tác trồng rau an toàn Đoàn Thanh niên xã Như Cố.

Xác định rõ mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nhóm đã thí điểm chuyển đổi 6.000m2 đất ruộng tại thôn Nà Chào, xã Như Cố sang trồng rau và cây ăn quả. Ban đầu, người dân còn nghi ngại, lo lắng khi phải chuyển đất đã bao đời trồng lúa sang trồng một loại cây khác. Tuy nhiên anh Hùng cùng các thanh niên trong tổ hợp tác đã thuyết phục bà con chuyển đổi mô hình. Với nỗ lực, quyết tâm, cùng sự cẩn thận, tỉ mỉ trong quy trình sản xuất, Tổ đã thành công với rau bí siêu ngọn, dưa chuột, cà chua...

Tháng 11/2017, sau khi đạt được một số thành công ban đầu, các thành viên quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh niên Như Cố. Hiện tại, HTX có tổng cộng 11 thành viên, là những thanh niên người dân tộc Tày có tinh thần chăm chỉ và sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách. Phát huy tinh thần sức trẻ, HTX đã tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tận dụng những thế mạnh mà thiên nhiên đã ban tặng cho địa phương để tạo ra những mô hình sản xuất nông nghiệp đa dạng và phong phú.

Sản phẩm của HTX được bày bán trên các trang web, sàn thương mại điện tử
Sản phẩm của HTX được bày bán trên các trang web, sàn thương mại điện tử

Anh Lường Đình Hùng, thành viên sáng lập ra HTX cho biết: Hiện nay, HTX đã xây dựng nhiều mô hình mới theo hướng công nghệ cao như nhà lưới CNC, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào canh tác, máy móc thiết bị làm đất, bạt phủ luống, hệ thống tưới nhỏ giọt… Đồng thời HTX cũng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nhiều sản phẩm như: Dưa lê Như Cố, Dưa lưới Như Cố, Cà chua Như Cố, Mật ong hoa rừng Như Cố, Bún khô Quân Nguyệt, Trà mướp đắng rừng, Chè Như Cố…

Năm 2019, HTX đã phát triển thêm 1 nhà lưới công nghệ cao với diện tích 1000m2, nâng diện tích nhà lưới công nghệ cao lên 2000m2 chuyên trồng sản phẩm dưa lưới. Bên cạnh đó, HTX còn khai thác, vận hành nhiều mô hình như trồng cây chè với diện tích 10ha theo tiêu chuẩn VietGAP cùng 1 xưởng chế biến rộng 320m2, 1ha mướp đắng rừng và 2,55ha thanh long ruột đỏ…

Bên cạnh mở rộng quy mô sản xuất, HTX luôn chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản với mục tiêu hàng đầu là sản xuất các sản phẩm an toàn. Theo đó, toàn bộ quy trình sản xuất rau, quả của HTX được thực hiện nghiêm ngặt thông qua các biện pháp sinh học như: sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ, các chế phẩm sinh học. Ngoài ra trong quá trình canh tác còn áp dụng kỹ thuật che phủ nilon dưới gốc cây để hạn chế cỏ dại, nâng cao chất lượng nông sản.

Không dừng lại ở sản xuất nông nghiệp rau, củ quả, HTX còn phát triển các mô hình chăn nuôi như: Nuôi gà với quy mô 10.000 con; nuôi chim bồ câu, nuôi ong lấy mật và sản xuất bún khô. Để mở rộng vùng nguyên liệu, HTX chủ động liên kết với người dân qua phương thức HTX hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ sản phẩm; người dân góp đất, góp nhân công, theo quy trình sản xuất khép kín. Chính nhờ mối liên kết trong sản xuất đã giúp cho những sản phẩm của HTX duy trì ổn định chất lượng theo đúng quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, tất cả những sản phẩm do HTX cung cấp ra thị trường đều có nhãn mác, mã số, mã vạch do cơ quan chức năng cấp.

Mô hình trồng dưa trong nhà lưới công nghệ cao của HTX
Mô hình trồng dưa trong nhà lưới công nghệ cao của HTX

Nhờ đa dạng mô hình, năm 2019 danh thu của HTX đạt trên 5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 619 triệu đồng, thu nhập của thành viên đạt trung bình 4,5 triệu đồng/tháng. HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 11 thanh niên là thành viên HTX và nhiều thanh niên khác trên địa bàn thông qua hình thức liên kết sản xuất. Đến nay HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố có 4 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, bao gồm: Trà mướp đắng rừng, chè Như Cố, bún khô, mật ong.

Để mở rộng đầu ra cho sản phẩm, HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố còn thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, tận dụng tối đa sự phát triển của công nghệ 4.0, dựa vào các nền tảng của mạng xã hội Facebook, Zalo, thực hiện việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Kim Hưng,Vỏ sò… Việc giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử đã tạo nên sự quảng bá rất tốt, góp phần nâng cao doanh thu. Hiện tại sản phẩm của HTX đã đẩy trên 20 sàn thương mại điện tử trong cả nước, sản phẩm được nhiều người quan tâm.

Với thành tích đạt được HTX đã vinh dự nhận Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, Liên minh HTX Việt Nam… Có thể nói, các mô hình phát triển kinh tế của HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố đã trở thành một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của huyện Chợ Mới và của tỉnh Bắc Kạn, khẳng định hướng đi khởi nghiệp đúng đắn, phù hợp cho thanh niên vùng đồng bào DTTS; góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, ý chí vượt khó vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương...